Có thể nói, nền kinh tế Việt Nam chưa bao giờ bi đát như bây giờ. Gần như những chính sách vĩ mô được ban ra từ ông Thủ tướng Phạm Minh Chính đều bị nghẽn. Năm ngoái, tình trạng giải ngân đầu tư công đã bị kẹt lại rất nhiều, là một trong các lý do khiến cho nền kinh tế không thể hồi phục sau dịch Covid. Mà tình trạng này còn kéo dài đến năm nay, thậm chí còn tồi tệ hơn.
Những năm trước đây, tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm trễ chủ yếu là do thủ tục rườm rà, luật pháp chồng chéo, khiến doanh nghiệp phải tìm mọi cách để lách qua quá nhiều khe hẹp. Và tất nhiên, muốn hoàn tất hồ sơ để được giải ngân, thì đơn vị thụ hưởng thường phải “bôi trơn” cho những đơn vị xét duyệt. Đó là luật bất thành văn, tồn tại từ ngày “đổi mới” đến nay. Đó cũng là nguyên nhân chính, khiến chất lượng của các dự án công kém, mà chi phí đầu tư lại cao bất thường.
Nếu nói trước đây, vốn đầu tư công bị một tầng lọc ngăn cản việc giải ngân, thì nay, có thêm một tầng mới – đó là sự lo sợ của quan chức, cán bộ thuộc các đơn vị liên quan đến nguồn vốn – từ đơn vị cấp vốn cho tới đơn vị nhận vốn, đều rất lo sợ rủi ro. Giải pháp an toàn cho họ là “lãn công ngầm”, bằng cách viện đủ thứ lý do để kéo dài thời gian, không chạm vào nó.
Tháng trước, Tổng Giám đốc Khatoco Khánh Hòa – Phan Quang Huy, đã để lại thư tuyệt mệnh cho vợ và con, trong đó có đoạn:
“Gửi Mẹ và hai Con
Công việc của ba không những quá nhiều mà còn không tiến triển được, do cơ chế hiện nay, nên ba rất bị áp lực suốt một thời gian dài vừa qua. Gần đây, lại có tin về việc rà soát khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại. Không những thế, cao ốc Khách sạn – Thương mại Khatoco tại số 7-9 đường Biệt thự, Dự án khu phức hợp Thương mại – Khách sạn – Căn hộ Tropicana cũng thuộc diện phải rà soát, và trước sau, các cơ quan chức năng của nhà nước cũng tiến hành điều tra các dự án này.
Đây là những dự án mà Tổng Công ty đã liên doanh, liên kết với các đối tác để triển khai thực hiện, cách đây mười mấy năm. Ba cam kết không nhận bất kỳ một đồng tiền nào, tuy nhiên, chắc chắn rằng, Ba sẽ không tránh khỏi các sai sót trong quá trình định giá tài sản, góp vốn đầu tư, bởi tư duy, qui trình của mười mấy năm trước khác hẳn với những qui định hiện hành của thời bây giờ.”
Đấy là mối lo chung của những người đứng đầu đơn vị chủ đầu tư, sử dụng vốn ngân sách. Hiện nay, những người quản lý các dự án công, sử dụng vốn ngân sách, luôn phập phồng lo sợ. Công an có thể ập vào nhà họ, còng tay giải đi bất cứ lúc nào. Chính vì thế, rất nhiều người đã viện đủ lý do để trì hoãn, để nguồn vốn không thông. Bởi một khi đã thông nguồn vốn, thì sẽ có sai phạm, vì không làm sai lấy tiền đâu ra để bôi trơn cho cả hệ thống?
Hiện nay, việc công an nhảy vào các doanh nghiệp, truy hồ sơ của các dự án công, diễn ra khắp nơi. Trước đây, ông Trọng cũng cho làm điều này, nhưng chỉ sử dụng Ủy ban Kiểm tra Trung ương, hoặc Ban Phòng chống tham nhũng và tiêu cực do ông cầm đầu. Chỉ dự án nào ông thấy cần truy tố, mới để cho Tô Lâm nhảy vào. Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ban Chống tham nhũng, tuy có quyền lực lớn, nhưng nhân sự lại mỏng, và chuyên môn yếu, nên chỉ như tấm lưới thưa và để lọt rất nhiều “con cá gộc”. Lần này, Tô Lâm ra tay với lực lượng công an chuyên nghiệp, phủ mọi ngóc ngách, từ Trung ương đến địa phương. Cho nên, rất khó để thoát khỏi bàn tay Tô Lâm.
Mỗi cú đấm của Tô Lâm là một đòn giáng rất mạnh vào những chính sách vĩ mô mà Thủ tướng Phạm Minh Chính triển khai. Ông Tô Lâm cứ nhân danh “lò” của Tổng mà phang, còn ông Chính chỉ biết gồng mình chịu đựng. Kết quả, nền kinh tế tan nát, thì ông Chính phải chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị. Còn Tô Lâm thì được ghi nhận với thành tích chống tham nhũng.
Từ nay đến hết nhiệm kỳ Đại hội 13, Tô Lâm cứ việc đấm, còn Phạm Minh Chính thì chỉ biết gồng. Cố gồng cho đến hết nhiệm kỳ rồi tính tiếp.
Ý Nhi – Thoibao.de