Vụ Vạn Thịnh Phát kết thúc, “Tổng Bạc” thua Hai Nhật đến 3-0!
Phía nhà cầm quyền cho biết, đại án Vạn Thịnh Phát sẽ được Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đưa ra xét xử trong gần 2 tháng, từ ngày 5/3 đến 29/4. Số lượng bị cáo trong vụ án này rất lớn, lên đến 86 bị cáo. Nội dung xét xử có hành vi chiếm đoạt 304.000 tỷ đồng của SCB.
Ngoài bà Trương Mỹ Lan là nhân vật chính, 85 bị cáo còn lại, gồm 45 cựu lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng SCB; 15 cựu cán bộ Ngân hàng Nhà nước; 3 cựu cán bộ Thanh tra Chính phủ; một cựu cán bộ Kiểm toán Nhà nước. 5 người trong số này là cựu lãnh đạo SCB và các chi nhánh, hiện đã bỏ trốn.
Có gần 200 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên liên quan. Trong đó, riêng bà Lan có 5 luật sư, gồm: Phan Trung Hoài, Phan Minh Hoàng, Nguyễn Huy Thiệp, Giang Hồng Thanh, Trương Thanh Đức.
Bà Trương Mỹ Lan bị bắt vào ngày 8/10/2022, sau 14 tháng điều tra, đến nay hồ sơ cũng đã khép lại. Tuy nhiên, bóng dáng của nhân vật đỡ đầu cho bà Trương Mỹ Lan vẫn không thấy xuất hiện.
Điều đáng nói là, sau khi Tô Lâm cho bắt Trương Mỹ Lan, thì mới khui ra tội của đại gia Nguyễn Cao Trí. Rồi từ ông Nguyễn Cao Trí mới lòi ra dàn lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng. Kết quả, dàn lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, từ Bí thư đến Chủ tịch, đều phải xộ khám.
Liên quan đến bà Trương Mỹ Lan, đã có nhiều cái chết bí ẩn, kỳ lạ.
Trước khi bà Trương Mỹ Lan bị bắt 2 ngày, ngày 6/10/2022, ông Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI) đột ngột qua đời. Ông Thành là chồng của bà Tống Thị Thanh Hoàng – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Còn sau khi bà Trương Mỹ Lan bị bắt 2 ngày, thì bà Nguyễn Phương Hồng – Trợ lý Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, người bị bắt cùng ngày với bà Lan, đã qua đời trong trại tạm giam. Điều kỳ lạ là báo chí nhà nước đồng loạt xoá tin về cái chết của bà này.
Xa hơn là cái chết của Thượng tướng Công an Phạm Quý Ngọ – Thứ trưởng Bộ Công an. Ông này đã chết vào ngày 18/2/2014. Ông Ngọ chết chỉ một ngày sau khi có quyết định đình chỉ chức Thứ trưởng Bộ Công an, vì tội làm lộ bí mật Nhà nước. Cái chết của ông xảy ra sau khi cựu Chủ tịch Hội đồng Thành viên Vinalines Dương Chí Dũng khai, đã nhận của bà Trương Mỹ Lan 20 tỷ đồng (tương đương một triệu đô la Mỹ), để chuyển cho ông Ngọ.
Nhiều người vẫn đặt câu hỏi, liệu những người liên quan đến bà Trương Mỹ Lan đã bị đưa ra trừng phạt hết chưa? Câu trả lời là chưa.
Có những con cá gộc rất lớn, nhưng vẫn thoát, sau khi Tổng Trọng tung lưới bắt Trương Mỹ Lan.
Những cái chết đột ngột của những người có liên quan đến bà Lan và Vạn Thịnh Phát, đã ngắt mạch điều tra. Còn mạch điều tra đấy dẫn đến ai, quan chức nào, thì cho tới nay vẫn chưa có lời giải đáp. Cái chết của ông Nguyễn Tiến Thành và bà Nguyễn Phương Hồng, rất có thể là để cứu ai đó khỏi phải rơi vào vòng lao lý.
Vạn Thịnh Phát bắt đầu phất lên từ khi ông Lê Thanh Hải lên Chủ tịch thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, bà Trương Mỹ Lan trở thành “bà trùm bất động sản” là lúc mà ông Lê Thanh Hải vào Bộ Chính trị, và giữ chức Bí thư Thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh 2 nhiệm kỳ.
Năm 2006, Lê Thanh Hải trở thành Ủy viên Bộ Chính trị, thì từ năm 2007, Vạn Thịnh Phát bắt đầu thâu tóm bất động sản, đất vàng, tại các vị trí đắc địa của Sài Gòn.
Đã có ít nhất 3 lần, ông Nguyễn Phú Trọng nhắm vào ông Lê Thanh Hải. Lần thứ nhất là bới ra sai phạm ở Thủ Thiêm. Lần thứ nhì là cho bắt Lê Tấn Hùng – em trai ông Lê Thanh Hải. Lần thứ ba là bắt bà Trương Mỹ Lan. Nhưng cả 3 lần đều không thể làm gì được Hai Nhật – Lê Thanh Hải.
Hiện nay, Tổng Trọng đã gần đất xa trời, rất khó để ông làm thêm một đợt nữa tấn công vào “sào huyệt” của Lê Thanh Hải. Cơ hội quật ngã Lê Thanh Hải xem như đã kết thúc, đối với cuộc đời của ông Tổng Bí thư.
Trà My