Tinh giản bộ máy có giúp Việt Nam bước vào “Kỷ nguyên mới” thành công?

Ngày 31/1, trang Facebook cá nhân Dương Quốc Chính bình luận: “Bước sang kỷ nguyên mới có dễ không?”
Theo đó, tác giả cho biết, nhìn lại quá khứ, trong thế giới cộng sản, có 3 cuộc cải cách lớn đi vào lịch sử.

Lần 1 là sau khi Stalin chết, Khrushchev lên thay. Ông gần như phủ định tất cả sự chuyên chế của Stalin, và có xu hướng “thân thiện” hơn với phe Tư bản Chủ nghĩa, chung sống hòa bình với các nước tư bản. Lịch sử gọi đó là Chủ nghĩa Xét lại. Nó có ảnh hưởng không nhỏ tới Trung Quốc, do Chủ tịch Mao Trạch Đông lúc bấy giờ đồng quan điểm với Stalin, và Việt Nam, vì Liên Xô không viện trợ chiến tranh cho Việt Nam đánh Mỹ. Điều này đã đẩy Trung Quốc vào thế đối lập với Liên Xô và là tiền đề cho Vụ án Xét lại chống Đảng ở Việt Nam…
Tuy nhiên, tác giả cảm thấy tiếc, vì sau khi bị hạ bệ bởi Brezhnev, Liên Xô lại có xu hướng phục hồi lại tính chuyên chế kiểu Stalin, chống tư bản mạnh mẽ hơn.
Lần 2 là cuộc cải cách của Đặng Tiểu Bình, sau khi Mao Trạch Đông chết. Cuộc cải cách này là khởi đầu cho sự trỗi dậy của Trung Quốc và cũng có xu hướng hữu hóa Đảng Cộng sản, đẩy Trung Quốc về phía thân thiện hơn với Mỹ và các nước tư bản.
Và lần 3 là cuộc cải cách của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và Thủ tướng Võ Văn Kiệt sau cái chết của Tổng Bí thư Lê Duẩn.
Tác giả chỉ ra cả 3 cuộc cải cách đều có điểm giống nhau, là sau cái chết của 1 vị Tổng Bí thư có tính chuyên chế, độc đoán cao. Cả 3 cuộc cải cách đều có xu hướng thân thiện hơn với Chủ nghĩa Tư bản, nói cách khác là hữu hóa chế độ cộng sản ít nhiều.
Tác giả lý giải mình không đề cập tới cuộc cách mạng dẫn tới sự sụp đổ của cộng sản Đông Âu và Liên Xô, vì nó dẫn tới sự sụp đổ của chế độ, chứ không phải là điều chỉnh cái cũ. Đây là 1 điểm cơ bản rất khác.

Tác giả Quốc Chính đánh giá, lần cải cách này, đại diện bởi Tổng Bí thư Tô Lâm, có nhiều điểm giống với 3 lần trên, đó cũng là sau cái chết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – lãnh đạo có tính độc đoán và khá bảo thủ, kiên định đường lối cộng sản. Cuộc cải cách này cũng mang màu sắc cánh hữu, vì điểm cơ bản nhất của cánh hữu là muốn có 1 Chính phủ tinh gọn và Tổng Bí thư Tô Lâm cũng có vẻ như có xu hướng thân phương Tây.
Ngay sau khi lên nắm quyền, Tổng Bí thư Tô Lâm đã bắt đầu thực hiện các kế hoạch tinh giản bộ máy nhà nước, với mục tiêu hoàn thành vào quý 1 năm 2025. Ông nhấn mạnh rằng đây là một cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, được xem là phép thử cho khả năng lãnh đạo của ông trước Đại hội 14 của Đảng.

Thách thức của công cuộc này là việc đảm bảo không gây gián đoạn trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, quản lý chính sách đối với cán bộ bị ảnh hưởng bởi sắp xếp lại, và đối mặt với sự phản đối từ những bên liên quan có lợi ích bị ảnh hưởng.
Theo tác giả, ngoài chính phủ nhỏ, cánh hữu cầm quyền luôn có xu hướng đẩy mạnh tự do hóa và giảm thuế. Đây cũng là điều mà tác giả hi vọng là những cải cách tiếp theo sau khi công cuộc tinh gọn của Tổng Bí thư Tô Lâm thành công. Cụ thể là chính phủ sẽ giảm vai trò của kinh tế quốc doanh, và tăng cường vai trò của kinh tế tư nhân. Đảng Cộng sản sẽ nới rộng tự do ngôn luận, giáo dục, giảm tuyên truyền.
Cuộc cải cách tinh gọn này có hoàn cảnh quốc tế khá thuận lợi, do Tổng Thống Mỹ Donald Trump cũng có chủ trương “tinh gọn”, Đảng Cộng Hoà theo cánh hữu vẫn luôn có quan điểm đó.
Tuy nhiên, tác giả cho rằng, Mỹ tinh gọn thì có ngay người để làm việc. Còn Việt Nam tinh gọn xong chỉ là một nửa công việc. Bước tiếp theo là tìm kiếm người tài và liêm khiết để thay thế vào những vị trí kém hiệu quả mới là vấn đề nan giải.

Thu Phương – thoibao.de