Mới đây, trên trang cộng đồng về ô tô OFFB có đăng một đoạn status của một người Mỹ dùng xe VinFast, người này có tên Taylor Hamblett. Ông than vãn rằng, đã hai tuần kể từ khi thuê VinFast VF8, ông đã phải ngồi bên vệ đường 2 giờ và đếm thời gian. Lỗi phanh, xe chết máy. VinFast điều 4 công ty dịch vụ đến nhưng không kéo được xe vì không đúng thiết bị. Cuối cùng, ông phải tự gọi dịch vụ kéo xe mà ông quen biết để kéo về thì mới đưa được chiếc xe về đến nhà. Ông Taylor Hemlett nói rằng, ông mừng vì ông thuê chứ không phải mua chiếc xe của nợ này.
Đấy là nội dung của một khách hàng người Mỹ chính gốc. Họ không bị cái gọi là “tự hào hàng Việt Nam” như một số người Mỹ gốc Việt có cảm tình với chế độ Cộng sản. Ông Phạm Nhật Vượng xuất xe sang Mỹ với mục đích là chinh phục khách hàng Mỹ. Tuy nhiên, lần chào hàng như thế này là thất bại thảm hại.
Với thị trường Mỹ, nhu cầu xe ô tô chẳng khác gì nhu cầu xe máy tại Việt Nam, nhà nào cũng có xe, thậm chí mỗi người trưởng thành dùng một xe. Cho nên, thị trường Mỹ là thị trường rất lớn, tuy nhiên, vì nước Mỹ là nước dùng ô tô lâu đời và là nước giàu nên người dân bình thường có thể chọn cho họ chiếc xe mà người Việt xem nó là hạng sang, như Lexus, Mercedes, BMW hay Audi là chuyện bình thường. Vì khả năng sở hữu ô tô dễ dàng nên người dân Mỹ cũng có rất nhiều sự chọn lựa.
Với ô tô xăng, người Mỹ có thể lựa chọn rất nhiều thương hiệu, từ hàng nội địa đến hàng Nhật, hàng Âu và hàng Hàn Quốc để chọn. Vì sự kén chọn của khách hàng Mỹ mà đến nay, dù ô tô Trung Quốc rất rẻ vẫn không thể chen chân được vào thị trường Mỹ.
Với ô tô điện, hiện nay người Mỹ cũng có nhiều sự chọn lựa. Hàng đầu vẫn là Tesla, bình dân hơn có Hyundai, Nissan, hay thậm chí hạng sang có Mercedes và Porsche với những loại xe chất lượng và thiết kế đẹp. Như vậy thì, làm sao người dân Mỹ chấp nhận một nhà bán xe kém chuyên nghiệp như VinFast và làm sao họ chấp nhận một chiếc xe đầy lỗi như VinFast?
Mục đích của người sử dụng ô tô là bởi ô tô giúp họ di chuyển thuận tiện, còn khi ô tô trở thành của nợ, trở thành món hàng khiến cho chủ của nó phải vất vả với nó, thì làm sao người ta chọn nó? Một thương hiệu mới, cần có sự cạnh tranh về giá, chất lượng có thể chấp nhận được. Còn chất lượng quá tệ mà khách hàng mới sử dụng đã lắc đầu ngao ngán, thì xem ra, cơ hội mở rộng thị trường trên đất Mỹ của VinFast rất mờ mịt.
Cho tới nay, chỉ mới có 999 chiếc xe VinFast hiện diện trên đất Mỹ mà bán vẫn không hết, phải dùng làm xe cho thuê, thì đủ thấy, khả năng mở rộng thị trường khó khăn như thế nào? Ngay tại quê hương của VinFast là Việt Nam, khách hàng cũng có rất nhiều sự chọn lựa, họ chọn mua VinFast chẳng qua là họ muốn giúp VinFast bán được hàng để tồn tại. Xe Toyota được mệnh danh là “vua giữ giá” ở Việt Nam, nếu cầm tiền tỷ mua xe thì khó có ai lại chọn mua VinFast, thay vì mua chiếc xe xăng hiệu Toyota cho nó lành. Nếu kẹt tiền bán lại thì xe Toyota vẫn không làm chủ của nó mất giá nhiều.
Khách hàng Việt Nam là khách hàng dễ tính. Khách hàng Mỹ là khách hàng khó tính. Không biết khi tiến vào thị trường Mỹ ông Phạm Nhật Vượng có tính đến yếu tố này hay không, mà sao ông lại để những lỗi sơ đẳng cứ xảy ra trên chiếc ô tô của ông?
Dân gian có câu nói, một lần bất tín, vạn lần bất tin. Vậy thì, tại sao ông Phạm Nhật Vượng cứ để bất tín hết lần này đến lần khác, vậy thì còn đâu lòng tin mà khách hàng đặt cược vào chiếc xe VinFast của ông Vượng được.
Tháng trước VinFast cháy xe tại Đức, giờ này xe VinFast bị người Mỹ phàn nàn vì lỗi. Có vẻ như nơi nào có VinFast thì nơi đó có lỗi. Lẽ nào, VinFast chưa gặp thời đã hết thời rồi chăng?
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)