Bưng bít thông tin dẫn tới mất lòng tin thì chính quyền sẽ chỉ chịu thiệt

Từ xưa đến nay, các chế độ độc tài luôn cố gắng thể hiện sự tốt đẹp, mà đa số là giả tạo của họ cho dân tình và quốc tế trông thấy. Nhà độc tài, nhóm độc tài nào cũng chỉ muốn coi mình là thánh nhân và chỉ muốn nghe những lời tâng bốc, ca tụng lên đến tận mây xanh. Vì vậy, họ luôn cố che đậy bằng hết những cái dở, những điều xấu xa, tội ác và sự bẩn thỉu, không để cho ai biết, không để cho ai thấy.

Do đó, biện pháp đương nhiên là bưng bít, là giấu nhẹm mọi thông tin bất lợi cho họ.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương – Nguyễn Trọng Nghĩa

Sự độc tài tập trung quyền lực trong tay một người hay một nhóm người, và không ai có quyền phản bác hay chỉ trích, do đó, thường xuyên để xảy ra sai lầm, hoặc xảy ra tội ác. Thói quen thích che dấu đó khiến cho họ che dấu cả những thông tin vô thưởng vô phạt và không cho phép người dân được thắc mắc, được ý kiến bất cứ điều gì, cho dù là rất nhỏ.

Ngày xưa, trong những xã hội bưng bít, đa số người dân không biết gì, chỉ câm lặng sống, tuy nhiên, vẫn luôn có một nhóm nhỏ muốn đi tìm sự thật, muốn nói lên sự thật, cho dù họ rất thiếu thông tin.

Nhưng thời cuộc đã thay đổi, với sự xuất hiện của internet thì các chế độ độc tài khó mà tiếp tục bưng bít thông tin, dù có là thông tin được bảo mật cao đến mức nào.

Tuy báo chí nhà nước vẫn tiếp tục hành xử như trước, nghĩa là vâng lời, chỉ đăng những tin đã được tuyên giáo kiểm duyệt. Nhưng mạng xã hội với những kênh cá nhân thì không thể bưng bít. Bịt được kênh này thì ngay lập tức đã có hàng ngàn kênh khác lan truyền thông tin. Cho dù chính quyền vẫn cố tình bịt, nhưng cách hành xử của họ chỉ khiến cho dư luận nghi ngờ, khiến cho bộ mặt của họ trở nên xấu xí và khiến cho người dân càng ngày càng mất niềm tin với họ.

Buổi họp báo của trường HUFLIT

Ví dụ như trong vụ nghi vấn sinh viên trường HUFLIT bị hiếp dâm, phản ứng của chính quyền càng nhanh, càng quyết liệt thì dân càng không tin. Đa số đều chọn tin các em sinh viên, vì tuổi trẻ các em không thể và không dám dựng lên một câu chuyện động trời như vậy.

Cách xử lý truyền thông vẫn đi theo lối mòn cũ khiến cho họ tự gây bất lợi cho chính họ. Bởi vì, khi không thỏa mãn với thông tin chính thức từ chính quyền, người dân sẽ tự đi tìm hiểu từ những nguồn thông tin bên ngoài.

Và như thế là gián tiếp tạo điều kiện cho tin giả, cho thuyết âm mưu tràn lan. Rồi đến lượt cả tin thật và tin giả đều sẽ tiếp tục dẫn dắt người dân mất lòng tin vào chính quyền, vào luật pháp.

Đồng thời cách xử lý không thỏa đáng thì chỉ khiến cho sự phẫn nộ trong lòng người dân bị dồn nén, cho đến một ngày nào đó sẽ bùng lên. Chính quyền có thể trấn áp được một lần, hai lần… nhưng đến một mức độ nào đó sẽ bị mất kiểm soát.

Chàng thanh niên Ai Cập Khaled Said

Câu chuyện về cái chết của chàng thanh niên Khaled Said do bị cảnh sát Ai Cập đánh đập tàn nhẫn, đã dẫn đến một cuộc cách mạng lật đổ một chế độ độc tài, luôn là bài học nhãn tiền cho các thể chế độc tài. Nguyên nhân của cuộc cách mạng Mùa xuân Ả Rập năm 2011, chính là do chính quyền của nhà độc tài Hosni Mubarak lựa chọn bao che cho những viên cảnh sát, bưng bít thông tin và đổ lỗi cho nạn nhân, khiến cho sự phẫn nộ bùng phát và chính quyền mất kiểm soát. Từ đó dẫn đến cuộc Cách mạng Mùa xuân Ả Rập lật đổ chế độ độc tài Mubarak.

Do đó, một chính quyền khôn ngoan sẽ lựa chọn minh bạch, giải quyết thỏa đáng những sai phạm, tội ác ở mức độ nhỏ, để tránh những đổ vỡ lớn hơn cho chế độ. Khi chọn minh bạch, chính quyền cũng sẽ lấy lại được lòng tin của dân.

Người dân bình thường luôn chỉ muốn có cuộc sống bình yên, chăm lo cho gia đình, cho mẹ già con thơ… Chẳng ai muốn đi lo chuyện bao đồng, suốt ngày tìm “âm mưu lật đổ chế độ”. Những người lên tiếng, hoặc là vì chính họ là nạn nhân, hoặc họ là người không chịu đựng được sự bất công của xã hội

Minh bạch thông tin, giải quyết sự bất công trong xã hội, như vậy mới lấy được lòng tin của dân chúng và chế độ mới trường tồn.

 

Xuân Hưng – thoibao.de (Tổng hợp)

.