Từ nhiều năm qua, cứ sắp đến Tết thì lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam lại ban hành cái gọi là “chỉ thị về việc tổ chức cho cái Tết Nguyên đán sắp tới”.
Mới nhất, bà Trương Thị Mai – Thường trực Ban Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam – vừa ký ban hành Chỉ thị số 26-CT/TW về việc tổ chức Tết Giáp Thìn 2024.
Trong đó, chỉ thị này nhấn mạnh việc nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp theo mọi hình thức. Cụ thể, Chỉ thị về việc tổ chức Tết Giáp Thìn năm 2024 gồm 7 mục với một số nội dung như:
“Không tổ chức đoàn của Trung ương thăm, chúc Tết cấp uỷ, chính quyền các tỉnh, thành phố; Không tổ chức thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; Nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức; Không dự các lễ chùa, lễ hội nếu không được phân công; Không sử dụng ngân sách nhà nước, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động lễ hội, vui chơi…”
Theo giới quan sát, năm nào cũng như năm nào, cứ lặp đi lặp lại những lời “biết rồi, khổ lắm nói mãi” thừa thãi để làm gì? Chỉ thị cấm tặng lãnh đạo quà Tết liệu có tác dụng hay không?
Vì tất cả các chỉ thị hàng năm về vấn đề này, đều có chung một số điểm giống hệt nhau, nhưng kết quả cuối cùng cũng chỉ là “bắt Cóc bỏ đĩa”. Đảng cấm thì cứ cấm, còn đảng viên cấp dưới biếu quà cho sếp là chuyện “thường ngày ở huyện”. Thử hỏi không nhận quà biếu thì lãnh đạo sẽ ra sao, liệu có sống được hay không, chứ đừng nói chuyện các quan ăn chơi ngày Tết.
Việc ban hành Chỉ thị vừa kể, dư luận thấy rằng, với những quy định mang nặng tính hình thức, như: không thăm, không chúc Tết, không biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp, dưới mọi hình thức v.v… Thử hỏi “ai biết ma ăn cỗ”?
Và chắc chắn, Chỉ thị này sẽ không có tác dụng gì, mà nó chỉ là động thái để khỏa lấp một tình trạng trầm kha, đó là, cấp dưới phải hối lộ cho cấp trên thường xuyên, chứ không chỉ vào dịp Tết.
Việc biếu quà Tết được coi là nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Những món quà Tết không nặng về mặt giá trị, nhằm biểu lộ sự kính trọng, lòng tri ân đối với những người bà con thân thiết, hay những người có mối quan hệ trong công việc…
Song, trong nền kinh tế thị trường, với sự quản lý bát nháo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nên việc biếu quà Tết cho cấp trên lại trở thành một hình thức hối lộ, để chạy quyền, chạy chức, chạy án… với những biến tướng hết sức tinh vi.
Bây giờ, người ta biếu xén với hy vọng trục lợi, lên lương, lên chức, thay đổi vị trí làm việc, hay được đề bạt…
Báo Thanh Niên ngày 17/12/2019, có bài “Xét xử vụ MobiFone mua AVG: Hàng triệu USD hối lộ được “biếu” ra sao?”
Theo đó, lời khai của các bị cáo trong ngày đầu xét xử đã phần nào vén bức màn che phủ đường đi của hàng triệu USD hối lộ, trong vụ án MobiFone mua AVG. Bị cáo Lê Nam Trà, nguyên Chủ tịch Tổng Công ty MobiFone, ngày 16/12/2019, khai trước tòa:
“Dịp trước Tết 2016, cựu Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ đến văn phòng làm việc với lý do biếu quà Tết. Khi ông Vũ về, tôi mở ra thấy 500.000 USD. Sau Tết hơn một tháng, anh Phạm Nhật Vũ gọi điện thoại nói có ít quà, hoa quả ngon. Tối hôm đó, có người mang đến biếu hai thùng carton. Tôi nghĩ hoa quả thôi, nhưng mở ra thấy có tiền, hai triệu USD. Tôi chuyển hai triệu USD sang tiền Việt, cất trong nhà.”
Bị cáo Lê Nam Trà còn khai thêm, “500.000 USD bị cáo mang biếu anh [Nguyễn Bắc] Son vào dịp Tết, cũng để trong gói quà. Ngoài ra, bị cáo còn đưa cho anh Son 200.000 USD tiền cá nhân”.
Tại cuộc họp của Ban Nội chính Trung ương chiều 22/11/2023, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương – Nguyễn Văn Yên – cho biết, “những ai nhận số tiền hối lộ lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì mới bị truy tố, xét xử, còn người nhận ít, không vụ lợi, nhận tiền nhận số lượng ít vào dịp lễ Tết… sẽ không bị xử lý về mặt hình sự, mà chỉ bị xử lý về kỷ luật Đảng và hành chính”.
Trong một thể chế chính trị độc đảng, đầy bất cập như ở Việt Nam hiện nay, cơ chế giám sát và kiểm soát quyền lực bị vô hiệu hóa. Dẫn tới tình trạng, quà biếu có giá trị lớn sẽ là phương tiện giúp cho người ta có thể “đi tắt” đến quyền lực, giúp cho sự thăng tiến của mỗi cá nhân thuận tiện hơn.
Ở Việt Nam không có luật quy định quà biếu, quà tặng, hạn chế trị giá bao nhiêu, nếu nhiều hơn thì phải nộp công quỹ, như ở các quốc gia khác. Quan trọng là, cần phải coi trọng việc kê khai tài sản của cá nhân theo luật định một cách nghiêm túc, và phải công khai để cho nhân dân và báo chí giám sát.
Những điều vừa kể, Đảng Cộng sản Việt Nam và chính quyền của họ thừa biết, thậm chí biết rất rõ, nhưng bản chất của Đảng hiện nay là một đảng chính trị bán nước, hại dân, nên bằng mọi biện pháp và thủ đoạn, cũng chỉ để phục vụ cho công cuộc “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi!” mà thôi./.
Trà My – Thoibao.de