Giới quan sát đánh giá cao việc Bộ trưởng Tô Lâm bất ngờ mượn tay cấp dưới là Công an tỉnh Thái Bình, tiến hành bắt giữ “khẩn cấp” ông Lưu Bình Nhưỡng – Phó ban Dân nguyện Quốc hội vào tối ngày 14/11, tại sân bay Nội Bài, với tội danh “cưỡng đoạt tài sản”.
Sau đó, lập tức ông Lưu Bình Nhưỡng bị Cơ quan Công an di lý về nơi ở, cơ quan làm việc, kể cả nhà của ông Nhưỡng ở quê Thái Bình, để tiến hành khám xét, với mục đích tìm kiếm các tài liệu liên quan đến việc đấu đá nội bộ.
Binh pháp Tôn Tử có câu “Tiên hạ thủ vi cường, hậu thủ vi tai ương”, nghĩa là, ai có thể ra tay trước thì sẽ chiếm ưu mạnh, nếu ra tay sau đối thủ thì sẽ gặp tai họa lớn. Tô Lâm đã thành công trong việc này.
Dường như, ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt trong trạng thái hoàn toàn bất ngờ, không có sự chuẩn bị trước về tâm lý. Có thể, ông Nhưỡng không tin Bộ Công an lại bắt giữ ông tại thời điểm này.
Dù rằng cách đây cả năm, giới thạo tin đã khẳng định, bắt Lưu Bình Nhưỡng chỉ là vấn đề thời gian, vì những phát biểu quá mạnh mồm, công khai tại nghị trường Quốc hội khóa 14. Những điều ông Nhưỡng nói, người dân ai cũng biết, nhưng lãnh đạo và cán bộ có trách nhiệm không ai dám nói ra.
Mới nhất, ngày 17/11, Luật sư, nhà báo Lê Quốc Quân, cựu sinh viên của thầy Lưu Bình Nhưỡng ở Đại học Luật Hà Nội, trong bài viết với tựa đề “Thầy Lưu Bình Nhưỡng bị bắt và “tỷ lệ công lý’”, đăng trên website của Đài VOA, tiết lộ một tin động trời:
“Thầy Lưu Bình Nhưỡng cũng đã chia sẻ với tôi một lần về việc “không hợp” với bên công an và viện kiểm sát. Mới đây, tôi được nghe từ một người bạn đang làm trong Chính phủ rằng, trong một lần cách đây 3 năm, ông Trương Hòa Bình đã nói về thầy Lưu Bình Nhưỡng rằng “Thằng khóc thuê đó, đợi đấy!”.
Điều này, chắc chắn ông Lưu Bình Nhưỡng, với các mối quan hệ của mình, cũng đã biết. Vì thế, các phát biểu của ông tại nghị trường Quốc hội thường được viết sẵn ra giấy, đề phòng “lỡ mồm”. Kể cả trong các clips video trả lời phỏng vấn báo chí, ông Nhưỡng cũng cho người ta thấy, ông cẩn trọng từng câu, từng chữ, để tránh phải vạ.
Nhưng rồi, ông Lưu Bình Nhưỡng cũng không thoát khỏi định mệnh, khi mà các cơ quan tư pháp, gồm công an, tòa án và viện kiểm sát, đồng tình quyết diệt ông, thì làm sao tránh khỏi?
Điều đáng nói là, Bộ trưởng Tô Lâm không chỉ giỏi trong việc áp dụng Binh pháp Tôn Tử, mà ông Tô Lâm còn xuất sắc trong chiêu đánh lạc hướng.
Xin nhắc lại, ngày 10/11, khi góp ý về quy định liên quan “chỉ huy giao thông”, tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đại tướng Tô Lâm cho rằng: “Luật chỉ có một, xe ưu tiên cũng phải dừng đèn đỏ”.
Lập tức, giới quan sát, dựa trên ý kiến có thể nói là quay xe 180 độ so với trước của Bộ trưởng Tô Lâm, cho rằng, ông Tô Lâm đang nói trước Quốc hội việc phải “sống và làm việc theo pháp luật”, và “mọi người đều bình đẳng”, không ngoại lệ, không ưu tiên cho bất cứ ai.
Nhưng không ai ngờ, chỉ 4 ngày sau, ngày 14/11, ông Tô Lâm cho bắt khẩn cấp Phó ban Dân nguyện Quốc hội – ông Lưu Bình Nhưỡng – một người được cho là có đầy đủ quyền miễn trừ. Như vậy, đây chính là lý do mà Bộ trưởng Công an Tô Lâm thông báo với Quốc hội rằng, “… tất cả phải “sống và làm việc theo pháp luật” và “mọi người đều bình đẳng”, không ngoại lệ có ưu tiên cho bất cứ ai.”
Cho đến lúc này, giới quan sát vẫn chưa thấy phản ứng của Quốc hội, mà người đứng đầu là ông Vương Đình Huệ, về việc ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt khẩn cấp. Kể cả Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng thấy im re.
Có thể nói, ngay từ đầu, phe ông Nhưỡng giữ thế công, còn phe cơ quan tư pháp giữ thế thủ. Nhưng đến lúc này, tạm coi phe Tô Lâm và Nguyễn Hòa Bình tạm dẫn trước phe Vương Đình Huệ và Võ Văn Thưởng: 1 – 0.
Theo giới quan sát, còn quá sớm để đánh giá và kết luận phe nào thắng, phe nào bại. Nhưng chắc chắn, cuộc quyết đấu là trận cuối một mất một còn, với cái giải to tướng là chiếc ghế Tổng Bí thư của ông Trọng để lại.
Nhưng đừng quên, trước Đại hội 13, cũng vì chuyện “chó tranh xương”, khi ông Nguyễn Xuân Phúc, trong vai trò “trường hợp đặc biệt” tương tự ông Trọng, đã cương quyết không đồng ý để ông Trần Quốc Vượng kế nhiệm Tổng Bí thư. Cuối cùng, ông Trọng nổi cáu và quyết định ngồi lại ghế Tổng Bí thư nhiệm kỳ thứ 3, bất kể vi phạm Điều 17 của Điều lệ Đảng, không cho phép ngồi ghế Tổng Bí thư liên tiếp quá 2 nhiệm kỳ.
Công luận thấy rằng, các phe cánh trong nội bổ Đảng bơn bớt việc “chó tranh xương”, đừng để Tổng Trọng một lần nữa lại chơi chiêu “nước đục thả câu”, mà ông Trọng đã từng sử dụng điêu luyện./.
Trà My – Thoibao.de