Vụ xét xử bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn với Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh không làm rộn ràng dư luận trong nước nhiều, bởi mấy ngày qua, dư luận chú tâm vào câu chuyện của chân dài Ngọc Trinh.
Tuy nhiên, dư luận quốc tế thì lại rất quan tâm đến vụ án của bà Nhàn. Ngày 24/10, tờ Nikkei Asia đã đăng bài bình luận với tựa đề “Vụ án tham nhũng “bà Nhàn” thuộc lĩnh vực chính trị”.
Theo Nikkei Asia, phiên tòa diễn ra ở Quảng Ninh có mục đích nhắm vào ông Phạm Minh Chính – đương kim Thủ tướng. Bởi ông Chính là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh giai đoạn 2011 – 2015. Ông Chính được xem là đối thủ của ông Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trong Đảng Cộng sản, đồng thời vụ án có thể liên quan đến một cuộc tranh giành quyền lực trong Đảng. Ắt không khó để nhận ra, đấy chính là việc tranh giành chức vụ Tổng Bí thư Đảng Cộng sản trong nhiệm kỳ tới.
Những mối quan hệ phức tạp của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn với bộ máy chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, bị khui ra từ nước ngoài. Sau đó, các tờ báo Việt ngữ ở nước ngoài thông tin lại cho bạn đọc trong nước. Dù bị chính quyền Cộng sản tìm mọi cách ngăn chặn, nhưng tin tức vẫn từ bên ngoài lọt vào trong nước. Hiện nay, người dân Việt Nam có xu hướng tìm những trang tin bằng tiếng Việt có trụ sở ở nước ngoài, để hóng tin.
Việc xét xử mà vắng mặt bà Nhàn là một thất bại của ông Tô Lâm và của cả ông Nguyễn Phú Trọng. Tờ Nikkei Asia có dẫn lại lời của ông Nguyễn Phú Trọng phát biểu hồi tháng 8 rằng: “Tội phạm sẽ không trốn thoát, chúng tôi sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để đưa Nguyễn Thị Thanh Nhàn ra trước công lý”.
Câu nói này của ông Trọng sẽ gây áp lực rất lớn lên vai ông Tô Lâm. Và có lẽ, Tô Lâm đã tìm mọi cách để bắt bà Nhàn, nhưng chưa thành công. Tờ báo Nhật này nhắc lại thông tin, vào tháng 8, một tờ báo của Đức đưa tin bà Nhàn đang lẩn trốn ở Đức. Điều này gợi nhớ đến một vụ án trước đó, xảy ra vào năm 2017, khi một nghi phạm tham nhũng khác từ Việt Nam trốn sang Đức.
Trong báo cáo Quốc hội về hoạt động tương trợ tư pháp năm 2023, ông Lê Thành Long – Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã cho biết, Việt Nam đã gửi các nước 13 yêu cầu dẫn độ, 40 yêu cầu giao người đang chấp hành hình phạt tù. Còn tờ báo TAZ của Đức thì cho biết, phía Việt Nam có gửi đề nghị dẫn độ bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, nhưng bị phía Đức từ chối. Có lẽ, yêu cầu dẫn độ của phía Việt Nam gửi cho phía Đức, là 1 trong 13 yêu cầu trên.
Cho tới thời điểm này, nhiệm vụ bắt bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn mà Tổng Bí thư yêu cầu, thì ông Tô Lâm vẫn chưa thực hiện được. Ông Tô Lâm đang rất khó, bởi bắt bà Nhàn chỉ có thể thực hiện hiện theo hai cách, hoặc là yêu cầu dẫn độ, hoặc là bắt cóc, còn kêu gọi đầu thú để hưởng khoan hồng chỉ là cầu may, không dọa được bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn.
Yêu cầu dẫn độ thì bị bác bỏ, bắt cóc lần nữa thì rất rủi ro. Nếu ông Tô Lâm mà thực hiện một vụ bắt cóc nữa trên đất nước Đức, thì e rằng, nạn nhân không phải là bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, mà đó là nhóm bắt cóc theo lệnh của Tô Lâm. Bắt Nguyễn Thị Thanh Nhàn đang là nhiệm vụ bất khả thi đối với ông Tô Lâm.
Ngày 4/5/2022, tờ The Diplomat của Anh Quốc từng đăng bài viết của tác giả David Hutt, có đề cập đến vai trò của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn trong chính trường Việt Nam. Tác giả này nói rằng, theo nguồn tin không thể kiểm chứng, thì bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn là tình nhân cũ của cả đương kim thủ tướng Phạm Minh Chính, và đương kim Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang. Đối với một số người, lệnh bắt giữ bà Nhàn bắt nguồn từ cuộc chiến đang diễn ra giữa các chính trị gia cấp cao nhất của đất nước.
Tác giả David Hutt không nêu đích danh “một số người” muốn bắt giữ bà Nhàn là ai. Tuy nhiên, không khó đoán, đấy chính là ông Nguyễn Phú Trọng. Ngoài ra, còn có Vương Đình Huệ và Tô Lâm, những người đứng cùng phe với ông Tổng Bí thư. Và chính tờ báo Nikkei Asia cũng đã trích dẫn lời của ông Nguyễn Phú Trọng như thế.
Bà Nhàn là con cờ lớn trên bàn cờ chính trị của Đảng Cộng sản. Nguyễn Phú Trọng đang cố ép Tô Lâm bắt cho bằng được nữ doanh nhân này, tuy nhiên, cho đến nay, ông Tô Lâm vẫn đang bí đường, chẳng có giải pháp nào khả dĩ.
Ý Nhi – Thoibao.de