Link Video: https://youtu.be/0h2FgmWXFgw
VOA Tiếng Việt ngày 19/10 có bài “Lý do Hà Nội không bắn đại bác đón Tổng thống Biden: Những tiết lộ của Thứ trưởng Hà Kim Ngọc về “chiến dịch 57 ngày” nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ”
Theo đó, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, người từng là Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, đã tiết lộ tại Câu lạc bộ Thăng Long ở Hà Nội, về những thông tin mà ông gọi là “câu chuyện bếp núc” cho việc chuẩn bị và đón tiếp Tổng thống Joe Biden tới thăm Việt Nam, để nâng cấp mối quan hệ vượt hai bậc chưa từng có tiền lệ, giữa hai nước cựu thù vào tháng trước.
Theo VOA, ông Hà Kim Ngọc tiết lộ, công việc chuẩn bị đón tiếp ông Biden tại Hà Nội chỉ bắt đầu vào đầu tháng 7, sau khi tình thế “xoay chuyển” từ việc Tổng Bí thư Trọng không thể sang Mỹ nên Tổng thống Biden phải đi Việt Nam để nâng cấp mối quan hệ.
VOA cho biết, trong buổi nói chuyện dài gần 1 tiếng rưỡi đồng hồ, ông Ngọc đã tiết lộ với các lãnh đạo lão thành của Đảng về lý do tại sao Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ vượt 2 bậc. Theo đó, nếu chỉ nâng một cấp thì “Mỹ họ tâm tư”, đồng thời “điều kiện cũng khá chín muồi” để nâng lên đối tác chiến lược toàn diện.
“Thường thì nâng cấp quan hệ với Mỹ thì các quốc gia phải đến Mỹ và tuyên bố trên đất Mỹ, nhưng lần này ông (Biden) lại đi Việt Nam và cùng với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên bố nâng cấp,” ông Ngọc nói và cho biết, phía Mỹ đã phải điều chỉnh lại các chương trình hoạt động đối ngoại cấp cao để Tổng thống Biden thăm Việt Nam, vì Hà Nội không có trong lịch trình thăm của người đứng đầu Nhà Trắng trong năm 2023.
VOA cho hay, có nhiều ý kiến khác nhau trong nội bộ của chính phủ Việt Nam về việc đón tiếp Tổng thống Mỹ, theo ông Ngọc, việc Tổng Bí thư Trọng chủ trì lễ đón tiếp là quyết định của Bộ Chính trị.
Theo tiết lộ của ông Ngọc, Tổng thống Biden đã cắt ngắn thời gian tại cuộc họp G20 ở Ấn Độ, để tới Việt Nam từ ngày 10/9, cho lễ đón chính thức vào buổi chiều, thay vì ngày hôm sau vốn có thể rất nắng, nhằm đảm bảo sức khỏe cho ông Trọng.
Ông Ngọc cho biết, ông đã phải thay đổi thông lệ và áp dụng các “thủ pháp” nhằm đảm bảo hình ảnh của ông Trọng được “lung linh”. Ví dụ như, cho đội đội danh dự và đội diễu binh của Đảng đi qua trước mặt ông Trọng và ông Biden, vì ông Trọng không thể đi lại như một người bình thường để duyệt đội danh dự.
Ông Ngọc cũng bố trí một thanh ngang “mạ vàng buộc nơ” để ông Trọng vịn vào, khi đứng cùng Tổng thống Biden trong lễ đón ở Phủ Chủ tịch hôm 10/9. Đồng thời, ông Ngọc phải dùng các “tiêu binh” hay “các cháu vẫy cờ”, hoặc bố trí các cảnh vệ đứng làm “lá chắn”, để phóng viên không quay được cảnh ông Trọng bước xuống xe, vì ông có thể vấp ngã và bị quay vào ống kính phóng viên.
Việt Nam cũng yêu cầu Mỹ cắt phần hỏi đáp của phóng viên sau cuộc họp tuyên bố nâng cấp quan hệ của Tổng Bí thư Trọng và Tổng thống Biden, vì theo ông Ngọc, ông Trọng “mà phải trả lời báo chí thì có lẽ ứng phó sẽ không thể nhanh nhẹn như trước được”.
“(Việc bắn đại bác) đã được bàn kỹ trong các phương án đón (Tổng thống Biden) của (Việt Nam),” ông Ngọc nói. “(Nhưng phía Mỹ) không quan tâm nhiều lắm đến nghi thức đón. Bản thân họ rất đơn giản”.
Vẫn theo lời ông Ngọc, phía Mỹ cũng không yêu cầu trải thảm đỏ, vì phía Mỹ sợ “Tổng thống của họ không may đi vấp chân một cái”.
VOA cho biết thêm, ông Biden, 82 tuổi, cũng từng có một số lần vấp ngã khi đi lên xuống cầu thang máy bay Air Force One trước đây.
Một yếu tố khác được Việt Nam xem xét để quyết định không bắn đại bác là sự “có đi có lại trong ngoại giao”.
“Nếu ta bắn 21 loạt đại bác ở đây mà sang Mỹ bạn lại không bắn thì sao?,” ông Ngọc nói. “Lúc đó ta cảm giác bạn không tôn trọng ta mà Mỹ họ lại không bắn (đại bác)”.
Hoàng Anh
>>> Vì sao Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Ninh Bình lại thách thức dân?
>>> Vì sao Đà Nẵng liên tục bị ngập nặng những ngày qua?
>>> Sữa có chất kịch độc trong vụ 2 mẹ con chết sau khi uống sữa ở Tiền Giang
>>> Sự nguy hại của dự án kênh đào Đế chế Phù Nam
Bức tranh tham nhũng tại Việt Nam năm 2023