Link Video: https://youtu.be/tPj6iydDHks
Ngày 23/1/2023, VOA Tiếng Việt có bài viết tựa đề “Việt Nam đang có bất ổn chính trị ở thượng tầng, các cấp bất an, không hoạt động?”.
Theo bài viết, “Công cuộc chống tham nhũng ở Việt Nam hay còn gọi là “đốt lò” đã và đang dẫn đến tình trạng bất ổn, khủng hoảng trong chính trị thượng tầng, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp và giáo sư Nguyễn Đình Cống đưa ra quan sát với VOA”.
“Hai nhà trí thức cũng nhận xét rằng những hậu quả khác của “đốt lò” là tâm lý hoang mang, lo sợ trong các cấp của bộ máy nhà nước, dẫn đến tâm lý “không tích cực”, “không muốn làm việc”, “không dám hoạt động”. Thực trạng đó cũng được nhiều người nói đến trên mạng xã hội, theo quan sát của VOA.”
Trước đó, ngày 17/1, Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định cho ông Nguyễn Xuân Phúc thôi mọi chức vụ, và ngày 18/1, Quốc hội Việt Nam đã bỏ phiếu cho ông Phúc thôi chức Chủ tịch nước.
VOA nhận xét, “Đón nhận thông tin kể trên, trong khi nhiều người dân hoan hỉ, cũng có nhiều người khác bày tỏ trên mạng xã hội rằng càng có nhiều vụ kỷ luật, bắt bớ quan chức, bầu không khí đất nước càng ngột ngạt, trì trệ, đi xuống”.
VOA trích lời tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak có trụ sở ở Singapore, đánh giá về tình hình chính trị thượng tầng của Việt Nam sau các diễn biến hồi cuối năm 2022:
“Rõ ràng đang có sự bất ổn về chính trị ở Việt Nam. Cuộc chiến chống tham nhũng là đấu tranh nội bộ với nhau. Nó tạo ra bất ổn vì mọi người về mặt tâm lý mà nói là không tích cực. Mọi hoạt động bình thường bị xáo trộn. Hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương hiện làm việc không hiệu quả. Mọi người không muốn làm việc vì làm thì sợ bị sai. Nó là bất ổn chính trị ở tầng cao nhất”.
Một nhà quan sát chính trị, một tiếng nói phản biện được nhiều người biết đến, Giáo sư Nguyễn Đình Cống, nêu đánh giá với VOA:
“Nói là trì trệ cũng được, là bất ổn cũng được. Thực chất của trạng thái này làm một số người lo sợ, không dám hoạt động gì. Không biết ngày hôm nay là ông Phúc, ngày mai đến lượt mình hay chưa. Đây là trạng thái bất bình thường. Có lẽ gọi là khủng hoảng thì đúng hơn.”
Ở bất kỳ thể chế nào, bất kỳ quốc gia nào, khi mà có liên tục các thành viên trong bộ máy chính quyền bị bắt, bị buộc thôi chức vụ thì chắc chắn quốc gia đó đang ở trong tình trạng khủng hoảng chính trị. Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Điều khác biệt là, bất ổn chính trị ở các nước là do những quan điểm khác biệt của các đảng phái khác nhau, một khi không thể đạt được sự thỏa hiệp thì sẽ dẫn đến tình trạng đối đầu cứng rắn. Còn ở Việt Nam, quốc gia chỉ có độc đảng, bất ổn chính trị không phải do khác biệt về quan điểm, về tư tưởng, mà chỉ đơn thuần là quyền lợi. Các phe phái tranh chấp nhau để giành lấy quyền lợi về cho mình, cho phe của mình.
Bản chất cốt lõi của chính trị là có được chính quyền bằng việc nắm giữ quyền lực Nhà nước. Một nhà nước chính danh phải thỏa mãn 3 điều kiện:
- Mọi hoạt động của nhà nước đó phải đúng với hiến pháp quốc gia.
- Quốc hội và các chức danh lãnh đạo phải được người dân bầu chọn thông qua các cuộc bầu cử tự do và công bằng.
- Nhà nước đó được các quốc gia trên thế giới công nhận là hợp pháp.
Chỉ cần một trong ba điều trên vi phạm, thì có thể dẫn đến những bất ổn và mâu thuẫn nội tại triền miên. Mà ở Việt Nam thì vi phạm đến 2 điều là điều 1 và điều 2. Hiến pháp Việt Nam chỉ để làm cảnh, để cho đẹp mà khoe khoang với dân, với thế giới, chứ chính quyền Việt Nam thường xuyên chà đạp nó. Điều thứ 2 thì không cần bàn nhiều, ai cũng hiểu những cuộc bầu cử ở Việt Nam chỉ là “diễn”, là dàn dựng, hoàn toàn không có thực chất.
Vậy nên, bất ổn chính trị xảy ra ở Việt Nam cũng không phải là điều đáng ngạc nhiên.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Một đất nước không còn lý tưởng, không còn sự tử tế, đất nước đó sẽ về đâu?
>>> VinFast đâu ngại chơi ngông đối đầu Tesla
>>> Liệu Việt Nam và Trung Quốc có “chung tương lai” không?
Cái giá bắt tay Tập: Trọng thêm sức, ngư dân gặp hiểm nguy. Hoàng Sa ác mộng do ai?