Ngày 23/4, RFA Tiếng Việt có bài bình luận “Từ vụ ông Vương Đình Huệ: còn gì để hy vọng từ một hệ thống hỏng?” của Blogger Trần Hiếu Chân.
Theo tác giả, sinh thời Hồ Chí Minh từng truyền cảm hứng: “Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”. Cuộc kịch chiến trong “cung đình” Hà Nội hiện nay là biểu hiện rõ rệt nhất của một hệ thống hỏng – một “Chính phủ làm hại dân”.
Tác giả cho hay, sinh mệnh chính trị của ông Huệ rõ ràng đang là vấn đề được dư luận ở Việt Nam quan tâm. Nhiều bình luận xoay quanh các phóng sự của RFA và VOA về sân sau của ông Huệ không gây bất ngờ, vì các thông tin ấy thực ra đã “bùng nổ” ngay từ buổi sáng Chủ tịch Huệ bắt đầu chuyến “kinh lý” Trung Quốc, từ 8 – 12/4.
Tác giả dẫn lại tuyên bố của cựu Chủ tịch nước (và cũng là cựu Thủ tướng) Nguyễn Xuân Phúc rằng, các doanh nghiệp nhà nước… không chịu đổi mới, đặc biệt là có những anh mười mấy sân sau, đừng tưởng Thủ tướng không biết. “Mười mấy sân sau” là biệt ngữ nói lên, doanh nghiệp nào cũng có nhiều “trùm cuối” chống lưng.
Tác giả bình luận, cho nên, chuyện chống tham nhũng trong chế độ toàn trị ở Việt Nam là bất khả, chỉ là phương tiện để các phe cánh triệt hạ lẫn nhau.
Tất cả dù diễn ra trong “hộp đen”, nhưng dân không chỉ biết, mà còn hiểu rõ, mỗi phe cánh đều có đầy đủ hồ sơ “bất hảo” về nhau.
Và không chỉ hiểu rõ, người dân còn nhận thức sâu sắc về sự dối trá cùng cực của hệ thống tư pháp “bỏ túi”. Tất cả những đại án đều thiếu vắng các bên bị hại. Bởi một lý do đơn giản, bên bị hại chỉ là dân đen, còn những vụ áp – phe kia đều “có tính Đảng”.
Tác giả dẫn một bình luận trên báo Người Việt:
“Bộ Công an của ông Lâm đã trở thành một thứ kiêu binh, tác oai tác quái dữ dội, gây oán hận trùng trùng, nhưng không ai dám hé răng phản đối. Quyền hành ở Việt Nam bây giờ thực sự nằm trong tay ông Tô Lâm… Nếu ông Lâm thành công trong việc loại bỏ các đối thủ, độc chiếm chiếc ghế Tổng Bí thư, đất nước lại rơi vào một giai đoạn tối tăm hơn. Triển vọng một Việt Nam dân chủ, thịnh vượng và hòa đồng với thế giới văn minh, xem ra còn xa xôi hơn.”
Tác giả nhận xét, “trùm cuối” của Tập đoàn Thuận An mà Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng (CO3) muốn đánh “bật gốc”, ngay từ đầu đã không kéo cờ trắng một cách dễ dàng như Võ Văn Thưởng. Theo tin nội bộ rò rỉ, sáng 19/4, Bộ chính trị họp mà chưa bàn gì đến vụ việc “nóng như lửa” của Vương Đình Huệ.
Chiều 19/4, cũng từ nguồn tin vừa dẫn, Ban Kiểm tra Trung ương chính thức làm việc với ông Huệ về những hồ sơ do CO3 cung cấp. Tạm thời, ông Huệ phải huỷ bớt một số hoạt động chính thức. Lúc này, coi như ông “trụ được” bước đầu, chưa chấp nhận hàng. Nhưng từ một góc nhìn khác, Vương Đình Huệ kiểu gì cũng bại, vì sẽ khó đạt được mục đích chiếm ghế Tổng Bí thư. Mọi biểu hiện khác chỉ là “phép thắng lợi tinh thần”.
Tóm lại, tác giả đánh giá, các phe phái Ba Đình đang “chơi nước cờ tàn”. Tổng Trọng nuôi hy vọng ngồi lại sau Đại hội 14 và sẽ được “băng hà” trên “ngai vàng”. Đàn em của ông đánh nhau thì cũng để giành lấy cái uy quyền tối thượng ấy. Dù Huệ hay Tô Lâm thắng “keo” này, thì bên thua cuộc vẫn là “dân đen”.
Toàn cảnh kinh tế – xã hội đang vào hồi bết bát, mà lãnh đạo chỉ mải lo “đục ghế nhau” sát ván. Cuộc tương tàn có thể còn kéo dài đến tận Đại hội 14.
Tác giả xót xa hy vọng, liệu trật tự mới có ra đời từ đổ nát và hỗn loạn? Nhưng đấy có thể chỉ là ảo tưởng, chừng nào mà “người cầm cân nảy mực” tới đây chưa có độc lập tính cao, năng lực tự chủ vượt trội. Chưa đến lúc ấy, chính trường Ba Đình khi nào cũng là chiến trường ác liệt.
Quang Minh – thoibao.de