Link Video: https://youtu.be/qEWSTcnh_2U
Ngày 8/8, báo Người Việt có bài “Suy nghĩ từ án tử hình Nguyễn Văn Chưởng” của tác giả Hiếu Chân.
Tác giả điểm qua các mốc của vụ án, theo đó, Nguyễn Văn Chưởng, sinh năm 1983, quê quán huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, bị buộc tội giết chết ông Nguyễn Văn Sinh, Thiếu tá Cảnh sát Hình sự thành phố Hải Phòng, vào tháng 7/2007. Anh Chưởng bị tuyên án tử hình trong các phiên tòa sơ thẩm (tháng 6/2008), phúc thẩm (tháng 11/2008), và giám đốc thẩm (tháng 12/2011).
Nhưng bản án chưa thi hành được vì có nhiều khuất tất, oan sai. Sau đó, bản án bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao “kháng nghị”, đòi xét xử lại theo hướng giảm nhẹ hình phạt xuống tù chung thân, phạm nhân và gia đình liên tục kêu oan và dư luận phản đối gay gắt.
Cho đến ngày 4/8 vừa qua, Toà án Nhân dân thành phố Hải Phòng bất ngờ gửi công văn cho gia đình, yêu cầu “có đơn xin nhận tử thi hay nhận tro cốt của tử tù sau khi thi hành án”. Cái công văn tàn nhẫn, lạnh lùng đó làm cho tất cả những ai còn lương tri đều bị sốc, và một lần nữa, vụ án oan của tử tù Nguyễn Văn Chưởng được xới lên trên mạng xã hội, và thu hút sự quan tâm của các tổ chức nhân quyền quốc tế.
Tác giả nhận định, vụ hành quyết tử tù Nguyễn Văn Chưởng gây rúng động dư luận ở Việt Nam, một lần nữa cho thấy bản chất phi nhân của một nhà nước công an trị, trong đó, bất kỳ công dân nào cũng có nguy cơ bị tù tội, bị tước bỏ sinh mạng một cách tùy tiện, bằng những bản án bất công và phi lý của một hệ thống tư pháp què quặt.
Dưới các chế độ độc tài, guồng máy tư pháp chỉ là công cụ của thế lực cầm quyền, hành xử theo nguyên tắc “thà giết lầm hơn bỏ sót,” lấy bạo lực để gieo rắc sợ hãi cho toàn xã hội.
Theo tác giả, trước Nguyễn Văn Chưởng, đã có những “tử tù” Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long, Huỳnh Văn Nén… bị kết án tử hình dựa trên lời khai “nhận tội” để rồi nhiều năm sau được minh oan và trả tự do. Hiện nay, cùng hoàn cảnh với Nguyễn Văn Chưởng còn có Hồ Duy Hải ở Long An, mà bản án tử hình của anh đã nhiều lần bị dư luận phản đối gay gắt.
Trong vụ án oan này, tác giả cho biết, không chỉ Nguyễn Văn Chưởng, nghi can chính của vụ án, mà ngay cả những nhân chứng khẳng định họ đã gặp anh cách nơi xảy ra án mạng tới 40 cây số vào thời điểm oan nghiệt ấy, cũng bị công an tra tấn dã man, để buộc họ phải thay đổi lời khai, nhằm xóa bằng chứng ngoại phạm của nghi can.
Tác giả dẫn trường hợp các nhân chứng Trần Quang Tuất và Trịnh Xuân Trường, là những người xác nhận bằng chứng ngoại phạm cho anh Chưởng, đều có đơn tố cáo việc bị công an tra tấn, ép cung. Anh Trường khai bị công an tên Phong dùng đầu điếu thuốc lá đang hút, châm bỏng cả hai cánh tay. Còn anh Tuất bị chửi bới, khóa tay vào ghế suốt ngày, bị đấm vào đầu, dọa bắt giam…
Những thông tin về bức cung, ép cung trong vụ án Nguyễn Văn Chưởng không chỉ được đồn đãi trong dư luận, mà được trình bày trước tòa và có trong các bài tường trình của báo chí nhà nước trong thời gian đầu của vụ án “nhiều khuất tất”.
Tác giả nhận xét, ấy thế nhưng giới lãnh đạo Cộng sản Việt Nam dường như không thèm đếm xỉa tới đạo lý, coi mạng người như cỏ rác. Một khi công an – lực lượng “còn Đảng còn mình” khét tiếng tàn ác – đã kết luận, thì coi như đó là chân lý. Một thứ chân lý đẫm máu người, mọc lên từ những trận đòn thù ác độc.
Tác giả cũng nhắc lại rằng, năm 2013, Việt Nam đã ký tham gia Công ước Chống tra tấn và Các Hình thức Trừng phạt hay Đối xử Tàn ác Vô Nhân đạo, hoặc Hạ thấp Nhân phẩm, đã được Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 10/12/1984 – nên cộng đồng quốc tế có quyền và nghĩa vụ buộc Chính phủ Việt Nam phải thực hiện đúng cam kết.
Nhưng dưới chế độ độc tài Cộng sản, thì e rằng, số phận của hai tử tù Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải, cùng bao nhiêu “tử tù dự khuyết” khác nữa, đã được an bài trong tuyệt vọng.
Minh Vũ
>>> “Báo chí Cách mạng” chiến đấu hết mình vì Đảng, nhưng im lặng trước việc tử hình oan
>>> Đức từ chối tất cả đơn xin dẫn độ về Việt Nam, sau vụ Trịnh Xuân Thanh
>>> Tình trạng “tiêu chuẩn kép” trong ngành tư pháp Việt Nam
>>> Hết “lùa gà” giờ Hoài Linh lại bẫy chim
Những bằng chứng oan sai trong vụ án Nguyễn Văn Chưởng