Hiện nay, Việt Nam đã có 5 mối quan hệ quốc tế được nâng lên tầm đối tác chiến lược toàn diện, có thể kể ra như: với Nga từ năm 2021, với Ấn Độ từ năm 2007, với Tàu từ năm 2008, với Hàn Quốc 2009, và với Mỹ năm 2023. Trong đó, người ta chú ý mối quan hệ giữa Việt Nam với 2 cường quốc mạnh nhất hiện nay, đấy là Mỹ và Tàu.
Đối tác chiến lược toàn diện hay còn gọi là đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, tức là hai hay nhiều bên xác định gắn bó lợi ích lâu dài, hỗ trợ lẫn nhau, thúc đẩy sự hợp tác sâu rộng và toàn diện, trên tất cả các lĩnh vực mà các bên cùng có lợi. Trong bản tuyên bố chung giữa Mỹ và Việt Nam có đề cập đến rất nhiều lĩnh vực hợp tác như: chính trị – ngoại giao; kinh tế – thương mại – đầu tư; hợp tác số, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; hợp tác giáo dục – đào tạo; hợp tác về khí hậu, năng lượng, môi trường và y tế; hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh; văn hóa – giao lưu nhân dân – thể thao – du lịch; quốc phòng – an ninh; thúc đẩy và bảo vệ quyền con người; phối hợp về các vấn đề khu vực và quốc tế.
Đúng là hợp tác về rất nhiều mặt, tuy nhiên, không khó để nhận ra, có những lĩnh vực mà Đảng Cộng sản ký, nhưng sẽ không bao giờ thay đổi. Đó là quan hệ chính trị – ngoại giao; giáo dục đào tạo; quốc phòng – an ninh; thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.
Về chính trị, thì nay, Mỹ đã chấp nhận sự khác biệt thể chế, nghĩa là, về chính trị, Việt Nam đã, đang và sẽ ngã về Trung Quốc. Đây là vấn đề mấu chốt, bởi chính trị mà gần Mỹ thì không an toàn cho Đảng, nên Đảng sẽ không bao giờ chấp nhận. Còn gần Trung Quốc thì an toàn cho Đảng, nhưng không thể vực dậy nền kinh tế đang kiệt quệ, vì bản thân Trung Quốc cũng đang suy thoái trầm trọng.
Về giáo dục thì Đảng Cộng sản chỉ nói là hợp tác, nhưng họ sẽ không thay đổi giáo dục theo chiều hướng tự do, tiến bộ như Mỹ. Bởi mới đây, cụ thể là ngày 18/8 vừa qua, ông Tô Lâm cho ông Thứ trưởng Lương Tam Quan làm việc với Bộ Giáo dục, ra Thông tư liên tịch để ngăn cản học sinh – sinh viên tiếp cận giáo dục nước ngoài, vì có nguy cơ chuyển biến về tư tưởng.
Về quốc phòng an ninh thì Việt Nam không dám gần Mỹ. Mặc dù những năm gần đây, tàu sân bay Mỹ có ghé Việt Nam, nhưng đấy chỉ là ghé xã giao, không có hợp tác sâu với Mỹ. Bởi trong sách trắng quốc phòng Việt Nam đã thể hiện rõ sự cự tuyệt với Mỹ, bằng chính sách 4 không, “không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”. Đây được xem là chính sách giúp Trung Cộng an tâm, bởi Mỹ không thể xích lại gần hơn với Việt Nam về mặt quân sự.
Về phương diện thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, thì quả thật, nhân quyền của Việt Nam ngày một tồi tệ. Tù nhân lương tâm ngày một nhiều, manh động đến mức, Tô Lâm còn cho người sang Thái Lan bắt cóc người về nước để bỏ tù không chỉ một lần. Đàn áp nhân quyền là công cụ để bảo vệ chế độ của Đảng Cộng sản, nên không bao giờ Đảng cải thiện, mà ngược lại, họ ngày một mạnh tay hơn.
Việc ký tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ, chẳng qua là để khai thác thị trường Mỹ. Năm 2022, thị trường Mỹ mang lại cho Việt Nam gần 95 tỷ đô la qua trao đổi thương mại, nhưng thị trường Trung Quốc lại hút của Việt Nam trên 60 tỷ đô la. Không đu Mỹ thì sẽ bị Tàu hút cạn tiền, lúc đó thì nền kinh tế Việt Nam tan nát sớm.
Việc đu dây giữa Mỹ và Trung Quốc là chính sách nhất quán mà Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra và thống nhất thực hiện. Họ gọi là “ngoại giao cây tre”, ý là “uyển chuyển” như cây tre. Tuy nhiên, người dân dùng từ “đu dây” là chính xác hơn. Có ý kiến nhận xét rằng, Đảng Cộng sản có DNA của loài khỉ, không thể bỏ cái bản chất đu dây ra khỏi con người họ được. Họ phải đu, bởi Mỹ đảm bảo cho họ về kinh tế, Tàu đảm bảo cho họ mặt chính trị.
Ý Nhi – Thoibao.de