Ghế Chủ tịch nước lâu nay được xem là ghế của “người thất bại”, từ thời ông Trương Tấn Sang đến nay thì chỉ có ông Nguyễn Phú Trọng là Chủ tịch nước được xem là “người chiến thắng”. Ông Nguyễn Phú Trọng cũng muốn ông giống như Tập Cận Bình, thâu tóm chức Tổng Bí thư và Chủ tịch nước về một mối, và ông đã thành công. Tuy nhiên, sau đó ông cũng phải trút bỏ chức được xem là hữu danh vô thực đấy, khi mà đang ngồi ghế Chủ tịch nước, ông bị gục ngã suýt chết tại Kiên Giang vào năm 2019.
Năm 2011, Đại hội lần thứ 11 của Trung ương Đảng, ông Trương Tấn Sang đành nhận “giải an ủi”, khi mà ông Sang thất bại trước ông Nguyễn Phú Trọng trong cuộc đua tranh vào ghế Tổng Bí thư. Sự thất bại này đã đẩy ông Sang vào ghế hữu danh vô thực, ngồi đấy trong 4 năm rồi rút lui.
Năm 2016, ông Trần Đại Quang rời khỏi Bộ Công an, nhường ghế Bộ trưởng lại cho Tô Lâm. Việc rời khỏi Bộ Công an xem như là một thất bại của ông Quang, bởi khi ngồi vào ghế Chủ tịch nước, khả năng tự bảo vệ không còn. Thực tế, ông Trần Đại Quang đã mất mạng, vì khi đang ngồi ở ghế không quyền lực mà muốn “cứng đầu” với những kẻ đang có quyền lực tuyệt đối trong tay.
Đến năm 2021, ông Nguyễn Xuân Phúc bị các nhóm lợi ích mạnh hơn đẩy bay ra khỏi ghế Thủ tướng đầy quyền lực và nhiều cơ hội kiếm chác. Việc ngồi vào ghế Chủ tịch nước xem như là một thất bại đau đớn đối với ông cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Và cũng như Trần Đại Quang, Nguyễn Xuân Phúc không thể tự bảo vệ chính mình và đã phải ngã ngựa giữa chừng.
Năm 2023, sau khi ông Nguyễn Xuân Phúc rời ghế, cuộc chiến vào chiếc ghế Chủ tịch nước là cuộc chiến được xem là buồn cười nhất trong việc sắp xếp nhân sự cấp cao. Thay vì những ứng viên tranh giành nhau, thì lần này, 2 ứng viên cho ghế này là Tô Lâm và Võ Văn Thưởng lại đùn đẩy nhau, ai thất bại là người sẽ được lên ghế Chủ tịch nước. Được biết, từ Chủ tịch nước và Tổng Thống trong tiếng Anh là như nhau, đều là President. Thật mỉa mai, với chiếc ghế tương đương ghế tổng thống một quốc gia mà lại tránh né và đùn đẩy nhau. Và cuối cùng, kẻ thua cuộc là Võ Văn Thưởng.
Tô Lâm là một tướng võ biền, dù rất hung hăng bất chấp, rất nguy hiểm đối với bất kỳ ai, nhưng lại non nớt trong chính trường. Ông Tô Lâm non đến mức, ăn cho được bữa thịt bò dát vàng để rồi hình ảnh đáng xấu hổ này phát tán khắp nơi, không biết giấu mặt đâu cho hết xấu hổ. Tuy có súng ống trong tay, nhưng ông Tô Lâm vẫn là một “nai tơ” đối với một “cáo già” chính trị như ông Nguyễn Phú Trọng.
Như vậy, ông Võ Văn Thưởng là con người còn non hơn cả ông Tô Lâm thì mới là kẻ thất bại trước Tô Lâm trong cuộc cạnh tranh chạy trốn khỏi ghế Chủ tịch nước. Sự thật là, khi vào cương vị Chủ tịch nước, ông Võ Văn Thưởng đã tỏ ra non nớt và khờ khạo trước người đồng cấp đến từ Australia – Toàn quyền David Hurley.
Trước mặt ông Hurley, ông Võ Văn Thưởng đã yêu cầu Chính quyền Úc xử lý những người chống phá Việt Nam từ Úc. Một yêu cầu nói lên rất nhiều về con người ông Võ Văn Thưởng. Nó cho thấy, ông thiếu kiến thức về nền dân chủ, và từ đó, ông tự biến mình thành “anh hề” trước con mắt người dân Việt Nam.
Kẻ kém hiểu biết thường chỉ biết suy bụng ta ra bụng người. Suốt đời ông Thưởng chỉ biết Mác Lênin và những hành động phi dân chủ của Đảng Cộng sản, ông Thưởng nghĩ rằng, nước Úc cũng như vậy. Có người nói, ông Thưởng đã cho mọi người thấy rõ sự ngây ngô và cả sự kém hiểu biết của ông.
Không thể nói ông Thưởng là anh khờ, nhưng rõ ràng ông Thưởng đang làm “anh hề” trước bạn bè quốc tế. Đã lên đến chức Chủ tịch nước mà vẫn cứ làm hề, thì đấy là sản phẩm của nền giáo dục Cộng sản, không biết gì ngoài Mác Lênin.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)