So với ông Tô Lâm trước đây, hiện nay, ông Lương Tam Quang có nhiều lợi thế hơn.
Trước đây, ông Nguyễn Phú Trọng chỉ giả vờ tin tưởng, để lợi dụng ông Tô Lâm, để tạo nên sức mạnh chính trị cho bản thân ông trên chính trường.
Ông Trọng cứu vớt ông Tô Lâm khỏi vụ AVG, không phải vì tình cảm quý mến với ông Tô Lâm, mà chỉ là cách ban ơn, để sai khiến ông Tô Lâm dễ hơn. Mà quả thật, từ sau khi thoát khỏi vụ án AVG và được lên chức Bộ trưởng, ông Tô Lâm đã thể hiện sự nhiệt tình, lăn xả, kể cả chịu nhục trước dư luận quốc tế, để làm vừa lòng ông Trọng.
Thực tế, ông Trọng không thực tâm tin tưởng ông Tô Lâm. Bằng chứng là, ông Trọng không chọn Tô Lâm vào vai trò “thái tử”, mà gạt qua một bên. Người ông Trọng chọn, là những người có “lý luận Mác – Lê”, như Vương Đình Huệ hay Võ Văn Thưởng, và đó là nguyên nhân dẫn đến việc Tô Lâm làm phản cướp ngôi.
Giờ đây, ông Tô Lâm nâng đỡ ông Lương Tam Quang một cách thật lòng, với sự tin tưởng tuyệt đối, chứ không phải nâng đỡ để lợi dụng, như ông Trọng từng làm. Đây là lợi thế rất lớn cho ông Quang.
Ông Quang cũng được ông Tô Lâm tin hơn ông Nguyễn Duy Ngọc. Vì thế, Tô Lâm mới để ông Quang nắm chức Bộ trưởng Bộ Công an, và điều ông Nguyễn Duy Ngọc về Ban Bí thư.
Ông Nguyễn Phú Trọng chỉ cho phép ông Tô Lâm lạm quyền trong phạm vi ngành công an, chứ không được phép lạm quyền vượt ngành, như ông Lương Tam Quang hiện nay. Ông Quang đã cướp quyền của Ủy ban Đối ngoại Trung ương và Bộ Ngoại giao, khi đi sứ sang Đức, tạo ra một tiền lệ xấu. Đó là tiền lệ cho phép Bộ trưởng Bộ Công an nhúng tay vào những lĩnh vực không thuộc trách nhiệm của ngành công an.
Với lối dẫn dắt của Tô Lâm, ông Lương Tam Quang đang đứng trước một cơ hội lớn, để trở thành nhân vật có thể khiến cho phần còn lại của Bộ Chính trị và Trung ương Đảng phải khiếp sợ.
Còn đối với Tô Lâm, việc trao quyền quá lớn cho Lương Tam Quang, có thể tạo ra rủi ro, khi có ngày, đệ tử ruột lại nổi hơn cả sếp.
Cho tới lúc này, ông Quang vẫn tỏ ra là một nhân vật khá thụ động. Tuy là Bộ trưởng Công an, nhưng chủ yếu, ông chỉ thực hiện các mệnh lệnh miệng của ông Tô Lâm, chứ chưa tạo ra dấu ấn riêng nào.
Có lẽ, thời gian vẫn còn quá ngắn, chưa đủ để đánh giá hết con người ông. Nhưng với những gì mà ông đã làm, trong vai trò cấp phó cho ông Tô Lâm ở Bộ Công an, thuộc hạ đánh giá, ông “hiền” hơn ông Nguyễn Duy Ngọc. Có lẽ, chính vì ông hiền, nên ông Tô Lâm mới an tâm giao chức Bộ trưởng Công an. Vì nếu giao cho ông Nguyễn Duy Ngọc chức này, thì khả năng ông Tô Lâm “bị làm phản” sẽ cao hơn.
Tuy nhiên, việc giao chức Bộ trưởng Công an cho ông Quang, vẫn là canh bạc của Tô Lâm. Nếu ông Quang thực sự “hiền”, thì khó có thể quản được đám thuộc hạ dưới quyền. Bộ Công an có nguy cơ mất vào tay kẻ khác. Còn nếu ông Quang chỉ “giả hiền”, thì ngai của Tô Lâm lại tiềm ẩn nguy cơ bị chính thuộc hạ của ông lật đổ.
Trong chính trị, không có tình bạn mãi mãi, chỉ có quyền lợi chính trị mới là mãi mãi. Việc ông Tô Lâm ưu tiên dùng thuộc hạ gốc Hưng Yên, không có nghĩa là ông sẽ được an toàn. Bài học Tướng Nguyễn Ngọc Lâm – Thứ trưởng Bộ Công an là một ví dụ. Bởi Tướng Ngọc Lâm đã bán đứng đồng hương Nghệ An, để mưu cầu quyền lực nơi nhóm Hưng Yên.
Hiện ông Lương Tam Quang đang là Đại tướng, Ủy viên Bộ Chính trị, và là Bộ trưởng Bộ Công an đầy quyền lực. Ở vị thế này, ông Quang hoàn toàn có thể mơ tưởng chức Tổng Bí thư, như cách ông Tô Lâm từng làm với ông Trọng.
Mở đường cho đàn em lạm quyền, ông Tô Lâm đang biến Đảng Cộng sản – vốn đã vô pháp, giờ còn trở nên vô pháp hơn. Xã hội bị điều khiển bởi những ông trùm trong tay có vũ khí, chứ không phải bởi luật pháp.
Hoàng Phúc – Thoibao.de