Trong thời gian gần đây, các cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam được đặc biệt coi trọng. Đặc biệt trong bối cảnh nội bộ Đảng mâu thuẫn trầm trọng như hiện nay, sự can thiệp hoặc ý kiến của các cựu lãnh đạo có thể giúp hóa giải xung đột, để tạo sự đoàn kết, đồng thuận trong Đảng.
Trong những ngày đầu năm 2025, theo giới quan sát, các “Tứ trụ” đã nhân cơ hội mừng năm mới, để đến thăm hỏi và chúc Tết Ất Tỵ các cựu lãnh đạo Đảng và Nhà nước, với các điểm đến là các chính khách hàng đầu, như: cựu Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, ông Trương Tấn Sang, cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hay ông Nông Đức Mạnh.
Theo giới phân tích, việc thăm hỏi với mục đích lắng nghe các ý kiến của các cựu lãnh đạo giúp tạo sự đồng thuận, đặc biệt trong giai đoạn chuyển giao quyền lực trong nội bộ Đảng đang đối mặt với các thách thức lớn.
Việc nhận được sự ủng hộ từ các cựu lãnh đạo có thể giúp củng cố tính chính danh, nhằm củng cố quyền lực của các cá nhân lãnh đạo và phe cánh trong Đảng.
Theo giới thạo tin, dù rằng từ nay đến Đại hội Đảng 14 còn gần 1 năm, nhưng ngay từ lúc này cuộc đấu ngấm ngầm để giành chiếc ghế Tổng Bí thư đã bắt đầu diễn ra một cách quyết liệt, giữa một bên là phe cánh của Tổng Bí thư Tô Lâm, với một bên là phần còn lại nhân danh liên minh “bảo thủ”, kiên định với con đường chủ nghĩa xã hội và thân Bắc Kinh. Theo đó, thế mạnh đang thuộc về ông Tô Lâm trong vai trò người làm chủ cuộc chơi.
Tuy nhiên, với chủ trương ban đầu ngả sang phương Tây và Hoa Kỳ, rời xa Trung Quốc, ông Tô Lâm đã nhận phải trái đắng. Ban lãnh đạo Bắc Kinh đã có nhiều biểu hiện không hài lòng, thậm chí không ủng hộ đối với Tổng Bí thư Tô Lâm.
Cộng với những chính sách đi ngược lòng dân của Bộ Công an trong thời gian gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm bắt buộc phải quay xe để xuống thang. Mục đích là nhằm hòa hoãn cũng như để làm lành với ông Tập Cận Bình, thông qua cuộc điện đàm ngày 15/1.
Trong vấn đề đối nội, ông Tô Lâm đã dùng kế trao huân chương cao quý cho các cựu lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhằm lôi kéo và tranh thủ sự ủng hộ của họ. Mục đích là đạt được tiêu chuẩn trường hợp ngoại lệ để ở lại Đại hội 14.
Trong khi đó, Chủ tịch nước Lương Cường cũng có các hành động tỏ ra “ráo riết” không kém. Sáng 22/1, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Lương Cường đã tới thắp hương tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thăm và chúc Tết nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, và nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương.
Đây là một quyết định thông minh của ông Lương Cường, và đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo các Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như dân chúng. Trong khi, vào tháng 12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã đến thắp hương tưởng niệm cho các lãnh đạo Đảng tại Sài Gòn.
Công luận đặt câu hỏi, tại sao ông Tô Lâm không đến thắp hương tưởng nhớ người tiền nhiệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng? Phải chăng, Tổng Bí thư Tô Lâm muốn chứng tỏ rằng, việc có được sự nghiệp như hôm nay là do tài trí của cá nhân mình, và cựu Thủ tướng Ba Dũng – một cựu thù của cố Tổng Bí thư Trọng?
Nếu ông Tô Lâm tiếp tục điều hành đất nước với tư duy của một Đại tướng Công an như hiện nay, thì cho dù ông có tiếp tục là Tổng Bí Thư sau Đại hội 14, chắc chắn ông Tô Lâm sẽ là một Tổng Bí thư tệ hại nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1986 cho đến nay.
Tin giờ chót theo Thông Tấn Xã Việt Nam, chiều muộn ngày 22/1, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tới thăm gia đình và thắp hương tưởng nhớ cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trà My – Thoibao.de