Chính – Tô, chiến rồi bắt tay, bắt tay rồi lại chiến? Ai sẽ đến đích?

Phạm Minh Chính và Tô Lâm có thể được xem là 2 đối thủ đầy duyên nợ. Cả 2 ông đều xuất thân từ ngành công an. Từ năm 2011 trở về trước, cả 2 luôn là những đối thủ ngang tài ngang sức trong Bộ Công an. Cùng lên lon một lượt, cùng được phân công những chức vụ tương đương nhau. Về mặt Đảng, cả 2 cùng vào Trung ương Đảng khóa 11, và cùng vào Bộ Chính trị khóa 12.

Sự khác biệt chỉ bắt đầu từ khóa 13, khi Phạm Minh Chính lên làm Thủ tướng, vào “Tứ trụ”, trên danh nghĩa là sếp của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Nhưng cũng chỉ sau 3 năm, Tô Lâm lại vượt, lên nắm chức Chủ tịch nước, trên danh nghĩa là sếp của Thủ tướng. Thật ra, lâu nay, chức Chủ tịch nước vốn bị coi là chức hữu danh vô thực, nhưng vào tay Tô Lâm thì lại rất có thực quyền, đặc biệt là đối với Bộ Công an.

Giữa Phạm Minh Chính và Tô Lâm, vốn không có liên minh, mà chỉ là đối thủ. Tuy nhiên, gần đây, ở Trung ương Đảng khóa 13 thì 2 ông này lại liên minh với nhau. Khi đó, Vương Đình Huệ là ứng cử viên số 1 cho chức Tổng Bí thư. Cả 2 đều không muốn ông Huệ trở thành nhân vật về đích. Có đối thủ chung, và thế là liên minh giữa họ lại xuất hiện.

Nếu Vương Đình Huệ nắm chức Tổng Bí thư, thì hầu như, ai cũng dự đoán, Bộ Chính trị và Trung ương Đảng sẽ tràn ngập dân Nghệ, bởi lực lượng phe Nghệ An lúc đó quá mạnh, với 3 uỷ viên Bộ Chính trị, 10 uỷ viên Trung ương Đảng và 1 Uỷ viên dự khuyết.

Nếu Vương Đình Huệ lên ngôi, sẽ không còn chỗ cho phe Hưng Yên, và phe Thanh Hóa cũng không chen chân được. Đó là lý do Chính – Tô liên minh để loại Huệ. Tuy nhiên, liên minh này được cho là bất bình đẳng, khi chỉ có Tô Lâm là người thực hiện hầu hết những cú đánh, nhắm thẳng vào Vương Đình Huệ, trong khi đó, Phạm Minh Chính chủ yếu né tránh để hưởng miếng bánh thắng lợi sau cùng.

Phe Tô Lâm lấy nòng cốt là người Hưng Yên, cộng thêm một số nhân vật thân hữu có quan hệ gần gũi với gia đình Tô Lâm, như Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long v.v… Thế nhưng, phe Hưng Yên không đủ đông để ăn hết miếng bánh quyền lực. Cho nên, sau khi giành được thì phải chia bớt, trong đó, phe Thanh Hóa ắt hẳn sẽ có phần không nhỏ.

Tại kỳ họp Quốc hội lần thứ 7 vừa rồi, ông Phạm Minh Chính bất ngờ ra tay, giật lấy chức Bộ trưởng Bộ Công an khỏi tay Chủ tịch nước Tô Lâm. Cú giật này tưởng như sẽ khiến cho Tô Lâm trở thành “cá nằm trên thớt”, nhưng bất ngờ sau đó, Tô Lâm lại tạo ra “đảo chính mềm”, giật lại chức Bộ trưởng Bộ Công an cho đàn em. Không rõ, sau đòn “đánh lén” này, ông Tô Lâm có còn giữ liên minh với Phạm Minh Chính nữa hay không. Bởi hành động của Phạm Minh Chính đã cho thấy, ông Thủ tướng là kẻ cơ hội. Nếu có cơ hội, Chính sẽ không ngần ngại tung đòn hiểm, nhắm vào “đồng minh” Tô Lâm.

Liên minh Chính – Tô hình thành để đánh Vương Đình Huệ, cũng chỉ với mục đích loại người gần ngai vàng nhất, ra khỏi cuộc tranh chấp. Sau khi thành công loại được người này, thì Tô Lâm lại là người gần ngai vàng nhất. Liệu Phạm Minh Chính có cam lòng yếu thế, để đối thủ lớn nhất đời mình trở thành kẻ hưởng lợi hay không?

Cho đến thời điểm này, Tô Lâm vẫn chưa phải là người chiến thắng trọn vẹn, do đó, cơ hội cho Phạm Minh Chính vẫn còn. Từ nay đến Đại hội 14 còn khoảng 18 tháng nữa, đây là khoảng thời gian đủ dài để thay đổi trật tự. Kẻ đang đứng xa vị trí ngai vàng hơn như Phạm Minh Chính, có thể tính toán để ra những đòn quyết định, nhằm đảo ngược thế cờ.

Có người ví von rằng, ông Thủ tướng là người rất giỏi chơi “phòng ngự phản công”. Cho nên, người chỉ giỏi chơi tấn công như ông Tô Lâm, chưa chắc đã thắng vào phút chót. Mỗi người có một lợi thế riêng. Khi mà trọng tài chưa nổi hồi còi kết thúc trận đấu, thì biến số vẫn luôn xảy ra.

 

Trần Chương – Thoibao.de