Cho đến nay, ghế Chủ tịch nước đã quật ngã được 2 người, người đầu tiên là ông Trần Đại Quang, ông Quang mất mạng, còn người thứ nhì là ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Phúc chỉ mất chức. Vì sao “phe mạnh” là ưa triệt người đang ngồi ở vị trí Chủ tịch nước? Bởi ghế Chủ tịch nước thực tế là hữu danh vô thực, như chim không có lông cánh nên không còn khả năng sinh tồn. Vì thế điều “nạn nhân” sang chiếc ghế này thì dễ ra tay nhất.
Có người cho rằng, nếu ông Nguyễn Xuân Phúc mà còn ở cương vị Thủ tướng, thì chưa chắc gì ông bị hạ như ngày 18/1 vừa qua. Bởi ghế Thủ tướng được xếp dưới ghế Chủ tịch nước, nhưng có thực quyền hơn nhiều. Như ông Nguyễn Tấn Dũng một thời làm Thủ tướng, có ai làm gì được ông khi ông còn ở cương vị Thủ tướng đâu?
Từ ngày 18/1 đến nay gần 1 tháng, nhưng ghế Chủ tịch nước vẫn trống, bởi ông Tô Lâm đang cố bám vào ghế Bộ trưởng Bộ Công an để được an toàn. Với quyền bính trong tay, với hàng triệu công an trong tay, với ngân sách đến 5,2 tỷ đô la cho năm 2023, thì ông Tô Lâm có đủ. Có sức mạnh vũ lực, nắm quyền bổ nhiệm giám đốc công an các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương, đã giúp ông Tô Lâm đưa tay chân thân tín lót ổ tại các địa phương. Với ngân sách 5,2 tỷ đô la cho một năm thì quyền lợi kinh tế có được từ ghế bộ trưởng là không thể nào kể ra cho hết.
Ông Tô Lâm bị đề nghị ngồi vào ghế Chủ tịch nước, khi mà tấm gương Trần Đại Quang và Nguyễn Xuân Phúc còn sờ sờ ra đó. Khi ngồi vào ghế Chủ tịch nước, ông Tô Lâm bị “trả thù” thì làm sao ông đỡ? Có thể nói rằng, nếu ông Tô Lâm ngồi vào ghế Chủ tịch nước, thì ông Nguyễn Phú Trọng sẽ không ra tay, tuy nhiên, vì ông Tô Lâm có quá nhiều kẻ thù nên nếu ông ngồi vào chiếc ghế không thực quyền thì bao giờ cũng không an toàn.
Thoibao.de nhận được thông tin từ người giấu tên đang công tác trong bộ máy chính quyền Cộng sản cho biết, ông Tổng Bí thư đang “thừa thắng xông lên”, muốn làm tiếp vố thứ nhì dọn đường quan lộ cho “đệ tử” Vương Đình Huệ. Tuy nhiên, ông Tổng đang loay hoay chưa biết đưa ra chiến lược nào để hiện thực hóa ý đồ mà thôi. Hành động xua quân đánh vào AIC khi ông Phạm Minh Chính đang đi công du tại Singapore cho thấy chiêu thức quen thuộc, chiêu thức đấy tương tự như chiêu thức đã sử dụng đối với ông Nguyễn Xuân Phúc, khi ông đi công du Indonesia hồi tháng 12/2022 cùng với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.
Từ ngày 13 đến ngày 15/2, Phiên họp thứ 20 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra để xem quyết định về nhiều nội dung quan trọng, trong đó có vấn đề nhân sự do ông Phạm Minh Chính đề xuất. Chỉ là nhân sự cấp thấp, không thấy nói gì về vấn đề nhân sự cho hai chiếc ghế trống hiện nay là ghế Chủ tịch nước và ghế Phó Thủ tướng của ông Lê Văn Thành để lại. Theo thông tin từ bên trong, ghế Chủ tịch nước vẫn chưa có chủ.
Nếu ông Nguyễn Phú Trọng không ép được Tô Lâm vào ghế Chủ tịch nước, thì liệu rằng, ông có thể nào ép Phạm Minh Chính ngồi vào ghế Chủ tịch nước nay không? Nếu ông ép được ông Phạm Minh Chính ngồi vào ghế Chủ tịch nước như từng ép ông Nguyễn Xuân Phúc, thì có thể nói, ông Nguyễn Phú Trọng có rộng đường tính toán.
Câu chuyện về chiếc ghế Chủ tịch nước đang bỏ trống sẽ còn là để tài nóng hổi, khi gần đến ngày Hội nghị Trung ương 7 dự kiến diễn ra vào tháng 5 nếu không có gì bất thường. Còn 3 tháng nữa để đấu nhau và “dẫn dụ” nhau ra khỏi vùng đã được “mai phục”, rồi ra tay. Ghế Chủ tịch nước hiện nay có vẻ như là một cái bẫy, hơn là một vị trí có đặc quyền đặc lợi vậy.
Có những lúc, người ta chiến nhau để giành ghế, nhưng đôi khi họ cũng chiến nhau để đẩy cho kẻ thất thế rơi vào chiếc ghế nào đấy. Trò chơi chính trị ở cung đình của Đảng Cộng sản cũng lắm chuyện bi hài.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)