Kissinger và Việt Nam Cộng hoà

Link Video: https://youtu.be/7XaF-IDVY7c

Ngày 3/12, BBC Tiếng Việt đăng bài “Việt Nam Cộng hoà: Ông Kissinger đã nói và làm gì với hai Tổng thống Nixon và Nguyễn Văn Thiệu?” của tác giả Nguyễn Tiến Hưng.

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng là cựu Tổng trưởng Kế hoạch Việt Nam Cộng hoà từ năm 1973 đến 1975, phụ tá về tái thiết của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, hiện đang định cư tại Hoa Kỳ. Ông là tác giả 2 cuốn sách nổi tiếng “Khi Đồng minh tháo chạy” (2005) và “Khi Đồng minh nhảy vào” (2016).

Tác giả cho biết, tại Bắc Kinh, các quan chức và truyền thông Trung Quốc đang thương tiếc cái chết của Henry Kissinger.

Tác giả dẫn lời ông Tập Cận Bình, ca ngợi Kissinger là “chiến lược gia nổi tiếng thế giới” và là “người bạn cũ tốt lành”.

Bởi Kissinger có một tầm nhìn về một trật tự thế giới tam cực, đưa Trung Quốc lên ngang hàng với Hoa Kỳ và Liên Xô. Vì vậy, ông ta đã có những đóng góp lớn lao để nối lại bang giao Mỹ – Trung nửa thế kỷ trước, rồi từ đó đã tiếp tục yểm trợ cho quốc gia này trở thành cường quốc số hai trên thế giới.

Nhưng, tác giả cho hay, để làm được những điều đó, Kissinger đã “mở cửa Bắc Kinh, đóng cửa Sài Gòn”.

Năm 1972, Kissinger bắt được tay ông Mao, thì năm 1973, ông buông ngay tay ông Thiệu.

Năm 1973 đã đưa danh vọng của Kissinger lên tuyệt đỉnh, khi ông nhận được giải Nobel vì đã mang lại hòa bình cho Việt Nam – và cho cả Hoa Kỳ, qua Hiệp định Paris.

Tác giả dẫn phê phán trong cuốn sách Kissinger – A Biography (2005) của tác giả nổi tiếng Walter Isaacson, cho rằng: “Để thi hành hiệp định này thì cần phải thực hiện một “sự phản bội kinh hoàng” đối với chế độ miền Nam Việt Nam”, và: “Dù cố ý đánh lừa một đồng minh, ông Kissinger vẫn thoát thân được mà danh tiếng không bị tổn hại, thật là đáng ngạc nhiên”.

Tác giả đề cập đến sự kiện ngày 29/11/1973, cách ngày ông Kissinger tạ thế đúng 50 năm.

Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Thiệu nghi ngờ Kissinger không báo cáo đầy đủ về Hiệp định Paris với Tổng thống Nixon, nên muốn gặp trực tiếp ông Nixon, nhưng bị Kissinger ngăn cản. Sau đó, Tổng thống Nixon đồng ý gặp Phụ tá Ngoại giao của Tổng thống Thiệu là Tiến sĩ Nguyễn Phú Đức.

Tại cuộc gặp này, ông Đức đã trao cho Tổng thống Nixon bức tâm thư dài 24 trang của Tổng thống Thiệu, trong đó có câu:

“Nhân dân Việt Nam không thể làm gì ít hơn là gửi tới Ngài một cách hết sức chân thành và thẳng thắn quan điểm của họ về vấn đề này… Vì họ sẽ được sống hay phải chết tùy theo giải pháp đàm phán sắp được kết thúc.”

Hình: Bài bình luận trên BBC Tiếng Việt

Tuy nhiên, theo tác giả, Kissinger lại nói với Nixon rằng, cuộc gặp này là vì lý do chính trị. Vì ông Thiệu đang bị chống đối ở Sài Gòn nên muốn có buổi họp để chứng tỏ với dân chúng rằng, ông ta có sự ủng hộ của Tổng thống Mỹ! Đồng thời, Kissinger còn mạ lỵ ông Thiệu và khuyên ông Nixon phải cứng rắn đến mức “tàn nhẫn”. Kissinger còn nói rằng, tất cả phía Việt Nam Cộng hoà đã đồng ý với Hiệp định, chỉ trừ ông Thiệu, đồng thời cố vấn cho Nixon phải ép Việt Nam Cộng hoà chấp nhận Hiệp định.

Tác giả cho biết, trở về Sài Gòn ông Đức báo cáo với Tổng thống Thiệu: “Tổng thống Nixon nói với tôi: “Hiệp Định này chỉ là một mảnh giấy. Điều quan trọng là chúng tôi quyết tâm yểm trợ các ông”.

Nhưng lịch sử đã xảy ra khác hẳn. Hai năm sau Hiệp Định Paris, Việt Nam Cộng hoà đã đi vào dĩ vãng, nhưng tiếng tăm ông Kissinger vẫn tiếp tục nổi lên như sóng cồn. Bởi ngay từ hè 1972, ông ta đã cố vấn cho Nixon rằng, việc Bắc Việt nuốt trọn miền Nam là do “hậu quả của sự bất tài của Miền Nam”.

Sau khi ông Thiệu trả lời phỏng vấn một tờ báo Đức với nội dung “Người Mỹ đã phản bội chúng tôi”, Kissinger đã viết một lá thư cho ông Thiệu để phân trần. Thư có đoạn viết:

‘Giả như năm 1972, chúng tôi đã biết được những gì sẽ xảy ra cho Hoa Kỳ thì chúng tôi đã không tiến hành như chúng tôi đã làm…”

“Tôi không trông đợi sự thuyết phục được Ngài. Ít nhất, tôi có thể cố gắng xin Ngài tin tưởng ở lòng hối hận, và sự kính trọng vẫn còn của tôi.”

Tuy nhiên, vào năm 2010, trong một hội thảo tại Bộ Ngoại giao Mỹ, Kissinger đã “phần nào” thú nhận một cách mập mờ về trách nhiệm của mình: “Hầu hết những sai lầm ở Việt Nam là do chính chúng ta gây ra cho mình”.

Hoàng Anh

>>> PC08 thành Hồ đo nồng độ cồn cả ngày lẫn đêm – phải chăng Công an TP.HCM cần giải ngân cuối năm?

>>> Thẻ Căn cước – sau nửa thế kỷ lưu lạc đã trở về tên cũ

>>> Không còn những tiếng nói trung thực, Quốc hội trở nên đìu hiu…

>>> Đến bao giờ Tổng Bí thư mới cho bắt ông trùm “Nhóm lợi ích điện lực” Trần Tuấn Anh?

Nông sản Việt Nam vẫn tồn dư hóa chất cao, ớt và sầu riêng bị Nhật tiêu huỷ