Ngày 31/1, RFA Tiếng Việt có bài bình luận: “Ông Tô Lâm đang gia tăng khả năng kiểm soát Đảng như thế nào?”.
Theo đó, RFA cho biết, một năm trước Đại hội 14, Tổng bí thư Tô Lâm đã tiến thêm những bước củng cố sự kiểm soát đối với Đảng, thông qua Hội nghị Trung ương do Ban Chấp hành Trung ương tổ chức.
Đã có một số thay đổi về nhân sự, trong đó quan trọng nhất là việc đưa ông Nguyễn Duy Ngọc, cựu Thứ trưởng Bộ Công an, đồng thời là người được ông Lâm bảo trợ lâu nay vào Bộ Chính trị.
Điều này gây bất ngờ vì theo quy định của Đảng, một người chỉ đủ điều kiện vào Bộ Chính trị sau khi hoàn thành trọn một nhiệm kỳ ủy viên Ban Chấp hành Trung Ương. Trong khi đó, ông Ngọc chỉ mới bắt đầu là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương từ Đại hội Đảng Khóa 13 – tháng 1/2021.
Điều này cho thấy một cách rõ ràng sự tin tưởng mà ông Tô Lâm dành cho ông Ngọc, cũng như quyền kiểm soát của ông Tô Lâm đối với Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương.
Theo RFA, ông Tô Lâm đang điều hành đất nước theo chiều hướng cấp bách thực dụng, vì lo sợ về việc Việt Nam có thể rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Ông đang đẩy mạnh một công cuộc tái tổ chức bộ máy chính quyền quy mô lớn, nhằm mục tiêu cải thiện hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền và đẩy nhanh quá trình ra quyết định.
Để làm được tất cả những điều đó, ông Tô Lâm cần bổ nhiệm những người trung thành, và ủng hộ chương trình nghị sự của mình, đồng thời loại bỏ những người phản kháng. Hướng tới mục tiêu đó, một công bố nhân sự lớn khác cũng đã được đưa ra tại Hội nghị Trung ương. Đó là việc ông Trần Cẩm Tú sẽ thôi giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, để tập trung đảm nhiệm vai trò Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Vẫn theo RFA thì ông Ngọc đã nắm quyền kiểm soát Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong khi Bộ Công an lại nắm chắc trong tay một người cũng được ông Lâm bảo trợ, đó là ông Lương Tam Quang. Hiện cả 2 ông này đều là ủy viên Bộ Chính trị. Việc nắm giữ quyền kiểm soát cả 2 cơ quan điều tra trọng yếu trước thềm Đại hội Đảng 14, sẽ cho phép ông Tô Lâm loại bỏ và vô hiệu hóa các đối thủ một cách nhanh chóng và hiệu quả.
RFA cho hay, trong khi đó, Ban Tổ chức Trung ương – cơ quan phụ trách các vấn đề nhân sự của Đảng, hiện đã nằm dưới sự điều hành của ông Lê Minh Hưng – một người trung thành với ông Lâm. Bố ông Hưng từng là Bộ trưởng Bộ Công an – người quản lý và tạo điều kiện cho ông Lâm thăng tiến.
Có thể thấy rằng, nếu vài năm trước phe Nghệ An chiếm ưu thế, thì giờ đây họ rõ ràng đã bị hất cẳng bởi những người đến từ Hưng Yên.
RFA cho biết thêm, việc mở rộng Bộ Chính trị có vẻ là bước đi hợp lý để ông Tô Lâm chuẩn bị cho Đại hội 14.
RFA nhắc lại, ngay sau khi được bầu làm Tổng Bí thư, ông Tô Lâm nhanh chóng và công khai tìm kiếm sự ủng hộ của ông Nguyễn Tấn Dũng.
Mặc dù hiện có khả năng kiểm soát mạnh mẽ bộ máy Đảng nhưng ông Tô Lâm vẫn có một thiếu sót. Đó là tỷ lệ đại diện của khu vực phía Nam tại Bộ Chính trị, và các cơ quan trung ương khác vẫn còn thấp và chưa tương xứng.
Vì vậy, chìa khóa cho việc giành được sự ủng hộ từ khu vực phía Nam chính là ông Nguyễn Tấn Dũng. Do đó, ông Nguyễn Thanh Nghị – con trai ông Dũng, có khả năng sẽ được cất nhắc.
RFA nhận định rằng, mặc dù việc trao tặng Huân chương Sao Vàng cho ông Dũng, rõ ràng báo hiệu sự kết thúc của thời kỳ Nguyễn Phú Trọng, nhưng nó cũng phản ánh việc ông Tô Lâm đang chủ động tìm kiếm sự ủng hộ từ một khu vực quan trọng, để từ đó có thể sử dụng một đội ngũ lãnh đạo do chính ông gây dựng, thay vì một đội ngũ có sự cân bằng giữa các phe phái, và khu vực theo lối truyền thống.
Hoàng Anh – thoibao.de