Nếu không có cú ra đòn bất ngờ nhằm vào Võ Văn Thưởng, thì Tô Lâm không thể buộc Bộ Chính trị phải ngồi lại, để bàn về nhân sự một cách bất thường. Chính Tô Lâm, người đang nắm hàng triệu lính tráng rải khắp mọi nơi trên lãnh thổ Việt Nam, quyết định đánh trước. Để có được trận đánh úp đối với Võ Văn Thưởng, ắt Tô Lâm đã chuẩn bị một thời gian khá dài.
Từ khi bắt Hậu “Pháo” cho đến khi hạ Thưởng, thời gian cực ngắn. Từ ngày 26/2 – ngày bắt Hậu “Pháo”, đến ngày 14/3 – ngày ông Võ Văn Thưởng nộp đơn từ chức, là 17 ngày. Không ai tin, chỉ trong 17 ngày, mà một vụ án lớn lại có kết quả ngay được. Có thông tin cho chúng tôi biết, Tô Lâm đã điều tra rất cẩn thận, hồ sơ về Hậu “Pháo” và Võ Văn Thưởng đã đóng gói hoàn chỉnh trước khi bắt Hậu. Nếu đây là sự thật, thì có thể nói, Tô Lâm là một con người dã tâm và đủ cẩn trọng. Việc chuẩn bị hồ sơ hoàn chỉnh trước khi bắt, ắt hẳn đã có những tính toán kỹ càng.
Điều quan trọng là, hiện nay, ai có thể vạch trần được những thủ đoạn của Tô Lâm? Đến một Chủ tịch nước như Võ Văn Thưởng mà vẫn không thể làm gì được họ Tô, để bảo vệ chính mình. Còn Tổng Trọng thì xem như đã hết thời, ông đã quá già và không còn đủ sức để kiểm soát Tô Lâm.
Vụ hạ bệ Võ Văn Thưởng có thể trở thành một tiền lệ, và Tô Lâm lại tiếp tục sử dụng chiến thuật “vừa đánh vừa đàm” – chiến thuật mà Cộng sản rất quen dùng trong thời kỳ chiến tranh. Để có lợi trên bàn đàm phán, thì trên chiến trường phải đánh, và đánh bất chấp. Tô Lâm cũng hành động tương tự. Dự đoán là, đòn phép đối với Võ Văn Thưởng chỉ là trận mở màn, sẽ còn nhiều trận đánh tiếp theo nếu đàm bế tắc.
Có thể, Hội nghị Trung ương 9 sẽ diễn ra vào giữa tháng này. Đây là cuộc đàm phán quan trọng của Tô Lâm và các bên, để chốt nhân sự. Ghế Chủ tịch nước đã trống, người thay thế ông Thưởng sáng giá nhất vẫn là Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ Công an.
Nếu ông Tô Lâm muốn ngồi ghế Chủ tịch nước, thì ắt ông sẽ được toại nguyện. Nhưng câu hỏi đặt ra là, khi ông ngồi ghế Chủ tịch nước, mà ghế Bộ trưởng Bộ Công an rơi vào tay phe khác, liệu rằng ông có chấp nhận không?
Từ ngày 21/3, ngày mà ông Thưởng chính thức bị truất phế, đến nay vẫn chưa ngã ngũ ai sẽ ngồi vào chiếc ghế nóng này, thì điều đó cho thấy, Bộ Chính trị còn đang giành co chứ chưa ngã ngũ.
Tuy nhiên, dù thế nào thì đến Hội nghị Trung ương 9 cũng phải “chốt kèo”. Tất cả mọi sự chú ý đang tập trung vào phe Tô Lâm. Nếu Tô Lâm thắng, rất có thể, sau đó sẽ có những đợt thanh trừng lớn. Bởi Tô Lâm cần giảm sự ảnh hưởng của các nhóm mạnh, như nhóm Nghệ An – Hà Tĩnh, và củng cố thêm sức mạnh cho nhóm Hưng Yên. Nhưng nếu Tô Lâm thất thế, thì vẫn có khả năng xảy ra thanh trừng, tuy nhiên, nạn nhân lúc này là phe Tô Lâm. Khả năng thứ 3, không có phe nào chiếm ưu thế tuyệt đối, và cuộc chiến quyền lực tiếp tục giằng co.
Ông Nguyễn Phú Trọng đã 80 tuổi và nắm chức Tổng Bí thư 3 nhiệm kỳ, tuy bề ngoài các bên đều tỏ vẻ kính trọng ông, nhưng thực chất bên trong, nhiều kẻ đã hết kiên nhẫn. Người đầu tiên và cũng là người bộc lộ sự mất kiên nhẫn mạnh nhất, chính là Tô Lâm. Khi ông Trọng không còn đủ sức để kiểm soát Bộ Công an, mà ông vẫn tham quyền cố vị, thì rất có thể, chính ông sẽ trở thành nạn nhân của những kẻ dưới tay ông.
Ý đồ của Tô Lâm hiện nay là vây hãm Tổng Bí thư, biến ông thành “tù nhân”, và ngăn cản bất cứ ai có ý định ngồi vào ghế này. Khi Tô Lâm thành công cô lập được các bên, thì lúc đó, ông Tổng sẽ không còn được yên ổn với thuộc hạ nữa.
Hoàng Anh – Thoibao.de