Link Video: https://youtu.be/PQqO_1ZuC4M
Ngày 27/2, trang fulcrum.sg đăng tải bài viết của Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Giang, với tựa đề tạm dịch là “Vai trò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với nền chính trị Việt Nam: những hàm ý sâu rộng”.
Tác giả nhắc lại sự kiện, lời chúc Tết trong đêm Giao thừa Tết Quý Mão, thay vì được Chủ tịch nước đọc như truyền thống, thì lại là ông Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng.
Tác giả cho rằng, nếu chỉ nhìn bề ngoài, sự lựa chọn này là do hoàn cảnh, bởi chỉ một tuần trước đó, ông Nguyễn Xuân Phúc vừa từ chức Chủ tịch nước và chiếc ghế này đang bỏ trống.
Tuy nhiên, vẫn theo tác giả, động thái này còn có nhiều hàm ý sâu rộng hơn. Nó cho thấy vị thế bao trùm của Đảng Cộng sản, và cá nhân ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong hệ thống chính trị. Cán cân quyền lực giữa Đảng và Nhà nước hiện đang nghiêng nhiều hơn về phía Đảng. Cơ chế tập thể lãnh đạo đã tồn tại từ trước nhiệm kỳ của ông Trọng bị suy yếu trong bảy năm của chiến dịch chống tham nhũng. Vị thế của Tổng Bí thư hiện tại còn lớn hơn so với thời điểm Đại hội 13 vào năm 2021, khi mà Điều lệ Đảng bị bỏ qua, để cho phép ông Trọng ở lại nhiệm kỳ thứ ba. Vào thời điểm đó, các nhà quan sát tin rằng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không có đủ ưu thế chính trị để đưa ứng viên mà ông ủng hộ, là ông Trần Quốc Vượng lên vị trí số một, và do đó, việc ông Trọng ở lại là một lựa chọn thỏa hiệp. Vì thế, tại Đại hội 13, việc ông Trọng ở lại minh chứng cho điểm yếu chứ không phải là thế mạnh của ông.
Tác giả phân tích, dù những phỏng đoán vào thời điểm đó đúng hay sai, thì nhận định đó giờ đây đã lỗi thời. Sự thoái lui của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, đã loại trừ một trong những thế lực mạnh nhất và tiếp tục củng cố vị trí trung tâm của Tổng Bí thư Trọng, trong hệ thống “Tứ trụ” của Việt Nam. Về cả quyền uy lẫn quyền lực, hai “trụ” còn lại ít có khả năng trở thành đối trọng đối với ông Trọng. Thủ tướng Phạm Minh Chính được cho là đang phải đối mặt với áp lực lớn, do có mối liên hệ với một “đại án” tham nhũng, trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ được cho là gần gũi với ông Trọng.
Tác giả nhận xét, trong bối cảnh như vậy, không khó hiểu khi ông Võ Văn Thưởng, ca ngợi ông Trọng là “hạt nhân lãnh đạo”. Đây là từ mà Đảng Cộng sản Trung Quốc dùng để mô tả ông Tập Cận Bình. Lời ca ngợi này phản ánh quan điểm phổ biến rằng, vai trò của Tổng Bí thư Trọng là không thể thay thế trong môi trường chính trị hiện tại.
Sự thống lĩnh của ông Trọng bảo đảm cho chiến dịch tham nhũng do ông khởi xướng. Dưới sự chỉ đạo của ông Trọng, các cơ quan của Đảng trở thành công cụ chính trong chiến dịch chống tham nhũng, dẫn đến sức mạnh ngày càng tăng của bộ máy Đảng so với bộ máy nhà nước.
Tác giả đánh giá rằng, theo ông Trọng, suy thoái tư tưởng chính trị là nguyên nhân chính của tham nhũng. Vì thế, ông đã thực hiện những biện pháp mạnh tay để tái tăng cường sự kiểm soát của Đảng về tư tưởng. Bên trong hệ thống, đảng viên phải học tập các kinh điển về Chủ nghĩa Xã hội. Bên ngoài hệ thống, chính quyền siết chặt kiểm soát với báo chí – truyền thông, mạng xã hội, và xã hội dân sự.
Sự thống lĩnh của ông Trọng thúc đẩy cuộc chiến chống tham nhũng, nhưng nó cũng mang tới một số rủi ro. Trước tiên, giới lãnh đạo hiện tại thường đợi ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, trước khi đưa ra các quyết định lớn. Điều này khiến quá trình ra quyết định chính sách chậm hơn và làm tăng nguy cơ đưa ra các quyết sách sai lầm, đồng thời làm suy giảm cơ chế quyết định tập thể truyền thống của Đảng.
Tác giả nhận định, nếu cơ chế “hạt nhân lãnh đạo” được giữ nguyên, thì bất kỳ ứng viên nào cho vị trí kế nhiệm ông Trọng cũng sẽ gặp khó, vì không có ứng viên nào đủ tiêu chuẩn. Uy quyền của ông Trọng là dựa trên danh tiếng, rằng, ông là người trong sạch nhất trong hệ thống. Điều này có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng kế vị.
Thời đại hậu Nguyễn Phú Trọng cũng có thể tái xuất hiện cơ chế lãnh đạo tập thể như trước. Nhưng, khi các nhóm quyền lực và thông lệ cũ bị phá vỡ, việc tái thiết lập và duy trì một trạng thái cân bằng mới là không dễ dàng. Tác giả kết luận.
Thu Phương – thoibao.de
>>> Vì sao ông Thưởng được chọn làm Chủ tịch nước?
>>> Chính trường khốc liệt, Tô Đại Tướng “hùng hổ” cầm đao nháo nhào chạy trốn
>>> Nuốt cục tiền không trôi, “Đảng của giai cấp công nhân” tỏ ra lươn lẹo
Chắp cánh cho hổ Đinh Văn Nơi, Tô Lâm đang tính nước cờ gì?