Làm chủ bàn cờ chính trị không phải là nắm quân đông mà là nắm tinh binh. Thông thường, ở Việt Nam, nói đến lãnh đạo cao nhất, người ta đề cập đến “tứ trụ”, nhưng thực chất, chỉ có song trụ là thực quyền, đó là vị trí Tổng Bí thư và Thủ tướng Chính phủ. Hai trụ còn lại là Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội chỉ là hữu danh vô thực. Cho nên, thời nào cũng vậy, tứ trụ có đại chiến thì cũng chỉ đại chiến ở 2 chiếc ghế này mà thôi.
Tổng Bí thư nắm Ban Bí thư, trong khi đó, Thủ tướng nắm Chính phủ. Về số bộ trong Chính phủ luôn nhiều hơn số ban trong Ban Bí thư. Tuy nhiên, số ban trong Ban Bí thư có người đứng đầu là ủy viên Bộ Chính trị nhiều hơn số bộ trưởng. Trong Chính phủ có Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an là 2 bộ có người đứng đầu là ủy viên Bộ Chính trị.
Giữa Thủ tướng và Tổng Bí thư, ai nắm được Bộ Công an và Bộ Quốc phòng thì người đó sẽ nắm quyền lực tuyệt đối. Tuy nhiên, trong hai người này, khó có ai nắm trọn 2 bộ trên. Hiện nay, ông Nguyễn Phú Trọng nắm rất chắc Bộ Công an. Ông Tô Lâm trên cương vị là Bộ trưởng, danh nghĩa là thuộc quyền quản lý của Thủ tướng trong Chính phủ, nhưng ông Nguyễn Phú Trọng lại nắm về mặt Đảng. Sau khi loại ông Nguyễn Tấn Dũng ra khỏi vũ đài chính trị, ông Trọng tham gia Đảng ủy Công an. Và cũng chỉ có Bộ Công an và Bộ Quốc Phòng là 2 cơ quan ông Nguyễn Phú Trọng tham gia vào Đảng ủy, còn các bộ khác, ông Trọng không tham gia.
Ông Phạm Minh Chính không nắm Bộ Công an nhưng nắm được một nửa trong Bộ Quốc phòng. Theo như chúng tôi được biết, mặc dù ông Trọng là Bí thư Quân ủy Trung ương, nghĩa là người đứng đầu quân đội về mặt Đảng, nhưng sức ảnh hưởng của ông Trọng không thể bao trùm hết bộ này. Ông Nguyễn Phú Trọng nắm vững bên Tổng Cục Chính trị, còn ông Phạm Minh Chính ảnh hưởng mạnh lên Bộ Tổng Tham mưu và Tổng cục 2. Còn ông Phan Văn Giang đang là người nước đôi, chưa rõ nghiêng về phe nào.
Không phải ngẫu nhiên mà ông Nguyễn Phú Trọng để cho một Ủy viên Bộ Chính trị nắm chức Chủ nhiệm Tổng cục chính trị. Đây là ý đồ của ông Trọng. Ông Lương Cường là Đại tướng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam. Về mặt thứ hạng trong quân đội, ông Lương Cường là cấp dưới của Phan Văn Giang, tuy nhiên, về mặt Đảng, ông Lương Cường ngang bằng với ông Phan Văn Giang, vì cả hai ông này đều là ủy viên Bộ Chính trị. Trong Bộ Chính trị, Lương Cường được xem là người lính trung thành của ông Nguyễn Phú Trọng ở mảng quốc phòng.
Ở Bộ Tổng tham mưu và Tổng Cục 2, nơi đây có nhiều hợp đồng quân sự cho Bộ Quốc phòng hơn là Tổng cục chính trị. Mà ai nắm nhiều tiền hơn thì người đó gây ảnh hưởng mạnh hơn. Nhánh thân với ông Thủ tướng Phạm Minh Chính gây ảnh hưởng trong quân đội mạnh hơn nhánh thân ông Nguyễn Phú Trọng. Tuy nhiên, nhánh thân ông Phạm Minh Chính cũng có điểm yếu, đó là rất dễ bị moi ra sai phạm.
Vụ đánh vào ông Phạm Bá Hiền được cho là do nhóm không có ăn trong Bộ Quốc phòng giật dây, để đánh vào thế lực nhiều tiền trong Bộ này. Giống như trước đây, ông Trọng đánh ông Trịnh Xuân Thanh để tấn công vào Đinh La Thăng. Mà muốn đánh Trịnh Xuân Thanh thì phải đánh vào chiếc xe biển xanh mà ông Thanh sử dụng.
Hiện nay, việc đánh vào biệt phủ của ông Phạm Bá Hiền cũng có vẻ tương tự như cách đánh ông Trịnh Xuân Thanh trước đây. Điều đáng nói là, ông Phạm Bá Hiền vừa mới được ông Phan Văn Giang phong tướng chưa bao lâu.
Đánh vào lợi ích nhóm trong Bộ Quốc phòng không dễ. Bộ Công an không thể đánh được, bởi Bộ Quốc phòng có hệ thống tòa án quân sự riêng. Hệ thống này từng bảo vệ Phạm Bá Hiền một lần cách đây 20 năm. Nếu ông Nguyễn Phú Trọng không mạnh tay, không xua Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương vào cuộc, thì dù cho Bộ Công an đầy quyền lực thì cũng bất lực thôi. Để xem vụ việc tới đâu, chờ xem thì sẽ rõ.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)