Ngày 19/9/2011, ông Nguyễn Phú Trọng cùng Bộ Chính trị đã thông qua Quyết định số 39-QĐ/TW, về việc thành lập Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Vị trí Trưởng ban này được giao cho Chủ tịch nước. Đến nay, đã qua 5 đời Chủ tịch nước, thì cũng có đúng 5 đời Trưởng ban.
Cải cách tư pháp là làm sao để ngành tư pháp Việt Nam biết vì công lý hơn. Còn ngược lại, để ngành tư pháp ngày càng chà đạp lên công lý, thì đấy không phải là cải cách, mà là làm cho ngành tư pháp đi giật lùi. Được biết, từ khi quyết định thành lập Ban này đến nay đã 12 năm, nhưng chưa thấy có ông Chủ tịch nước nào làm thay đổi ngành tư pháp.
Làm luật là từ dùng cho những nhà lập pháp, những người được xem là đại biểu của nhân dân. Tuy nhiên, từ “làm luật” ở Việt Nam còn là một “tiếng lóng”, để ám chỉ những kẻ ỷ mạnh hiếp yếu, muốn áp đặt luật chơi của mình lên kẻ khác. Những cảnh sát giao thông đứng canh để bắt xe, rồi đòi tiền lót tay mới cho đi, được người dân gọi là “làm luật”. Hay những thành phần bảo kê, trấn lột, “xin đểu” dân lành, cũng được xem là hành động “làm luật”.
“Làm luật” theo nghĩa như thế không phải là độc quyền của giới côn đồ, trấn lột, mà nó cũng là một phương thức phổ biến của quan chức chính quyền. Những người hoạt động kinh doanh thuộc địa bàn quản lý của cảnh sát khu vực, ở một thành phố nào đấy, thường bị “làm luật”. Nếu ai không chịu chấp nhận luật chơi của công an, thì dù có kinh doanh hợp pháp, cũng khó tồn tại. Đặc biệt là các lĩnh vực kinh doanh thuộc ngành giải trí.
Tại sao xã hội Việt Nam lại tồn tại cách “làm luật” phổ biến đến như vậy. Nguyên nhân là chính Đảng Cộng sản cũng đang “làm luật” với người dân của mình. Ở Quốc hội, trên 95% là đảng viên Đảng Cộng sản. Ngồi trong nghị trường ấy toàn là thành phần “còn Đảng còn mình”, thì họ sẽ làm luật cho dân hay cho Đảng, điều này đã có câu trả lời rõ ràng rồi. Luật đất đai bao nhiêu năm nay vẫn giữ nguyên câu “đất đai là sở hữu của toàn dân”, dù bao nhiêu bất công oan trái nhưng vẫn không chịu sửa, thì đấy là vì ai? Hay quyền biểu tình là quyền hiến định, nhưng cho đến nay, Quốc hội vẫn không luật hóa. Mục đích là giúp Bộ Công an trấn áp dân dễ dàng hơn.
Sau bao nhiêu năm hô hào “cải cách tư pháp”, nhưng ngành tư pháp Việt Nam vẫn bấu víu vào Điều 331 và Điều 117 của Bộ luật Hình sự để bắt bớ, bỏ tù những người thực hiện quyền tự do ngôn luận, một quyền có quy định trong Hiến pháp của Nhà nước Cộng sản 2013. Hai điều 117 và 331 của Bộ luật Hình sự đi ngược với quyền tự do ngôn luận và quyền lập hội, được quy định theo Điều 9 và 19 của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị, mà Việt Nam là thành viên.
Mới đây, Công an tỉnh Long An đã dùng Điều 331 để tấn công các luật sư bào chữa cho các bị cáo trong vụ án Tịnh Thất Bồng Lai, là một cách mà chính quyền Cộng sản đang “làm luật” với giới luật sư Việt Nam. Công việc của luật sư là bảo vệ, bào chữa cho thân chủ, nói chính xác thì họ phải tìm bằng chứng, vận dụng luật để gỡ tội, hoặc giảm nhẹ tội cho thân chủ của họ.
Ấy vậy mà năm 2017, Quốc hội Cộng sản Việt Nam luật hóa quy định, luật sư phải tố giác thân chủ. Chủ tịch Quốc hội lúc đó là bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng quyết tâm luật hóa quy định này. Đây là chủ tương của Đảng, chủ trương này sẽ gây hậu quả là triệt đường sống của luật sư, hoặc bẫy luật sư, nếu họ làm đúng lương tâm nghề nghiệp. Đấy chính là một chủ trương bức hại công lý, khiến ngành tư pháp Việt Nam ngày một giật lùi.
Vụ Tịnh Thất Bồng Lai là hình ảnh bức hại luật sư nhân quyền, những người đấu tranh cho công lý. Qua những việc mà Đảng Cộng sản đã làm, họ quyết tâm biến ngành tư pháp thành công cụ để họ cai trị, chứ không muốn ngành tư pháp phát triển theo hướng vì công lý. Có thể nói, làm công dân Việt Nam thì phải chấp nhận xã hội ngày một ngột ngạt hơn.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)
Link tham khảo: