Chuẩn bị xua tuyên giáo dọn đường cho Trung Quốc hốt dự án đường sắt cao tốc?

Đại Dự án Vành đai Con đường của Tập Cận Bình là một tính toán thâm hiểm. Lợi dụng những chính quyền tham nhũng để gài quốc gia đó dính bẫy nợ. Trong những nước từng bị Tập dụ tham gia dự án này, có Ý – một cường quốc trong khối G7.

Đối với các nước giàu thì Tập khó mà gài bẫy nợ, bởi tại những nơi này, tham nhũng thấp và tính minh bạch được đề cao. Tuy nhiên, hồi tháng 7, khi trả lời báo Corriere della Sera, Bộ trưởng Quốc phòng Ý Guido Crosetto cho rằng, tham gia sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc là một quyết định “thiếu chuẩn bị và sai lầm. Nó không làm được gì nhiều để thúc đẩy xuất khẩu của Ý sang Trung Quốc, trong khi lại giúp tăng xuất khẩu từ Trung Quốc sang Ý”.

Đối với một cường quốc G7, mà còn bị dính những vấn đề trong dự án Vành đai Con đường của Tập, thì làm sao những nước nghèo đủ sáng suốt để nhận ra vấn đề này? Ví dụ như Sri Lanka, khi bị Trung Quốc cấn trừ cảng biển 99 năm, thì họ mới vỡ lẽ là dính bẫy.

Đảng Cộng sản Việt Nam chắc chắn không đủ sáng suốt để thấy được những cái bẫy trong dự án của Tập. Mà cho dù có thấy, họ cũng không mấy quan tâm. Họ chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân khi dự án Vành đai Con đường được triển khai ở Việt Nam. Lúc đó, khối quan chức hưởng lợi, tiền đầy nhà, còn phần thiệt hại thì nhường lại cho đất nước lãnh đủ.

Việc Đảng Cộng sản Việt Nam chần chừ chưa tham gia vào đại dự án này, không phải vì họ sáng suốt, mà thực chất, họ chỉ đang thăm dò phản ứng của người dân. Khi họ cảm thấy đủ khả năng để trấn áp mọi sự phản đối, thì họ sẽ làm, chứ họ khó tách khỏi quỹ đạo của Trung Cộng. Tham gia vào đại dự án Vành đai Con đường là cơ hội kiếm ăn lớn, nên không quan chức nào từ chối.

Đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn đang bỏ ngỏ khả năng tham gia dự án này. Với việc thường xuyên cử Chủ tịch nước tham gia Diễn đàn cao cấp “Vành đai Con đường”, cho thấy, Đảng Cộng sản rất muốn tham gia, nhưng khổ nỗi, dân không chịu. Những vấn đề liên quan tới Tàu là dân Việt phản ứng rất mạnh, đấy chính là điều mà Đảng Cộng sản Việt Nam lo ngại, chứ họ không hề lo ngại rằng, dự án này có lợi hay có hại cho đất nước. Miễn sao có lợi cho Đảng và có lợi cho quan chức, thì họ sẽ làm.

Sau khi ông Võ Văn Thưởng tham gia Diễn đàn cao cấp “Vành đai Con đường” trở về, thì phía Trung Quốc lên tiếng muốn nhận thầu dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam. Tuy nhiên, để nhà thầu Trung Quốc nhảy vào một dự án lớn là cả vấn đề, vì phải làm sao để dẹp yên sự phản đối của dân.

Ngày 30/10, báo Cafebiz lên bài viết có tiêu đề “Một cường quốc 3 lần từ chối Nhật, phớt lờ yêu cầu của Mỹ, chi 480 tỷ USD mời công nghệ Trung Quốc xây công trình quốc gia”. Nội dung đề cập đến việc nước Anh phải nhờ đến công nghệ xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc.

Tuy nhiên, bài báo này lấy nguồn tin từ  Baidu và Hoàn Cầu Thời báo – những tờ báo nô bộc của Đảng Cộng sản Trung Quốc – nên không khả tín. Nếu lấy nguồn từ những tờ báo lớn của Anh Quốc thì độ tin cậy cao hơn.

Giả sử, Anh Quốc có mời thầu Trung Quốc làm đường sắt cao tốc, thì Anh Quốc vẫn có thể buộc nhà thầu Trung Quốc thực hiện đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng. Bởi cách quản lý của người Anh bao lâu nay là minh bạch, tránh tham nhũng, cho nên không dễ gì họ dính bẫy. Hơn nữa, các nhà thầu Trung Quốc khi thực hiện dự án tại các nước giàu, họ buộc phải làm tốt hơn, so với khi thực hiện dự án tại các nước nghèo. Chất lượng hàng Trung Quốc không đồng nhất, nó tùy thuộc vào thị trường.

Thực ra, bài báo này được đưa lên là để thăm dò phản ứng của người dân, cũng như để dọn đường cho nhà thầu Trung Quốc nhảy vào dự án lớn của Việt Nam. Dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam lên đến 60 tỷ đô la Mỹ, số tiền rất lớn. Đấy là cơ hội để những quan chức Cộng sản làm giàu, nên họ sẽ tìm mọi cách mời Trung Cộng vào, bất chấp Trung Quốc đã để lại của nợ Cát Linh – Hà Đông sờ sờ ra đó.

Ý Nhi – Thoibao.de