Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 8, khóa 13, dự kiến sẽ khai mạc vào trung tuần tháng 10/2023. Với nội dung tập trung bàn về công tác nhân sự cho Đại hội Đảng lần thứ 14, dự kiến sẽ diễn ra vào đầu năm 2026. Được biết, sau Hội nghị Trung ương 8, Quốc hội sẽ tiến hành thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm.
Báo Tuổi trẻ ngày 18/9 cho biết, tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, dự kiến sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn, ngay trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 6 vào ngày 23/10 tới đây.
Theo dự kiến, sau khi nghe báo cáo kết quả thảo luận tại các đoàn, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín, và kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ được công bố vào chiều ngày 24/10.
Theo quy định hiện hành, Quốc hội bầu và phê chuẩn một số chức danh, và các chức danh này sẽ được Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ. Trong đó, 3 chức danh trong “tứ trụ”, gồm Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thủ tướng Phạm Minh Chính, cũng nằm trong số các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.
Dư luận đánh giá, kết quả lấy phiếu tín nhiệm kỳ này đối với Thủ tướng Phạm Minh Chính là hết sức quan trọng. Vì nếu ông Chính không đạt tỷ lệ phiếu “tín nhiệm cao”, thì khả năng cao là ông Chính khó có thể trụ lại trên chiếc ghế Thủ tướng, dù Thủ tướng Chính đã bất ngờ đã vượt qua một cách ngoạn mục trong Hội nghị Trung ương 7 khóa 13 (5/2023).
Trước Hội nghị Trung ương 7 (5/2023), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần bóng gió nhắc đến bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC, người đã bị xử bản án khiếm diện 30 năm, nhưng đã bỏ trốn. Ông Trọng từng khẳng định, “trốn cũng không trốn được đâu, bà con cứ chờ mà xem”.
Gần đây, cuối tháng 8/2023, Bộ Công an cũng lặp lại lời kêu gọi bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn về nước đầu thú, sau khi Bộ này truy tố bà Nhàn trong vụ án thứ ba, với cáo buộc chỉ đạo cấp dưới dùng các công ty con làm “quân xanh”, để AIC trúng thầu tại dự án mua sắm trang thiết bị Bệnh viện Sản – Nhi Quảng Ninh hồi năm 2012. Điều đó chứng tỏ, “cam kết” của Tổng Bí thư Trọng với cử tri đã thất bại. Do vậy, chuyện Tổng Trọng cay cú với Thủ Chính là điều tất nhiên.
Mới nhất, cựu Bí thư Quảng Ninh – người kế nhiệm ông Phạm Minh Chính – đã chính thức bị “sờ gáy”. Cụ thể, ông Nguyễn Văn Đọc, cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, vừa bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị xem xét kỷ luật, do “có sai phạm liên quan AIC, FLC”. Ông Đọc là người kế nhiệm ông Phạm Minh Chính ở vị trí Bí thư Quảng Ninh trong giai đoạn 2015 – 2019.
Theo báo VnExpress hôm 21/9, ông Đọc cùng các thuộc cấp tại Tỉnh ủy Quảng Ninh bị cáo buộc, “đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, để Ủy ban Nhân dân tỉnh và nhiều tổ chức, cá nhân, vi phạm quy định trong quản lý, thực hiện các gói thầu do Công ty Tiến Bộ Quốc Tế (AIC), các công ty trong hệ sinh thái AIC và tập đoàn FLC thực hiện.” Và hành vi của ông Đọc bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương quy kết là, “gây hậu quả rất nghiêm trọng, thiệt hại và nguy cơ thiệt hại, lãng phí lớn tiền, tài sản Nhà nước, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.”
Cho đến nay, còn chưa rõ ông Nguyễn Văn Đọc có bị xóa bỏ tư cách “cựu Bí thư”, hay thậm chí vướng vòng lao lý, vì các sai phạm vừa kể hay không.
Điều đáng nói, từ lâu nay, ông Phạm Minh Chính, Thủ tướng Việt Nam, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh giai đoạn 2011 – 2015, đã bị công luận đồn đoán là có “quan hệ mây mưa” với bà Nhàn. Cuộc điều tra về vụ án tham nhũng tại tỉnh Quảng Ninh trong thời gian ông Chính là Bí thư Tỉnh ủy, được báo chí trong nước tường thuật như là chuyện không liên quan đến ông này. Nhưng nhật báo Haaretz của Israel thì khẳng định, ông Phạm Minh Chính bị đưa vào “tầm ngắm” trong cuộc chiến chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng, mà thực chất là cuộc chiến quyền lực, triệt hạ phe phái trong nội bộ Đảng.
Hồi đầu tháng 8/2023, báo Taz của Đức cho hay, bà Nhàn đang ẩn náu ở Đức sau một thời gian ở Anh, và đang “đối diện nguy cơ bị bắt cóc về Việt Nam”. Báo này cũng cho biết, theo nguồn tin riêng của họ, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng 7 thuộc cấp tại Công ty AIC, đã nhanh chân lên máy bay đi ra ngoại quốc, trước khi bị công an tới bắt và xét nhà vào ngày 29/4/2022, liên quan tới vụ “thông thầu” xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.
Theo Bộ Công an, đã có 2/7 thuộc cấp thân cận của bà Nhàn AIC về nước “đầu thú”. Điều đó cho thấy, vòng vây với “cựu Bí thư” Nguyễn Văn Đọc đang khép chặt dần. Và liệu Thủ tướng Chính có bị ảnh hưởng hay không?
Xin nhắc lại, việc Bộ Công an khởi tố, truy nã bà Nhàn AIC, muốn bằng mọi giá đưa bà về Việt Nam theo lệnh của Tổng Bí thư Trọng, mục đích là để truy tội Phạm Minh Chính. Lấy cớ để gạt ông Chính ra khỏi cuộc đua vào chiếc ghế Tổng Bí thư, sau khi ông Trọng nghỉ vào cuối Đại hội 13.
Trà My – Thoibao.de