Sau hơn 2 ngày “đấu đá”, thì ngày 17/5, Hội nghị Trung ương 7 bế mạc. Cũng như mọi khi, ông Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ. Ngoài những ngôn từ sáo rỗng quen thuộc, thì không có thông tin gì về kết quả đấu đá, họ hoàn toàn giữ bí mật trước báo chí.
Trước khi kỳ Hội nghị này diễn ra, ông Nguyễn Phú Trọng đã chuẩn bị rất kỹ, ngay từ tháng 2, ông đã chuẩn bị Quy định 96 về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Trong hai ngày họp này cũng diễn ra trò đấu đá, nhưng kết quả thì giữ bí mật, báo chí không được hé răng nửa lời.
Có lẽ, chính quyền Cộng sản không muốn thông tin lọt ra ngoài, không muốn để xã hội “đàm tiếu” chăng? Thực ra mà nói, nếu có nhân vật nào bị truất phế vì tín nhiệm thấp, thì trước sau gì cũng phải công bố. Lần lấy phiếu tín nhiệm này được xem là lần luận tội ông Phạm Minh Chính, như cách đây 11 năm ông Nguyễn Phú Trọng đã làm đối với ông Nguyễn Tấn Dũng. Lần đó, ông Nguyễn Tấn Dũng vượt qua “thiên la địa võng” của ông Tổng Bí thư giăng ra. Còn lần này, ông Phạm Minh Chính có vượt qua được hay không thì chưa biết, phải đợi đến ngày 22/5, lúc đó kết quả buộc phải công khai. Vì ngày đó, kỳ họp Quốc hội sẽ được khai mạc, và cũng như mọi khi, Quốc hội chỉ có việc gật những gì mà Hội nghị Trung ương 7 đã quyết mà thôi.
Ngày 13/5, ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, trình bày trong Báo cáo về việc chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội, tại phiên làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội rằng, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 15 khai mạc ngày 22/5, sẽ bàn vấn đề nhân sự trong ngày làm việc đầu tiên.
Tuy ông Bùi Văn Cường chỉ thông báo về nội dung sẽ làm việc tại kỳ họp Quốc hội, nhưng giới quan sát hiểu là, tại Hội nghị Trung ương 7, Bộ Chính trị cũng đã quyết về vấn đề nhân sự. Bởi bản chất của chế độ này là lập Quốc hội ra chỉ để gật, họ gật những gì Bộ Chính trị đã quyết tại Hội nghị Trung ương.
Khi ông Nguyễn Phú Trọng chuẩn bị cho việc lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư, thì ai cũng hiểu, đấy là cách mà ông Trọng muốn mượn Trung ương Đảng để loại bỏ một ai đó. Vấn đề là, kết quả thế nào thì cho đến giờ vẫn chưa ai được biết, ngoại trừ những người trong cuộc.
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này cũng là để xã hội đánh giá về “thanh kiếm” tuy mới mà cũ này. Liệu nó có được mài bén hơn hay không, hay cũng chỉ là “thanh kiếm cùn” như cách đây 11 năm? Nếu ông Trọng mà quật được Phạm Minh Chính, thì có thể nói, trong Đảng Cộng sản hiện nay, không ai mạnh bằng ông Nguyễn Phú Trọng. Còn nếu không quật được, thì thế lực của ông Nguyễn Tấn Dũng có cơ hội nổi lên sau 3 năm nữa.
Hiện nay, trong bộ máy chính quyền Cộng sản, còn thiếu 2 ghế ủy viên Bộ Chính trị. Ghế bị thiếu là Phó Thủ tướng Thường trực và Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Tuy nhiên, hiện nay cũng đang thừa 2 ghế ủy viên Bộ Chính trị, đấy là ghế Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, vị trí này chỉ cần là ủy viên Trung ương Đảng, nhưng lại đang được một Ủy viên Bộ Chính trị nắm giữ. Vị trí còn lại đó là Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị, vị trí này cũng chỉ cần là ủy viên Trung ương Đảng, nhưng cũng đang được một Ủy viên Bộ Chính trị nắm giữ.
Thừa 2 thiếu 2, nếu thuyên chuyển là vừa số lượng, nhưng có lẽ, Bộ Chính trị sẽ không thuyên chuyển mà bầu bổ sung. Hai người cần bầu bổ sung vào Bộ Chính trị là ông Trần Lưu Quang đang là Phó Thủ tướng Thường trực không chính thức và ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.
Có lẽ lần “thượng đài” này ở Hội nghị Trung ương 7, các phe phái chỉ lo đấu đá nhau chứ không bầu bổ sung. Nếu đấu đá ngã ngũ thì bầu bổ sung vẫn chưa muộn.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)
Link tham khảo: