Khi hệ thống chính trị Việt Nam chỉ quan tâm đến vấn đề nhân sự

Ngày 28/1, blog Trân Văn trên VOA Tiếng Việt bình luận “Nhân sự, kỷ nguyên mới và phúc ai hưởng?” phần 1.
Tác giả đề cập đến diễn biến mới nhất về nhân sự, là ông Nguyễn Thanh Nghị (Bộ trưởng Xây dựng) được “chỉ định” làm Phó Bí thư Thường trực thành phố Hồ Chí Minh, ngay sau khi ông Vũ Hồng Văn (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương) được “chỉ định” làm Bí thư Đồng Nai. Trong đó, ông Văn có quá trình thăng tiến chóng vánh đến kỳ lạ.

Những thay đổi về nhân sự đã cũng như đang diễn ra trên toàn quốc, từ Trung ương đến địa phương trong khoảng thời gian rất ngắn, không chỉ gây xáo trộn trong Đảng, mà còn làm đình đốn hoạt động của các cơ quan dân cử, cơ quan công quyền.

Tuy nhiên, tác giả nhận xét, qua việc “điều động, chỉ định” nhiều cá nhân như đã biết, cho thấy, đây chẳng khác việc chơi một trò không có luật chơi, khi các đảng bộ cơ sở chẳng có bất kỳ vai trò gì trong quá trình nói trên.
Chỉ có 2 khả năng, thứ nhất ban chấp hành các đảng bộ cơ sở đã rệu rã đến mức không thể tin cậy được nữa. Thứ hai, hệ thống đã bị lũng đoạn đến mức, tất cả cúc cung, chấp nhận tình trạng “đặt đâu, ngồi đó”. Ngay cả trong Đảng, dân chủ cũng là bánh vẽ!
Tác giả nhắc lại, từ khi việc phòng chống tham nhũng được tuyên truyền là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, đã tạo ra tình huống chưa từng thấy trong lịch sử Đảng. Chỉ trong một nhiệm kỳ, các uỷ viên Bộ Chính trị lần lượt bị bẻ cánh. Sinh mạng chính trị của Thủ tướng đương nhiệm cũng bị đe dọa, vì “tin đồn” có dính líu đến AIC. Bộ trưởng Công an trở thành ứng viên duy nhất đủ điều kiện làm Tổng Bí thư.
Ngày 29/1, blog Trân Văn tiếp tục bình luận phần 2 với cùng một chủ đề, và cho rằng, ông Vũ Hồng Văn không phải là trường hợp duy nhất, cho thấy những biểu hiện đáng ngại của việc lựa chọn, sắp đặt nhân sự, để ông Tô Lâm xây dựng “kỷ nguyên mới”.
Tại Hội nghị Trung ương bất thường lần thứ 12, diễn ra hôm 23 và 24/1, Trung ương Đảng khóa 13 đã nhất trí bầu bổ sung ông Nguyễn Duy Ngọc vào Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, rồi tiếp tục bầu ông làm Chủ nhiệm Uỷ ban này, kế đó, bầu bổ sung ông Ngọc vào… Bộ Chính trị. Nói cách khác, Trung ương Đảng được triệu tập về Hà Nội, để cùng chà đạp quy định về nhân sự trong Đảng.

Tác giả cho biết, ông Lương Tam Quang cũng là trường hợp được chiếu cố y hệt ông Ngọc. Ông Quang được đưa vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khi đã quá tuổi quy định (56 tuổi). Khi ông được chọn làm Bộ trưởng Công an mà không phải Ủy viên Bộ Chính trị, rồi sau đó được vào Bộ Chính trị trong khi chưa phải là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương trọn 1 nhiệm kỳ.
Theo tác giả, không có bất kỳ biện giải chính thức nào, về việc tại sao Trung ương Đảng bất chấp những quy định nền tảng về lựa chọn – sắp đặt nhân sự trong Đảng, để đưa ông Nguyễn Duy Ngọc, ông Lương Tam Quang,… vào Bộ Chính trị. Nhưng do dư luận râm ran, vì vậy, khi này, khi khác, người nọ, người kia, đã đề cập, sở dĩ phát sinh những “trường hợp đặc biệt” như thế, là do khủng hoảng về nhân sự.
Tác giả nhận định, kinh tế – xã hội Việt Nam càng ngày bi đát, song vẫn chưa thấy hệ thống chính trị, hệ thống công quyền đề ra và thực hiện bất cứ giải pháp nào, để giảm bớt cả khó khăn lẫn ưu tư cho doanh giới, dân chúng, đặc biệt là những thành phần yếu thế.
Khi hệ thống chính trị, hệ thống công quyền chỉ xoay mòng mòng quanh chuyện làm sao kiểm soát Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, chi phối Bộ Công an, chuẩn bị để đưa những ai vào Ban chấp hành Trung ương, Ban Bí thư, Bộ Chính trị, trong nhiệm kỳ tới, thì chắc chắn, ấm no, hạnh phúc vẫn là món hàng xa xỉ mà đa số người Việt không thể chạm tới, “kỷ nguyên mới” chỉ hứa hẹn bế tắc, khốn cùng hơn!

Ý Nhi – thoibao.de