Ngày 11/1, RFA Tiếng Việt có bài “Nhân quyền Việt Nam 2023 tệ hại hơn – hậu quả của kiểu “ngoại giao đổi chác”’.
Theo đó, nhân quyền Việt Nam năm 2023 tiếp tục tồi tệ đi. Tình trạng đó không chỉ do Chính phủ Hà Nội gia tăng đàn áp, mà còn là hậu quả của “ngoại giao đổi chác”. Tức chính phủ các nước phát triển, vì lợi ích chiến lược của họ mà bỏ qua tình trạng nhân quyền tồi tệ ở Việt Nam.
RFA cho biết, tối 11/1 (giờ Hà Nội), Tổ chức Theo dõi nhân quyền đã công bố bản báo cáo nhân quyền thường niên năm 2024, để đánh giá việc thực hành nhân quyền của hơn 100 quốc gia trong năm qua.
RFA dẫn nhận định của bà Tirana Hassan – Giám đốc Điều hành của Tổ chức này, cho rằng, 2023 là một năm để lại nhiều hậu quả, không chỉ bởi sự đàn áp nhân quyền và thảm họa chiến tranh, mà còn cả với việc các chính phủ lựa chọn ngoại giao kiểu đổi chác. Điều này đã gây tổn hại nặng nề cho quyền lợi của những ai không trong tầm thỏa thuận của họ.
Ngay cả các nước xưa nay vốn tôn trọng nhân quyền đôi khi cũng coi các nguyên tắc nhân quyền cơ bản như là một sự “lựa chọn”, để đổi lại các lợi ích về an ninh, thương mại, chiến lược.
Tiến hành ngoại giao đổi chác với sự che đậy là nguy hiểm. Cố gắng tách biệt nhân quyền và pháp quyền khỏi những quyết định mang tính thực dụng sẽ lãng phí đòn bẩy có thể gây ảnh hưởng đến chính sách và thực thi của các chính phủ vi phạm nhân quyền. Nó cũng có thể góp thêm phần gia tăng vi phạm nhân quyền, bao gồm cả đàn áp xuyên quốc gia – Bà Tirana Hassan đánh giá.
RFA cho hay, một trong những ví dụ cho ngoại giao kiểu đổi chác này là Việt Nam.
Tháng 9/2023, Việt Nam và Mỹ nâng cấp mối quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện, nhưng Mỹ lại rất ít đề cập đến tình trạng vi phạm nhân quyền tồi tệ với Việt Nam.
Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc, vẫn đạt được các thỏa thuận thương mại với rất ít cam kết về nhân quyền ở các nền kinh tế đang phát triển nhanh như Việt Nam và Indonesia.
Theo RFA, ngay sau khi bản báo cáo được công bố, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, phát biểu trong một bài viết được đăng trên trang web của tổ chức này, nói rằng “Các nhà tài trợ và đối tác thương mại quốc tế của Việt Nam cần chấm dứt thái độ phủi tay cho qua với một hệ tiêu chuẩn kép công nhiên đã vô hiệu hóa các sức ép đối với Hà Nội về nghĩa vụ hoàn tất các cam kết nhân quyền.”
RFA cho rằng, nhân quyền Việt Nam năm 2023 bị đánh giá là ảm đạm, bởi một loạt các quyền cơ bản như tự do ngôn luận, lập hội, hội họp, đi lại và tôn giáo tiếp tục bị đàn áp một cách có hệ thống. Đảng Cộng sản trừng phạt hà khắc đối với bất kỳ cá nhân, lực lượng nào mà Đảng cho là thách thức sự độc tôn cầm quyền của mình.
Các cách thức đàn áp nhân quyền của Chính phủ Việt Nam vẫn tương tự như năm 2022, nhưng với một mức độ nặng nề hơn.
(hình 03: Nhà bảo vệ môi trường hàng đầu Hoàng Thị Minh Hồng bị bắt với cáo buộc nguỵ tạo trốn thuế vào tháng 5/2023)
RFA dẫn Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cho hay, Việt Nam hiện đang giam giữ khoảng 160 người thực hiện các quyền tự do cơ bản một cách ôn hoà. Trong 10 tháng đầu năm 2023, có ít nhất 28 nhà hoạt động nhân quyền bị bỏ tù, với những bản án dài hạn liên quan đến “an ninh quốc gia”.
Vẫn theo RFA, Chính phủ Việt Nam vẫn kiểm soát chặt chẽ các tờ báo, đài truyền hình… Báo chí độc lập vẫn bị cấm; yêu cầu các công ty mạng xã hội, như Facebook, YouTube, Google, TikTok đóng cửa hoặc xóa bài đăng các trang blog, hay tài khoản bị cho là đăng tải các thông tin bất lợi cho nhà nước.
Các tổ chức tôn giáo độc lập bị cấm với lý do có hại cho “lợi ích quốc gia, trật tự công cộng hoặc mối đại đoàn kết dân tộc”.
Các nhóm tôn giáo không được công nhận, bao gồm Phật giáo Hoà hảo thuần tuý, Cao Đài chơn truyền, các nhóm tin lành ở Tây Nguyên… bị công an theo dõi, sách nhiễu và đàn áp thô bạo. Tín đồ của các tôn giáo này phải chịu sự chỉ trích công khai, buộc phải từ bỏ đức tin, câu lưu, thẩm vấn, tra tấn và bỏ tù. Theo HRW, tính đến tháng 9/ 2021, Việt Nam thừa nhận chưa chính thức công nhận khoảng 140 tôn giáo với xấp xỉ một triệu tín đồ.
Ý Nhi – thoibao.de
12.1.2024