Nói về tư cách thì ông Nguyễn Phú Trọng chỉ là người đứng đầu Đảng, không phải là nguyên thủ quốc gia. Nguyên thủ quốc gia của Việt Nam, trên danh nghĩa là Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ là nguyên thủ quốc gia. Lẽ ra, người mời Tổng thống Mỹ sang thăm phải là ông Võ Văn Thưởng mới đúng. Nhưng lần này, ông Nguyễn Phú Trọng lại là người mời Tổng thống Joe Biden sang thăm Việt Nam.
Nguyên thủ quốc gia ở Việt Nam chỉ có tính chất lễ nghi, chứ không có thực quyền. Tuy nhiên, trong các nghi lễ quốc tế chính thức, thì Đảng Cộng sản Việt Nam cũng cần tôn trọng ông Chủ tịch nước. Lần đón tiếp Tổng thống Mỹ Joe Biden vào lúc 16 giờ 30 ngày 10/9, tại Phủ Chủ tịch, lại do ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, chứ không phải ông Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Như vậy, ông Trọng đã hất Võ Văn Thưởng sang một bên, khi đón tiếp Tổng thống Mỹ lần này. Ông Thưởng làm Chủ tịch nước, là nguyên thủ quốc gia, nhưng đã bị ông Nguyễn Phú Trọng xem như là “chim lồng, cá kiểng”.
Đón tiếp Tổng thống Mỹ đúng nơi, nhưng không đúng người. Biết rằng, người có thực quyền của chính quyền Cộng sản là ông Tổng Bí thư, chứ không phải ông Chủ tịch nước, phía Mỹ cũng biết điều đó. Tuy nhiên, nghi thức vẫn phải làm đúng theo những gì mà luật pháp quy định. Theo Điều 86 Hiến pháp 2013, ghi rõ “Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại”. Ngoài ra, Điều 3 Nghị định số 18/2022/NĐ-CP, về nghi lễ đối ngoại cũng quy định, “Nguyên thủ Quốc gia nước khách là khách mời của Chủ tịch Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”. Vậy mà, ông Trọng lại đạp lên luật pháp, hất Chủ tịch nước và tự đóng vai chính trong lễ đón tiếp Tổng thống Mỹ.
Với một Tổng Bí thư ỷ quyền lớn, không ai dám làm gì, mà đạp lên luật pháp, thì làm sao đất nước này có kỷ cương phép nước được? Trước khi đón Tổng thống Mỹ, ông Nguyễn Phú Trọng đã đón “sứ giả” của ông Tập Cận Bình. Chỉ có đối với ông Tập là ông Tổng Bí thư biết “kính trên nhường dưới”, còn đối với luật pháp Việt Nam, ông vô tư mà đạp.
Ông Trần Đại Quang, cựu Chủ tịch nước, một trong 3 nhân vật tạo phản đã phải mất mạng. Có lẽ, người ngồi vào ghế Chủ tịch nước hiện nay cũng chẳng dám đòi hỏi gì nhiều, mặc dù biết rõ, bản thân mình đang bị ông trùm Đảng hất ra rìa trong buổi lễ đón tiếp Tổng thống Mỹ.
Đến ngày hôm sau, tức ngày 11/9, ông Võ Văn Thưởng mới “được” chủ trì tiệc chiêu đãi cấp Nhà nước đối với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Chuyện tổ chức yến tiệc không phải là chuyện quốc gia đại sự, chuyện quốc gia đại sự là việc ký nâng cấp mối quan hệ hai nước. Trong trường hợp này, ông Thưởng đã bị gạt ra rìa, mặc dù ông Thưởng còn trẻ và sức khỏe của ông đảm bảo tốt cho buổi lễ đón tiếp. Đây là nỗi nhục khó nuốt cho một ông Chủ tịch nước. Danh nghĩa là nguyên thủ quốc gia, mà bị ông đứng đầu Đảng chẳng xem ra gì.
Trong lần đón tiếp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Phủ Chủ tịch, ông Nguyễn Phú Trọng đi không vững, phải có vệ sĩ cao lớn luôn sát nách ông, sẵn sàng đưa tay ra xốc vai ông khi ông sắp ngã. Sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng hiện nay rất yếu, phần vì di chứng của lần ngã bệnh bí hiểm ở Kiên Giang cách đây 4 năm, phần vì tuổi tác của ông đã quá lớn, hiện nay đã 79 tuổi. So sánh hai người trong buổi lễ đón tiếp tại Phủ Chủ tịch cho thấy, ông Trọng yếu hơn Tổng thống Mỹ rất nhiều, mặc dù Tổng thống Mỹ lớn hơn ông 2 tuổi. Già yếu nhưng vẫn bám ghế, vẫn lạm dụng quyền lực một cách vô giới hạn. Cả Đảng Cộng sản Việt Nam đang cúi đầu trước một ông già gần đất xa trời.
Quyền lực của vị trí Tổng Bí thư hiện nay sẽ như là một tiền lệ, sau ông Nguyễn Phú Trọng, sẽ lại có thêm những ông lộng quyền nữa. Với quyền lực đang nắm hiện nay, ai thừa hưởng chiếc ghế ông Nguyễn Phú Trọng để lại, cũng sẽ thừa hưởng cả sức mạnh không ai sánh bằng của ông. Trong chính quyền Cộng sản Việt Nam hiện nay, quyền lực của tứ trụ đang dồn về một trụ.
Ý Nhi – Thoibao.de