Nhân sĩ, trí thức kêu gọi chính quyền “Đổi mới” lần 2

Ngày 5/11, RFA Tiếng Việt loan tin “Người dân kêu gọi “Đổi mới” lần 2 để khai thông “điểm nghẽn thể chế”’.

Theo đó, 38 năm sau ngày Đổi Mới, xóa bỏ bao cấp và chuyển sang mở cửa kinh tế, hội nhập với thế giới, người dân Việt Nam tiếp tục kêu gọi một cuộc Đổi Mới lần thứ 2, trong lúc ông Tô Lâm chỉ ra “kỷ nguyên vươn mình” của dân tộc.

RFA cho biết, 7 tổ chức xã hội dân sự trong nước và 32 cá nhân, ngày 3/11, đồng ký thư kiến nghị gửi Tổng Bí thư, Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng, trong đó kêu gọi xây dựng một lộ trình Đổi Mới lần 2 về chính trị, sau Cải cách kinh tế năm 1986, gồm các chương trình hành động cụ thể, với mục tiêu thời gian thực hiện rõ ràng.

Theo những người khởi xướng, điều này sẽ tạo điều kiện cho công chúng và các tổ chức xã hội có thể giám sát, ủng hộ và đồng hành cùng chế độ trong quá trình Đổi Mới.

Theo RFA, kiến nghị thư viết:

Lộ trình Đổi Mới lần thứ 2 cần ưu tiên đến các vấn đề cải cách thể chế, bao gồm xây dựng một hệ thống pháp luật công bằng, bảo vệ quyền lợi của công dân, và đảm bảo tính minh bạch trong quản lý.

Điều này không chỉ giúp giải quyết những điểm nghẽn hiện tại, mà còn đặt nền móng vững chắc cho một xã hội ổn định và phát triển bền vững trong tương lai.”

RFA dẫn lời ông Lê Thân, Chủ nhiệm Câu Lạc bộ Lê Hiếu Đằng, nói:

Lần Đổi Mới này không phải là ý muốn của ai cả, tình thế bắt buộc phải làm, chứ không phải là ý muốn của ông A bà B. Không thay đổi là chết, tất nhiên dân chết thì Đảng cũng chết, không có cách gì khác!

Ông Lê Thân cho biết, Cải cách kinh tế năm 1986 đã giúp cho đất nước phát triển kinh tế, và thoát khỏi tình trạng nghèo đói do nền kinh tế tập trung gây ra, còn cải cách thể chế lần này, giúp đất nước thoát khỏi tình trạng nghẽn thể chế, như Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu gần đây.

Ông Thân cũng cho biết, những hành động và biểu hiện gần đây cho thấy, ông Tô Lâm và lực lượng tiến bộ trong Đảng đang có sự thay đổi, rất nhanh và mạnh. Tuy nhiên, theo ông, “vấn đề là lực lượng tiến bộ trong Đảng có thể chi phối được lực lượng lạc hậu hay không?

RFA cũng cho biết, các nhân sĩ trí thức trong kiến nghị thư, đồng thời kêu gọi Chính phủ tôn trọng cam kết về quyền con người, rà soát và sửa đổi các quy định vi hiến và vi phạm cam kết quốc tế, cũng như cải cách hệ thống bầu cử để bảo đảm tính công bằng và minh bạch.

Trước đó, ngày 21/10, RFA đã loan tin về phát biểu của ông Tô Lâm, gọi “Thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn!”.

Lời phát biểu này được ông Tô Lâm nói trước Quốc hội, sáng 21/10. Ông thừa nhận, trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục liên quan đến thể chế, hạ tầng và nhân lực. Tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước còn bất cập, cồng kềnh, chồng lấn giữa lập pháp và hành pháp, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý.

Ông Tô Lâm khẳng định, những việc này cần nhanh chóng khắc phục, không để cản trở hay lỡ thời cơ phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới”.

RFA dẫn bài nói chuyện này, trong đó, ông Tô Lâm nói:

Chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi; các quy định chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo, nhiều quy định còn khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực; chưa tạo môi trường thực sự thuận lợi để thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khơi thông nguồn lực trong dân.

Ông đề nghị cần xây dựng các quy định pháp luật phù hợp với thực tiễn Việt Nam và “vừa làm vừa rút kinh nghiệm; không nóng vội, nhưng cũng không cầu toàn, để mất thời cơ”.

 

Minh Vũ – thoibao.de