Ông Nguyễn Phú Trọng là người đầu tiên phá bỏ vùng cấm Bộ Chính trị, khi cho bắt ông Đinh La Thăng. Đây là trường hợp duy nhất cho tới nay. Trong những năm cầm quyền còn lại, ông Trọng cho bắt rất nhiều, nhưng vẫn chừa uỷ viên Bộ Chính trị ra.
Sau khi ông Tô Lâm lên Tổng Bí thư, rồi tung ra chính sách tinh giản bộ máy – một kiểu thanh trừng mới, khác với hình thức “đốt lò”. Cho tới lúc này, ông Tô Lâm đang tỏ ra vượt trội hơn ông Nguyễn Phú Trọng trong nhiều chính sách. Chính sách “đốt lò” của người tiền nhiệm, ông Tô Lâm vẫn giữ, “lò” vẫn đang cháy. Thêm vào đấy, ông thực hiện chiến dịch sa thải hàng loạt, tất nhiên, người Hưng Yên và Bộ Công an vẫn được ưu tiên ở lại, thậm chí được cơ cấu lên những vị trí quan trọng hơn.
Ông Tô Lâm theo đuổi chính sách công an trị, thì cần phải làm những việc có tính răn đe cao. Nếu ông Trọng từng gây ra một vụ án chấn động, đấy là tống một Uỷ viên Bộ Chính trị vào tù, thì nay, ông Tô Lâm cần tiếp nối chính sách này. Thậm chí, ông còn có thể cho xộ khám các “Tứ trụ” đã về hưu. Chỉ có thế, ông mới có thể khiến toàn Đảng khiếp sợ trước quyền uy của ông. Ở chế độ này, “đức trị” chỉ là câu khẩu hiệu mị dân, bản chất là Công an trị, càng quân phiệt thì càng đảm bảo quyền lực bền vững.
So với ông Trọng, ông Tô Lâm không được lòng Bộ Chính trị và Trung ương Đảng. Vì được lòng Trung ương Đảng, nên ông Trọng có thể nhẹ tay với các “đồng chí”. Nhưng ông Tô Lâm thì không thể, nếu ông nhẹ tay, “đồng chí” của ông sẽ khinh nhờn, và càng ngày, mệnh lệnh của ông sẽ càng bị xem thường.
Vùng cấm “Tứ trụ” là một loại luật ngầm bất thành văn, nhưng cho đến nay, chưa có Tổng Bí thư nào dám phá bỏ. Có lẽ, vì khi lên đến hàng “Tứ trụ”, các mối quan hệ ở tầng này rất phức tạp, kể cả các “Tứ trụ” đã về hưu, nên nếu bứt dây thì sẽ động rừng. Có nghĩa, không hề đơn giản để xử lý được một “Tứ trụ” về hưu, tuy nhiên, không có nghĩa là không thể làm được. Đặc biệt, với người có quá nhiều kẻ thù chìm nổi như ông Tô Lâm, nếu không thực hiện một bước đột phá, thì rất khó để thiết lập uy quyền trước các “đồng chí” trong Đảng.
Cho tới nay, đã có 2 “Tứ trụ” về hưu bị kỷ luật, đấy là ông Nguyễn Xuân Phúc và ông Vương Đình Huệ. Đây có thể là bước đầu tiên, trước khi xử lý về mặt pháp luật. Nhưng vẫn có nhiều trường hợp, dù bị kỷ luật Đảng, nhưng vẫn an toàn trước pháp luật.
Nguyễn Xuân Phúc là cái tên mà dư luận mong bị “đưa lên đoạn đầu đài” nhiều nhất. Bởi ông không chỉ đơn giản là “ăn” mồ hôi nước mắt của dân, mà còn “ăn” trên cả sinh mạng của người dân. Việc xử lý hình sự đối với ông Nguyễn Xuân Phúc, sẽ giúp ông Tô Lâm gây được tiếng vang rất lớn trước dư luận xã hội. Đồng thời, thông qua việc cho ông Bảy Phúc xộ khám, ông Tô Lâm đưa ra thông điệp, rằng, “vùng cấm Tứ trụ” đã bị phá.
“Điểm nghẽn” duy nhất trong việc xử lý hình sự đối với ông Nguyễn Xuân Phúc, có lẽ nằm ở chỗ, ông Tô Lâm đã “lỡ ăn tiền” để cho qua chuyện. Tuy nhiên, làm chính trị thì chuyện “lật lọng” là như cơm bữa, nếu việc này mang lại lợi ích lớn hơn. Hơn nữa, chẳng có người Cộng sản nào lại giữ lời hứa, nếu lời hứa ấy không được bên thứ 3 có quyền lực làm chứng.
Trò chơi chính trị phải biết “trơ như đá” trước chỉ trích bất lợi. Chẳng phải Tô Lâm cũng “trơ như đá”, khi bị người dân chỉ trích về việc “há miệng đớp bò dát vàng” đấy sao? Một hành động nhỏ, nhưng lại tố cáo rằng, đạo đức của người này là cực thấp. Nhưng người có đạo đức thấp này lại được Đảng giao phó cho trọng trách lớn. Vậy thì, nếu “lỡ ăn” thì cũng dám “nuốt lời”, có gì là không thể?
Với Tô Lâm, việc xử lý hình sự đối với ông Phúc sẽ đem lại lợi ích chính trị to lớn. Liệu ông có dám chơi lớn hay không? Thời gian sẽ trả lời.
Thái Hà – Thoibao.de