Lật tượng Giáp, Tổng Trọng cạnh tranh với “Bác Hồ”

Bản chất của chế độ Cộng sản là xây dựng tượng đài cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Ngoài chuyện xây dựng hàng trăm tượng đài Hồ Chí Minh trên khắp Việt Nam, họ còn dùng tuyên giáo và giáo dục để nhồi sọ, để tạo ra hình ảnh ông Hồ Chí Minh là như thánh nhân.

Ngoài ra, họ còn xây lăng tẩm, ướp xác cho ông Hồ Chí Minh, để tạo ra vị thế như một “thái tổ hoàng đế” trong các triều đại phong kiến. Thậm chí, có nhiều triều đại phong kiến còn không xây lăng khủng như chính quyền Cộng sản đã xây cho ông Hồ Chí Minh. Với kinh phí mỗi năm trên 300 tỷ đồng để duy trì, Đảng Cộng sản quyết giữ xác ướp ông Hồ, để dạy cho những người bị nhồi sọ về một ông thánh vô cùng đáng kính. Nhờ như vậy, Đảng Cộng sản nấp sau lưng ông thánh này để hưởng lợi.

Sau Tư tưởng Hồ Chí Minh, Nguyễn Phú Trọng là lãnh đạo Cộng sản thứ nhì có tư tưởng được đưa vào giảng dạy

Từ sau khi Đông Âu sụp đổ, để gia cố cho tượng đài lãnh tụ Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản đã dựng lên cái gọi là “Tư tưởng Hồ Chí Minh”, bắt học sinh sinh viên phải học tập. Trong khi ông Hồ Chí Minh không hề có tư tưởng nào, ngoại trừ những gì ông học được từ Các Mác và Lênin. Thời kỳ trước năm 1990, các trường đại học Việt Nam chỉ có dạy triết học Mác Lênin, chứ không có cái gọi là “Tư tưởng Hồ Chí Minh”.

Ở Chế độ Cộng sản nói chung có hai loại thánh: Thánh hạng nhất được ướp xác, nằm trong lăng, có tư tưởng được viết thành sách, bắt học sinh sinh viên phải học. Ông thánh hạng nhì thì có thể cũng có lăng, nhưng không được ướp xác, không có tư tưởng gì cho học sinh sinh viên phải “gặm”.

Ở Việt Nam, ông Hồ Chí Minh là thánh hạng nhất, ông Võ Nguyên Giáp là thánh hạng hai. Đảng Cộng sản chủ yếu xây dựng hình ảnh ông thánh hạng nhất, để họ nấp sau lưng ông thánh này mà hưởng lợi.

Tại Liên Xô trước đây, có 2 ông thánh hạng nhất, đó là Lênin và Stalin. Ông Stalin sau đó bị phế bỏ đặc quyền thánh nhân. Tại Bắc Hàn hiện đang có 2 ông thánh hạng nhất, đó là Kim Nhật Thành và Kim Jong Il. Tại Trung Quốc, có một ông thánh và là thánh hạng nhất, đó là Mao Trạch Đông.

Không biết có sinh viên nào nuốt trôi cuốn sách này?

Tại Trung Quốc đang có một ông cũng muốn thành thánh như Mao. Đó là Tập Cận Bình. Hiện nay, ông này cũng đang đưa ra tư tưởng Tập cận Bình vào trong các nghị quyết của Đảng. Khả năng sau này, Trung Quốc sẽ có 2 thánh hạng nhất.

Ngày 9/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn chỉ đạo về việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các trường đại học. Công văn yêu cầu các trường cập nhật nội dung chương trình, tài liệu giảng dạy, về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ năm học 2023 – 2024. Trong số các tài liệu được kể đến, có cuốn sách về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Như vậy, ông Nguyễn Phú Trọng đã sánh ngang với ông Hồ Chí Minh về mặt tư tưởng. Ông Hồ Chí Minh được Đảng Cộng sản vẽ ra cái gọi là “Tư tưởng Hồ Chí Minh” sau khi ông đã chết. Còn tư tưởng của ông Nguyễn Phú Trọng có phần xịn sò hơn, đó là tư tưởng chống tham nhũng, được học tập ngay từ khi ông còn đương quyền. Có lẽ, ông Nguyễn Phú Trọng đúc kết đưa vào sách từ việc dựng lò đốt củi của ông. Ít nhất hàng của ông Trọng là hàng thật, còn hàng của ông Hồ Chí Minh là hàng dỏm, vì nó vốn không phải của ông Hồ.

Như vậy, nếu ông Nguyễn Phú Trọng sau khi chết đi, được cho vào lăng, được ướp xác như ông Hồ Chí Minh, thì có thể, ông Nguyễn Phú Trọng sẽ thành thánh hạng nhất đứng chung hàng với ông Hồ Chí Minh, bỏ xa ông Võ Nguyên Giáp.

Hiện nay, ông Nguyễn Phú Trọng đã 79 tuổi. Ở tuổi này thì ông Hồ Chí Minh đã đi gặp Các Mác, Lênin. Với sức khỏe yếu như hiện nay, có thể ngày đó sẽ không xa lắm với ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Không biết, ông Trọng đã chuẩn bị đất để xây lăng chưa? Và nếu có, thì lăng có lớn hơn lăng Trần Đại Quang hay không? Nếu thực hiện giấc mộng “lăng hóa”, có thể ông Nguyễn Phú Trọng sẽ thỏa ước mơ “bình thiên hạ” của ông.

Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)

Link tham khảo:

https://thanhnien.vn/dua-sach-ve-chong-tham-nhung-cua-tong-bi-thu-vao-day-trong-truong-dh-185230509185649807.htm