Thưởng tố giác vi phạm giao thông – khuyến khích dân làm chuyện bất lương và phạm luật

Ngày 7/1/2025, Tiến sĩ – Giáo sư Mạc Văn Trang viết trên Facebook cá nhân của ông, rằng “Đừng xúi dân làm chuyện bất lương!”.

Giáo sư Trang đề cập đến Nghị định 176/2024-NĐ-CP, về việc thưởng cho những cá nhân cung cấp thông tin phản ánh về vi phạm giao thông.

Ông cho rằng, trừ khi biết những kẻ phản quốc hay tội phạm nghiêm trọng mà không tố giác thì có tội, còn đi theo dõi, rình rập người khác có “hành vi vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông”, báo cho nhà chức trách để lĩnh tiền, thì đó là việc bất lương, bị người đời khinh ghét.

Giáo sư đã chứng kiến những chuyện thời Cải cách Ruộng đất, “Đội” phát động bao nhiêu chuyện tố điêu; thời bao cấp dân theo dõi, rình rập nhau để tố cáo với chính quyền chuyện “buôn lậu”, “sản xuất chui”, “tiêu thụ hàng trái phép”, “nghe đài địch”…, gây ra những hậu quả xã hội xấu xa. Người tử tế không ai làm chuyện đó.

Giáo sư đã thấy những giáo viên chủ nhiệm, báo cáo kinh nghiệm tổ chức “đặc tình”, chuyện bí mật theo dõi bạn học, ghi vào sổ để báo cáo với giáo viên chủ nhiệm.

Cũng vì việc này, nhiều em “đặc tình” bị bạn bè ghét bỏ, tẩy chay, cô lập, bị đánh hội đồng. Đó là một trong những nguyên nhân gây ra bạo lực học đường. Nguy hại hơn là sự tha hóa nhân cách của những học sinh bị giáo viên biến thành tay sai “đặc tình”…

Giáo sư đã nghe mấy thanh niên ở Trại cai nghiện ma tuý về, kể chuyện, trùm bao tải, đánh chết một “đặc tình” chuyên theo dõi bí mật, báo cáo chuyện của anh em cho Ban quản lý.

Giáo sư cũng nghe chuyện phạm nhân kể, một “đặc tình” trong trại giam, trong lúc ngủ, bị 2 cái đinh đóng sẵn trên mảnh gỗ, cắm phập vào mắt, không rõ thủ phạm (?)…

Giáo sư nêu vài ví dụ để thấy, những kẻ đi theo dõi, rình rập hành vi cho là sai trái của người khác để báo cáo lập công, là việc làm bất lương, bị người đời khinh ghét.

Vì vậy, ông kiến nghị huỷ bỏ việc khuyến khích người dân ghi hình, tố cáo hành vi sai phạm giao thông để kiếm tiền, ghi trong Nghị định 176.

Cùng lên tiếng về việc này, ngày 5/1, Facebooker Nguyên Tống cũng bày tỏ sự phản đối của mình.

Tác giả Nguyên Tống cho rằng, việc khuyến khích người dân ghi hình vi phạm để nhận “hoa hồng”, sẽ làm băng hoại thêm đạo đức xã hội vốn đã nát như tương. Người dân sẽ quen với việc “đấu tố” có thưởng, như thời Cải cách Ruộng đất, và nhìn nhau cảnh giác như kẻ thù. Sẽ hình thành một tầng lớp “bần cố nông” mới, chuyên đi rình rập người giàu (đi ô tô) để lĩnh thưởng, và khoét sâu thêm “mâu thuẫn giai cấp”.

Tác giả đánh giá, điều này thể hiện thói tư duy tuỳ tiện, nông cạn. Để hạn chế việc vi phạm Luật này, thì người ta lại khuyến khích toàn dân vi phạm một Luật khác. Đó là xâm phạm đời tư người khác. Khi người dân “có quyền” mang camera cá nhân đi ghi hình, và lưu trữ tất cả mọi người khi dừng đèn đỏ, để hy vọng chộp được “con cá” nào vượt đèn hoặc dừng lấn vạch. Vô hình trung, họ coi tất cả mọi người là “nghi phạm” tiềm năng?!

Như vậy, tác giả phân tích, đời tư của hàng triệu người sẽ bị xâm phạm, bởi không phải ai cũng muốn cho người khác biết là giờ đó ngày ấy người ta xuất hiện ở ngã tư đó.

Nhiều gia đình tan cửa nát nhà vì anh chồng không thể chứng minh được cô bạn gái ngồi sau xe chỉ là một đồng nghiệp, tình cờ đi công việc cùng vào thời điểm đó. Hoặc không thể giải thích được sao trong giờ làm việc mà lại đi ra đường ở đoạn có nhiều nhà nghỉ?!… Nhưng tệ hơn cả là chắc chắn sẽ xảy ra xô xát, đánh nhau, thậm chí án mạng vì sự “khuyến khích” này.

Tác giả kết luận, không biết sẽ bắt được bao nhiêu “tội phạm” giao thông nhờ kế “chiến tranh nhân dân” này, nhưng chắc chắn sẽ tạo ra vô số tội phạm hành hung người khác.

 

Thu Phương – thoibao.de