Vào ngày 31/1, báo mạng Tienphong.vn đưa tin, trong buổi trưa cùng ngày, một chiếc máy bay Su-22 của không quân Việt Nam trong lúc đang thực hiện bài tập bay huấn luyện, đã rơi ở tỉnh Yên Bái. Vụ tai nạn khiến phi công điều khiển chiếc máy bay này tử nạn ngay sau đó.
Máy bay Su-22 là loại máy bay do Liên Xô sản xuất và được trang bị cho Không quân Việt Nam. Đây là loại khí tài chủ lực của Không quân Việt Nam, được biên chế làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ không phận và hải phận của đất nước. Hiện tại cả ba sư đoàn Không quân 370, 371 và 372 đều được biên chế máy bay Su-22.
“Chiếc máy bay bị rơi có số hiệu 5873 của Trung đoàn Không quân 921, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không – Không quân, do Đại úy phi công cấp 3 Trần Ngọc Duy điều khiển, cất cánh chuyến bay thứ nhất, bài bay huấn luyện số 206.” Trang tienphong.vn cho biết thêm.
Theo thông tin được cung cấp trong bài báo của vnexpress.net hôm 31/1, Su-22 được đưa vào phục vụ từ những năm 1970 và Việt Nam bắt đầu nhận được Su-22M/UM vào năm 1979. “Đây là chiến đấu cơ đầu tiên của không quân Việt Nam bay ra tuần tiễu Trường Sa và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.”
“Trung đoàn 921 (còn gọi là Đoàn không quân Sao Đỏ) thành lập ngày 3/2/1964. Đây là Trung đoàn Không quân tiêm kích đầu tiên, thuộc Sư đoàn 371 – Sư đoàn không quân chiến đấu đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trước đây, Trung đoàn 921 đóng ở Hà Nội, từ cuối năm 2018 chuyển lên Yên Bái. Hiện Trung đoàn đã được trang bị 100% máy bay Su, có khả năng mang nhiều loại vũ khí và bán kính tác chiến rộng.” Tờ vnexpress.net cho biết thêm.
Trong khi đó, một bài đăng trên trang facebook RFA với tiêu đề “Chiếc mũ bay của phi công Su-22 bị vỡ kính, không có dấu hiệu bị cháy” vào hôm 4/2, cho biết: “… ít nhất hai người đứng quan sát và quay video cảnh hạ cánh của Su-22 từ ngoài hàng rào sân bay, tuy nhiên, đoạn clip ngắn được chính một số người thân của phi công này chia sẻ trên Facebook cá nhân cho thấy khoảnh khắc cuối cùng của chiếc máy bay này.”
“Theo đó, ít nhất hai người đứng quan sát và quay video cảnh hạ cánh của Su-22 từ ngoài hàng rào sân bay, tuy nhiên khi máy bay chiến đấu xuất hiện và chuẩn bị hạ cánh thì đột ngột chao nghiêng, ở buồng lái xuất hiện ánh lửa đẩy một vật thể ra xa hướng lên trên, dường như cho thấy, ghế bay đã được phóng ra nhưng không nhìn thấy dù được bung. Chiếc máy bay đâm sầm xuống đường băng ngay sau đó và phát nổ tạo thành cột lửa và khói đen khổng lồ.” Bài viết cho biết thêm.
Bài đăng của RFA cũng đã nhận được nhiều bình luận liên quan đến sự cố này. Trong số đó, một facebooker có tên là Lâm Viên đã nhận định: “Hôm bữa đoán y chang, phi công cố bung dù nhưng dù ko hoạt động… Xem trong clip quay được khi máy bay rơi, phi công đã phóng ghế theo hướng nghiêng của máy bay, theo hướng nghiêng này thì ghế vẫn phóng được và dù vẫn bung bình thường. Chứng tỏ hệ thống dù đã bị hỏng… phi công mất oan mạng.”
Vụ việc máy bay quân sự Su-22 bị rơi khi đang thực hiện huấn luyện không phải là mới xảy ra và không phải là duy nhất. Điều này càng khiến dư luận bức xúc và đặt ra câu hỏi về nhiều khía cạnh kỹ thuật, công tác bảo dưỡng, vận hành cũng như mức độ hiệu quả chiến đấu và an toàn của loại máy bay do Nga cung cấp này.
Trước đó vào ngày 23/4/2019, trong quá trình bay huấn luyện, một chiếc Su-22 đã rơi tại Yên Bái, nhưng may mắn thay, phi công đã kịp nhảy dù trước khi lao xuống đất.
Vào tháng 7/2018, 2 phi công đã tử vong tại Nghệ An trong một tai nạn rơi máy bay chiến đấu Sukhoi Su-22 do Nga sản xuất.
Báo Tiền Phong online cho biết thêm vào ngày 31/1: “Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Quân chủng Phòng không – Không quân và các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương khắc phục hậu quả, điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn; cùng với cơ quan chức năng và cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể địa phương thăm hỏi, động viên gia đình và làm công tác chính sách đối với Đại úy Trần Ngọc Duy và gia đình.”
Minh Vũ – thoibao.de (Tổng hợp)