Ngày 19/7, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, ông Hoàng Quốc Vượng – Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN, sẽ nghỉ hưu từ 1/1/2024.
Được biết, ông Hoàng Quốc Vượng sinh năm 1963, tốt nghiệp trường Đại học Địa chất thăm dò Moscow. Ông Vượng trải qua nhiều vị trí công tác trong ngành Công thương, từng được điều động làm Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên. Tháng 8/2010, ông Vượng được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng điều động và bổ nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Công thương.
Đến tháng 9/2012, ông Nguyễn Tấn Dũng lại điều động ông Vượng giữ chức Chủ tập Hội đồng Thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Tới đầu năm 2015, khi mà ông Nguyễn Tấn Dũng yếu sức trên chính trường, ông ta lại điều động ông Vượng quay lại, giữ chức Thứ trưởng Bộ Công thương. Đến tháng 10/2020, ông Hoàng Quốc Vượng được bổ nhiệm làm Chủ tịch Tập đoàn PVN.
Ba đời Bộ trưởng của Bộ Công thương gần đây đều có vấn đề. Ông Vũ Huy Hoàng thì để cho Bộ Công thương nát bét, với những đại công ty mà ông Nguyễn Tấn Dũng lập ra, để tạo nên những “quả đấm thép”, với những đại dự án cực kỳ tốn kém, nhưng không hiệu quả, không hoạt động. Ông Vũ Huy Hoàng đã bị truy tố, còn bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng, đã trốn ra nước ngoài để né tránh luật pháp.
Đến đời ông Trần Tuấn Anh, thì Bộ Công thương tiếp tục nát thêm. 12 đại dự án thua lỗ nhưng không chịu giải tán, mà vẫn tiếp tục duy trì. Việc duy trì các đại dự án này là để lấp liếm, tránh cho những quan chứng dính tới nó bị khui ra. Cho đến nay, 12 đại dự án đó vẫn được nuôi dưỡng. Nếu khui ra hết những đại dự án này, thì ông Trần Tuấn Anh khó mà thoát tội. Hiện nay, ông Trần Tuấn Anh đang làm Trưởng ban Kinh tế Trung ương, với cấp bậc trong Đảng là Ủy viên Bộ Chính trị. Lẽ ra, ông Nguyễn Phú Trọng đã phải quẳng ông Bộ trưởng này vào lò rồi, tuy nhiên, vì mối quan hệ giữa ông Trần Đức Lương và ông Nguyễn Phú Trọng, nên ông Trọng đã tạo vùng cấm riêng cho ông này trong thời gian vừa qua.
Còn ông Bộ trưởng Bộ Công thương hiện nay thì yếu kém quá rõ. Câu chuyện về thiếu điện, thiếu than và thiếu xăng dầu, xảy ra nhiều lần từ năm ngoái đến nay vẫn không có giải pháp. Chính điều này đã đóng góp phần không nhỏ tới sự ổn định của nền kinh tế và đời sống dân sinh. Làm Bộ trưởng mà không đảm bảo được an ninh năng lượng, thì đấy là một câu hỏi to tướng về năng lực, cũng như sự tiêu cực bên trong Bộ Công thương.
Những ngày gần đây, báo chí đang đánh mạnh vào nhiều vấn đề của Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN. Ông Dương Quang Thành, cựu Chủ tịch Tập đoàn này, bỗng nhiên nghỉ hưu non trước thời hạn đến 4 năm. Việc tháo chạy ra khỏi chiếc ghế hái ra tiền như thế này là điều bất thường. Một số nhà quan sát cho rằng, các quan chức lớn của chính quyền Cộng sản dường như “mũi rất thính”, họ đánh hơi được bão sẽ ập đến, và thường tìm cách để tẩu thoát trước.
Tập đoàn Điện lực đã gây uất ức cho toàn dân trong nhiều năm qua. Những chiêu trò móc túi dân quá lộ liễu, khiến dân không thể không phản ứng. Công ty con thì dư tiền gửi ngân hàng, nhưng EVN thì luôn than lỗ để đòi tăng giá điện. Vấn đề tài chính của EVN có dấu hiệu không minh bạch.
Ông Hoàng Quốc Vượng là Chủ tịch EVN giai đoạn từ 2012 đến 2015. Đây là giai đoạn mà EVN bị phản đối, vì mang tiền đi đầu tư ngoài ngành, và để thất thoát, thua lỗ. Không biết EVN đã phù phép gì, mà những vấn đề đó từ từ chìm xuồng, đồng thời không nhân vật nào của EVN bị vấn đề gì. Đầu tư ngoài ngành rồi báo lỗ, là cách lùa tiền từ Tập đoàn sang túi tư nhân. Khi Tập đoàn lâm nợ thì lại kêu gào tăng giá điện để bù lỗ.
Năm nay ông Hoàng Quốc Vượng chỉ mới 60 tuổi, chưa tới tuổi hưu, nhưng lại xin nghỉ hưu sớm. Phải chăng, khi ông nghe EVN đang bị nhắm đến, ông thu gom mũ nón, rồi nói lời tạm biệt với chiếc ghế hái tiền của ông?
Ở chế độ này, đang ngồi ghế hái ra tiền mà xin nghỉ hưu non, thì đáng ngờ lắm. Nó không bình thường.
Thu Phương (Tổng hợp)
Link tham khảo:
https://tienphong.vn/chu-tich-tap-doan-dau-khi-viet-nam-nghi-huu-tu-nam-2024-post1553069.tpo