Chuyện các Quốc gia vì bất bình mà trục xuất đại sứ của nhau ít khi xảy ra, đây là một hành động nghiêm trọng – ảnh hưởng đến thể diện quốc gia và đôi khi dẫn đến một hành vi đáp trả tương xứng.
Tuy nhiên có những lý do được nêu ra có thể khiến cho một bên phải xấu hổ thậm chí là nhục nhã, coi như là xúc phạm đến cả dân tộc.
Hôm thứ Tư ngày 5 tháng 2 năm 2020 – ông František Ružička, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Cộng hòa Slovakia, đã triệu tập Đại sứ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Dương Trọng Minh.
Thay mặt Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Miroslav Lajčák, ông František Ružička đã thông báo với đại sứ Việt Nam rằng:
Cộng hòa Slovakia đã tuyên bố một trong những nhân viên ngoại giao của Đại sứ quán Việt Nam tại thủ đô Bratislava là “người không được hoan nghênh” và nhà ngoại giao này phải rời khỏi Slovakia trong vòng 48 giờ.
Đây là hậu quả đầu tiên sau khi Tòa án Tối cao CHLB Đức công bố phán quyết cuối cùng về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đối với bị cáo Nguyễn Hải Long là đồng phạm tham gia vụ bắt cóc.
Tờ báo SME của Slovakia trích thông báo của Bộ Ngoại giao Slovakia: “Cộng hòa Slovakia đã thực hiện bước đi nghiêm trọng này liên quan đến phán quyết hợp pháp của Tòa án Tối cao CHLB Đức về việc bắt cóc một công dân Việt Nam, và Bộ Ngoại giao Slovakia đã công bố biện pháp (trừng phạt) mạnh mẽ về ngoại giao vào thời điểm mà sự nghi ngờ rất nghiêm trọng về lạm dụng lòng hiếu khách của Slovakia được chính thức xác nhận“.
Với Kết quả điều tra và lời khai thú nhận của bị cáo Nguyễn Hải Long và nay là phán quyết cuối cùng của Tòa án Công lý liên bang. Nay sự thật đã phơi bày, đó là Trịnh Xuân Thanh được cho là đã được đưa ra khỏi EU bằng chuyên cơ của Chính phủ Slovakia do Bộ trưởng Công an Tô Lâm mượn. Lòng hiếu khách của Slovakia đã bị phía Việt Nam lợi dụng,đó chính là lý do của biện pháp trừng phạt ngoại giao.
Bộ trưởng Bộ ngoại giao Đức đã từng phải thốt lên khi nói về vụ Việt nam tổ chức bắt cóc công dân của mình trên lãnh thổ Cộng hòa liên bang Đức: Đó là một hành động “gợi nhớ về thời Chiến tranh Lạnh, một phim kinh dị chính trị“.
Một trong hai đại diện của Văn phòng Công tố Liên bang vào tháng 7 năm 2018 tại phiên tòa tại Tòa án cấp cao nói Nguyễn Hải Long đã tham gia vào một “vụ bắt cóc do nhà nước tổ chức“. Đó là một hoạt động của cơ quan mật vụ Việt Nam – ở giữa Berlin.
Tòa án khu vực cấp cao đã kết án Nguyễn Hải Long ba năm và mười tháng tù.
Do Nguyễn Hải Long có đơn kháng cáo, nay Tòa án Công lý Liên bang xét xử và bác bỏ kháng cáo bị cáo. Vì thế đây là bản án cuối cùng.
Trịnh Xuân Thanh – người đứng đầu một công ty nhà nước Việt Nam đã bị bắt cóc, kéo vào một chiếc ô tô bên đường vào ngày 23 tháng 7 năm 2017 và sau đó được đưa vào ĐSQ VN ở Berlin, sang Séc , Slovakia để về Việt nam. Chính quyền ở Hà Nội cáo buộc ông tham nhũng và kết án hai bản án chung thân .
Nguyễn Hải Long, một đồng lõa ở Berlin bị cáo buộc đã thuê hai chiếc xe, trong số nhiều thứ khác, được sử dụng trong các hoạt động tình báo. Anh ta bị bắt tại Cộng hòa Séc vào tháng 8 năm 2017 và sau đó giao cho Đức.
Hôm 28/01/2020 bà Schlagenhauf, luật sư của Trịnh Xuân Thanh tại Đức, đã ra một Thông cáo báo chí, trong đó bà yêu cầu Chính phủ Đức tiếp tục can thiệp với phía Việt Nam để trả tự do cho thân chủ của bà là Trịnh Xuân Thanh.
Thông cáo báo chí mở đầu bằng Quyết định của Tòa án Tối cao CHLB Đức bác bỏ đơn kháng án của Nguyễn Hải Long mà bà mới vừa nhận được hôm nay 28/01/2020.
Với Quyết định này, Tòa án Tối cao Cộng hòa liên bang Đức xác định rằng trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, bị cáo Nguyễn Hải Long đã bị buộc tội đúng theo luật pháp về hoạt động tình báo như là một điệp viên, cũng như tiếp tay cưỡng đoạt tự do trong 2 trường hợp (Trịnh Xuân Thanh và người tình Đỗ Thị Minh Phương), và bản án 3 năm 10 tháng tù đối với bị cáo Nguyễn Hải Long đã được xác nhận.
Nguyễn Hải Long bị bắt giam từ ngày 13.8.2017, tính đến nay đã ngồi tù gần 2 năm rưỡi tù, tức là gần 2/3 bản án, đủ điều kiện thời gian mà luật Đức quy định để có thể được trả tự do trước thời hạn, luật sư Stephan Bonell của Nguyễn Hải Long Đức cho biết như thế. Ông sẽ làm đơn xin trong thời gian tới và tin rằng thân chủ của ông sẽ được trở về với gia đình ở Séc.
Luật sư Schlagenhauf kết luận:
Tòa án hình sự cao nhất nước Đức một lần nữa xác định rằng vụ bắt cóc thân chủ tôi là một hành vi của Nhà nước Việt Nam vi phạm Công pháp quốc tế. Bà yêu cầu Chính phủ Đức “không giảm bớt nổ lực để thân chủ tôi được trả tự do, ra khỏi nhà tù Việt Nam“.
Bộ Ngoại Giao Đức cho rằng ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc trong lúc đang xin qui chế tị nạn tại Berlin.
Việc bị cáo Nguyễn Hải Long thú tội trước tòa án đã làm tổn hại đến uy tín của Nhà nước Việt Nam, bởi vì đây là lần đầu tiên một người tham gia vụ bắt cóc đã thừa nhận rằng Trịnh Xuân Thanh bị mật vụ Việt Nam bắt cóc.
Cho đến nay, chính quyền tại Hà Nội vẫn phủ nhận điều này và tuyên bố rằng Trịnh Xuân Thanh ăn năn hối lỗi tự nguyện trở về đầu thú.
Ông Stephan Bonell, luật sư của Nguyễn Hải Long nói: “nếu không có việc thú tội này, thì ở Việt Nam thân chủ của tôi sẽ không bị coi như là một kẻ phản bội“.
Có lẽ vì vậy mà sau đó, Nguyễn Hải Long đã làm đơn kháng án, mặc dù hầu như không có hy vọng thành công.
Hơn nữa, việc kháng án này rốt cuộc đã làm hại chính bản thân mình, bởi vì bị cáo Long phải ở lâu hơn (cả 1 năm rưỡi trời) trong nhà tù tạm giam, nơi điều kiện giam giữ khắt khe hơn so với các nhà tù bình thường cho người thi hành án.
Trong phiên tòa xét xử năm ngoái 2019 tại Berlin, Viện Công tố Liên bang cho biết đang điều tra ít nhất 4 người đàn ông khác tham gia vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, trong đó có Trung tướng Đường Minh Hưng.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam dẫn nguồn Bộ Công an Việt Nam rằng không hề có chuyện bắt cóc mà ông Thanh tự ý về đầu thú để mong được hưởng sự khoan hồng.
Một người Việt nam đang ở Đức để nộp đơn xin quy chế tị nạn chính trị, thì bỗng nhiên xuất hiện ở Việt Nam, và bị đưa ra xét xử với lời giải thích là tự về tự thú. Vụ án đã trở thành hình mẫu của một nhà nước bắt cóc, mà ở đây là Việt nam.
Tòa Án Việt Nam hồi đầu năm 2018 đã xét xử và kết tội ông Trịnh Xuân Thanh 2 án tù chung thân với cáo buộc “cố ý làm trái và tham ô tài sản” khi làm chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công Ty Cổ phần Xây Lắp Dầu Khí Việt Nam- PVC, thuộc Tập đoàn Dầu Khí Việt nam.
Luật sư Schlagenhauf nói:
“Ông ấy có quyền trở lại Đức vì từ tháng 12/2017 chính phủ Đức đã cấp quy chế tỵ nạn cho ông rồi. Lúc đó ông ấy đã bị bắt cóc. Ông ấy có quyền quay lại, nhận passport và ở lại Đức… nếu ông ấy ở Đức thì không ai ở Việt Nam có thể yêu cầu dẫn độ ông ấy về lại Việt Nam nữa. Một khi ông ấy quay lại Đức, ông ấy có thể ở lại Đức”
Luật sư Petra Schlagenhauf giải thích:
“Khi một quốc gia không xin dẫn độ và không đợi cho đến lúc thủ tục dẫn độ hoàn tất mà lại tiến hành bắt cóc người, thì nước bắt cóc mà trường hợp này là Việt Nam không thể tiếp tục quá trình pháp lý (tức là kết án) đối với người bị bắt cóc. Đây là luật quốc tế”.
Luật sư Schlagenhauf giải thích thêm:
“Tòa Án nước Đức phải quyết định xem Việt Nam giữ thân chủ của tôi như vậy có đúng luật quốc tế không.
Và tòa đã diễn giải là không vì Việt Nam đã bắt cóc, còn phía chính phủ Đức đã ngay lập tức phản đối và đòi trả Trịnh Xuân Thanh.
Vì vậy, theo luật quốc tế, Việt Nam không thể tiếp tục các thủ tục pháp lý với khách hàng của tôi được nữa.
Do đó việc tiếp tục giam giữ Trịnh Xuân Thanh của Việt Nam theo phía Đức diễn giải là hành vi trái pháp luật”.
Tòa Tối Cao là cơ chế pháp lý cao nhất của Cộng Hòa Liên Bang Đức, nơi ông Trịnh Xuân Thanh bị mật vụ Việt Nam tổ chức bắt cóc mang về nước. Nếu Đức thành công với áp lực trả lại Trịnh Xuân Thanh thì ông Thanh sẽ được đưa trở lại Đức và được hưởng quy chế tỵ nạn đã được phía Đức cấp.
Từ Đức, luật sư, cựu tù nhân nhân quyền Nguyễn Văn Đài cho biết ông đồng ý với luật sư Schlagenhauf:
“Người ta biết rằng đứng đằng sau vụ bắt cóc này là ông Tô Lâm, bộ trưởng Bộ Công An, ủy viên Bộ Chính Trị, Bí thư Đảng ủy Công An Trung Ương. Ông ta là người trực tiếp lên kế hoạch cũng như chỉ huy vụ bắt cóc này. Nếu trao lại Trịnh Xuân Thanh cho phía Đức thì đương nhiên ông (Thanh) sẽ khai ra và đương nhiên ông Tô Lâm là người số một rồi. Điều này sẽ đặt Đảng Cộng sản Việt Nam vào thế rất khó xử”
“Việt Nam sẽ tìm cách thương lượng, thương thảo với phía Đức để trì hoãn cho đến khi Đại Hội Đảng kết thúc, cũng như ông Tô Lâm kết thúc nhiệm kỳ Bộ trưởng Công an của mình. Sau đó họ tìm cách phân giải và trả ông Trịnh Xuân Thanh cho phía Đức vào năm 2021 tới đây thôi”.
Cũng từ nước Đức, blogger Bùi Thanh Hiếu, nói rằng không dễ buộc Việt Nam nhìn nhận làm sai: “Bao giờ Việt Nam đứng ra nhận có bắt cóc thì lúc đấy mới nói chuyện thả Trịnh Xuân Thanh và giao trả về được. Chủ tịch nước Trần Đại Quang chủ trương sau một thời gian sẽ đàm phán để Đức trả Trịnh Xuân Thanh về. Nhưng cuối cùng ông chết đột ngột thì người lên làm Chủ tịch nước là ông Nguyễn Phú Trọng lại chủ mưu vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Bây giờ ít nhất cũng phải chờ qua hết nhiệm kỳ Nguyễn Phú Trọng thì người sau này sẽ tìm cách nào đấy trả Trịnh Xuân Thanh về lại Đức”.
Nhà cầm quyền Việt nam mà người đứng đầu là Tổng bí thư Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải chịu hoàn toàn trách nhiệm khi chỉ đạo Bộ Công an Việt nam đột nhập lãnh thổ Đức và châu Âu để theo dõi, bắt cóc công dân Việt nam. Đây là hành động gây đại án hình sự rất nặng đối với luật pháp Việt Nam , Đức và các công ước quốc tế.
Quan hành động vô pháp này, Đảng Cộng sản Việt nam đã gây ra tác hại to lớn cho đất nước, làm cho hàng triệu người dân và doanh nghiệp Việt nam phải chịu thiệt thòi vì tổn hại uy tín và các hạn chế giao thương.
Chỉ có con đường loại bỏ, bất hợp tác Đảng Cộng sản Việt nam ở trong nước và ở nước ngoài, kiều bào và các doanh nghiêp chấm dứt mọi tài trợ tài chính cho các hoạt động tuyên truyền, nhằm kéo dài sự tồn tại của chế độ phi nhân tính theo chủ nghĩa Cộng sản tại Hà nội.
Có Dân chủ và Tự do cùng một nhà nước pháp quyền, thì trên 90 triệu người dân Việt nam sẽ có hạnh phúc, giàu mạnh và công bằng Xã hội.
Hoàng Trung từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)