Với bất kỳ tổng bí thư nào mới nhậm chức, người dân cũng trông đợi, chuyến công du đầu tiên là đến một nước khác, chứ không phải là Trung Quốc. Tuy nhiên, lần nào cũng vậy, người đứng đầu Đảng, dù là ai, thì cũng nhớ tới “thiên triều” trước tiên.
Có người cho rằng, trên thế giới chỉ còn 5 nước có Đảng Cộng sản cai trị, thì ngoài những nước này, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam không thể thăm các quốc gia khác. Tuy nhiên, thực tế, Tổng Trọng từng được phía Mỹ mời sang thăm, mặc dù, về quan hệ ngoại giao, thì Tổng thống Mỹ phải mời Chủ tịch nước mới đúng. Với vị trí chiến lược nằm cạnh Trung Quốc, Mỹ rất muốn tăng cường quan hệ với Việt Nam, không chỉ giới hạn trong quan hệ về kinh tế. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn cứ ôm chân “Tàu” và làm lơ tất cả.
Cứ như là nhiệm vụ, khi Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc đắc cử nhiệm kỳ mới, thì người đầu tiên tới thăm là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Khi ông Tập mới vừa đắc cử nhiệm kỳ 3, ông Trọng dù khập khiễng, nhưng vẫn “mang râu đội mũ” sang chầu đầu tiên.
Phía Mỹ hiểu rằng, người có ảnh hưởng lớn nhất lên chính sách ngoại giao của Việt Nam với 2 siêu cường trên thế giới, là Tổng Bí thư chứ không phải Thủ tướng hay Chủ tịch nước. Nếu ông Tô Lâm ngỏ lời muốn sang Mỹ, thì ắt, Tổng thống Joe Biden sẽ hoan nghênh. Tuy nhiên, nếu đi Mỹ trước khi sang Tàu, thì Tô Lâm lại không an tâm, sợ thiên triều nổi giận thì ghế khó giữ.
Nội bộ Việt Nam càng loạn thì Trung Quốc càng hưởng lợi. Bởi khi loạn, bất kỳ nhóm lợi ích nào đang ở thế mạnh, cũng đều muốn giữ vai trò của họ vĩnh viễn. Mà muốn vững ở vị trí cao, thì phải chiều lòng Bắc Kinh, để tìm kiếm sự hậu thuẫn, và có thời gian hơn đối phó với các thế lực trong nước. Vì sợ mất “ngôi báu” nên phải bán rẻ quyền lợi quốc gia. Bắc Kinh nhìn thấy rõ điều này, nên thường chìa ra những hiệp định bất lợi, bắt người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam phải ký.
Lần này, ông Tô Lâm đi Bắc Kinh cũng như những chuyến đi trước của ông Trọng, sẽ chấp nhận những yêu cầu của họ. Tô Lâm là người muốn loại bỏ những di sản của Tổng Trọng, nhưng di sản “chầu thiên triều” thì ông không bỏ được. Đấy là bất hạnh cho đất nước này.
Cả Việt Nam và Trung Quốc, mỗi lần Đại hội diễn ra, là Đảng Cộng sản lại lập kế hoạch 5 năm. Trong 5 năm ấy, chính sách lớn không thay đổi, chỉ thay đổi những tiểu tiết cho phù hợp với thực tế. Đặc biệt, chính sách đối ngoại với Trung Quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam đã hoạch định từ các kỳ Đại hội, và người có trách nhiệm cao nhất thực hiện là Tổng Bí thư.
Nếu chỉ thực hiện chính sách ngoại giao với Trung Quốc theo nhiệm kỳ, thì trong nhiệm kỳ 13 này, ông Nguyễn Phú Trọng đã thực hiện, và ký với Tập Cận Bình hàng loạt văn kiện. Ông Tô Lâm là người người kế thừa ông Trọng, chứ không phải bắt đầu một nhiệm kỳ mới. Cho nên, ông Tô Lâm không cần phải đi Trung Quốc, mà chỉ cần thực hiện những văn kiện mà ông Trọng đã ký.
Vậy tại sao, ông Tô Lâm quyết định sang thăm Trung Quốc, ngay sau khi lên nắm quyền tối cao trong Đảng?
Câu trả lời rất đơn giản trong một từ duy nhất: “chầu”. Chỉ có bề tôi sang chầu thì mới bắt buộc, nên ai lên cũng phải thực hiện đúng lễ nghi. Còn nếu chỉ căn cứ vào mối quan hệ giữa 2 đảng, Tô Lâm không cần sang Bắc Kinh gặp ông Tập, mà chỉ cần thông báo với Đại sứ Hùng Ba là ông sẽ tiếp nối những việc mà ông Trọng đã ký là đủ.
Mối quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc là mối quan hệ trá hình, là bề tôi với thiên triều, nhưng lại khoác lên vỏ bọc là quan hệ giữa 2 đảng, 2 nhà nước. Bởi Đảng Cộng sản Việt Nam không dại mà thừa nhận việc họ làm sau lưng 100 triệu dân.
Trần Chương – Thoibao.de