Hồi tháng 10 vừa qua, ông Tô Lâm thay mặt Chính phủ gửi báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023. Báo cáo cho biết, từ đầu năm đến nay, số vụ nhận hối lộ tăng gần 447%, số đối tượng nhận hối lộ bị phát hiện, xử lý cũng tăng gần 700% so với năm 2022. Tuy nhiên, tài sản thu hồi trong các vụ tham nhũng bằng gần 37% của năm trước đó.
Chính quyền Cộng sản như có một nguồn vô tận về tham nhũng, cứ sờ đến đâu thì lòi tham nhũng ra đến đấy. Cho nên, khi ông Tô Lâm được lệnh soi kỹ hơn, thì số vụ tham nhũng lại tăng lên, bởi trong bộ máy này, không ai là không dính chàm. Ông Nguyễn Phú Trọng thừa biết điều này, và cũng chính ông đã tạo ra rất nhiều vùng cấm, để lựa chọn người mà xử lý. Vì thế mới sinh ra khái niệm rất nực cười là “tham nhũng không vụ lợi”.
Vỏ quýt dày thì có móng tay nhọn. Tô Lâm có thể phát hiện và xử lý tham nhũng nhiều hơn, nhưng số tiền thu hồi thì lại ngày một ít dần. Bởi tham nhũng là nguồn sống của quan chức. Hầu hết những quan chức bị lộ có quan niệm là “hy sinh đời bố củng cố đời con”, nên việc trả lại tài sản đã tham nhũng là điều rất khó. Đã lỡ ăn tiền thì chịu tù để giữ tài sản, còn nếu nhả ra, thì không biết đến bao giờ mới có thể kiếm lại được số tiền như thế.
Chống tham nhũng thật thì phải vừa trừng trị bọn tham nhũng, vừa phải thay đổi cơ chế theo hướng minh bạch hóa, để loại bỏ tận gốc tham nhũng. Còn nếu chỉ lợi dụng chống tham nhũng để lấy danh tiếng, hoặc loại bỏ đối thủ, thì người ta không quan tâm đến việc thay đổi cơ chế theo hướng minh bạch hoá. Cách làm này chẳng khác nào bao che cho tham nhũng. Việc lợi dụng chống tham nhũng thì không mang lại lợi ích gì cho đất nước, mà chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân.
Đất nước vẫn còn tham nhũng, thậm chí tham nhũng năm sau còn cao hơn năm trước. Cá nhân ông Tổng Bí thư thì được tiếng thơm là trong sạch, vì “mạnh tay” với bọn sâu dân mọt nước. Ngoài ra, cái được lớn nhất trong việc lợi dụng chống tham nhũng là ông Tổng Bí thư xây dựng được hệ sinh thái quyền lực, toàn là người phe ông.
Có nguồn tin từ bên trong cho chúng tôi biết rằng, hiện nay, xuất hiện hiện tượng lấy cớ chống tham nhũng để “thịt tham nhũng”. Nghĩa là, những người chống tham nhũng không ngần ngại ra giá với những kẻ tham nhũng sắp bị lộ, hoặc những người đã bị lộ, để làm tiền. Nhờ thế mà bộ máy chống tham nhũng trở thành bộ máy bao che cho tham nhũng.
Ngay cả những người tham nhũng đã bị lộ và bị xử lý, thì vẫn bị làm tiền như thường. Văn hóa chạy chọt là thứ không thể thiếu đối với những người bị lộ, bởi trước khi bị lộ, họ cũng là kẻ làm tiền kẻ khác, cho nên, hơn ai hết họ biết cách chạy chọt.
Việc thông đồng giữa kẻ tham nhũng và kẻ chống tham nhũng trong các vụ án tham nhũng, gây ra hiện tượng thất thoát số tiền thu hồi từ những người tham nhũng. Thay vì nộp tiền tham nhũng về ngân sách nhà nước, thì kẻ tham nhũng chấp nhận chi cho bọn chống tham nhũng, để được nhẹ tội. Hay nói đơn giản là chạy án. Khi số tiền thu hồi từ tham nhũng ít đi, mặc dù số vụ tham nhũng tăng lên gấp nhiều lần, thì điều đó cho thấy, thị trường chạy án đang phát triển rất mạnh trong cái chế độ thối nát này.
Chế độ này căm thù “phản động”, bởi “phản động” hay bóc phốt những miếng ăn dơ bẩn của họ, ẩn đằng sau cái mác chống tham nhũng. Cho nên, từ Tô Lâm đến Nguyễn Trọng Nghĩa, kẻ dùng súng đạn, kẻ dùng loa đài để bịt miệng thẳng tay những ai dám bóc phốt chúng.
Ý Nhi – Thoibao.de