Lâu nay, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng đều được cơ cấu cho một Ủy viên Bộ Chính trị đứng đầu, trừ trường hợp Lương Tam Quang đang đợi bầu bổ sung vào Bộ Chính trị. Điều đó cho thấy, Đảng xem 2 bộ này quan trọng như thế nào, bởi đây chính là 2 thanh kiếm bảo vệ chế độ.
Người đứng đầu Bộ công an và Bộ Quốc phòng, đều là những bộ trưởng có quyền lực rất lớn. Ngân sách Bộ Công an được chi hơn 100 ngàn tỷ đồng, Bộ Quốc phòng được chi hơn 150 ngàn tỷ. Cả 2 bộ trưởng đều có quyền bổ nhiệm các quan chức địa phương thuộc bộ quản lý. Ví dụ như giám đốc và phó giám đốc công an các tỉnh, do Bộ trưởng Bộ Công an bổ nhiệm; hay chỉ huy trưởng bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh, là do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng bổ nhiệm.
Bộ Quốc phòng được đánh giá là mạnh hơn Bộ Công an, khi Bộ này có cơ quan điều tra riêng, có tòa án riêng, và có Tổng cục Tình báo. Bộ Công an trước kia cũng có Tổng cục Tình báo, nhưng đã bị ông Trọng cho giải tán. Trong Bộ Công an không tòa án riêng, chỉ có cơ quan điều tra như là một phần của bộ máy tố tụng.
Như vậy, nếu nắm Bộ Quốc phòng, ông Phan Văn Giang có cơ hội vượt trên Tô Lâm trên chính trường. Nhưng tại sao, trong thời gian qua, Phan Văn Giang lại tỏ ra lép vế trước Tô Lâm trên bàn cờ chính trị?
Nguyên nhân thì có nhiều, tuy nhiên, chủ yếu là do năng lực của mỗi người mỗi khác. Tô Lâm nắm Bộ Công an được 8 năm, trong khi đó, Phan Văn Giang mới nắm Bộ Quốc phòng chỉ được 3 năm. Mặt khác, Tô Lâm là người thủ đoạn, ông đóng vai là “người lính tận tụy” của Tổng Trọng, để lợi dụng sự che chở của ông Trọng, mà xây dựng bộ khung gốc Hưng Yên trong bộ máy công an cả nước. 8 năm là thời gian đủ để nhóm Hưng Yên mọc rễ và bám vững chắc trong Bộ Công an. Còn Phan Văn Giang, có lẽ chưa đủ thời gian để thiết lập và xây dựng hệ thống riêng của mình trong Bộ Quốc phòng.
Trong quân đội cũng có rất nhiều phe phái, ông Phan Văn Giang không đủ bản lĩnh để dẹp hết những phe phái khác, đưa bản thân lên thế độc tôn. 3 năm Phan Văn Giang làm Bộ trưởng, cũng là 3 năm, Bộ Quốc phòng có 2 uỷ viên Bộ Chính trị. Tướng Lương Cường cũng nắm được một nhóm đàn em đáng kể trong Bộ Quốc phòng, dù không mạnh bằng Phan Văn Giang, nhưng cũng khiến cho ông Giang không thể toàn quyền trong Bộ này. Còn trong Bộ Công an, Tô Lâm gần như chèn ép khiến Trần Quốc Tỏ không có một cơ hội nào để vươn lên.
Giờ đây, Tô Lâm đã trở thành Tổng Bí thư và Bí thư Quân ủy Trung ương, ông Giang lại càng khó có cơ hội thâu tóm quyền lực trong Bộ Quốc phòng. Trước đây, Tô Lâm và Phan Văn Giang được xem là ngang hàng. Nhưng giờ đây, Tô Lâm đã là sếp của Phan Văn Giang.
Khi Tô Lâm tạo phản, người duy nhất có khả năng cản đường Tô Lâm là Phan Văn Giang. Nhưng ông Giang đã chậm, và có thể, ông không có “máu liều” như Tô Lâm, không dám đặt cược sự nghiệp chính trị vào một canh bạc có tính sống còn như vậy. Thế nên, ông Giang không chớp được cơ hội về đích.
Chính trường Việt Nam như một môi trường hoang dã, kẻ nào đủ sức mạnh, và đủ sự hung hãn, kẻ đó sẽ có cơ hội làm thủ lĩnh. Tuy nhiên, mặt trái của sự hung hăng, bất chấp, là cái giá phải trả sẽ rất đắt, nếu thất bại. Vì vậy, Tô Lâm dám làm, trong khi những kẻ khác không dám, nên ông đã thành công.
Dưới bàn tay Tô Lâm, những người từng là thế lực thách thức Tô Lâm, sẽ rất khó có cơ hội tồn tại. Bởi Tô Lâm là kẻ đa nghi, thà hại oan người khác, chứ không tin ai, để rồi bị người hại.
Chơi với Tô Lâm mà không dám liều, thì việc chấp nhận về nhì hoặc về 3, xem như là thua cuộc. Thời của Tô Lâm, tầng dưới rất khó tồn tại, vì chế độ Công an trị không những được áp với 100 triệu dân, mà còn áp dụng với 5 triệu đảng viên, kể cả những người ở vị trí rất cao.
Trần Chương – Thoibao