Ngày 29/12/2022, Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos thuộc Hạ viện Mỹ đã kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho nhà báo độc lập bà Phạm Đoan Trang. Ủy ban này cho rằng, trường hợp của bà Trang là điển hình về vi phạm tự do truyền thông và tự do báo chí trên toàn thế giới. Đài VOA Tiếng Việt đưa tin trong một bài viết đăng ngày 5/1/2023.
Bài báo này cũng trích dẫn một twitter đăng ngày 22/12 của Dân biểu Hoa Kỳ Ro Khanna, người bảo trợ cho bà Phạm Đoan Trang. Dân biểu Ro Khanna viết: “Chúng tôi sẽ không ngừng đấu tranh cho tự do của bà Phạm Đoan Trang. Chính phủ Việt Nam đã nhắm mục tiêu và tra tấn bà vì bảo vệ nhân quyền. Cảm ơn Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos và tổ chức Phóng viên Không biên giới Quốc tế và tất cả mọi người đang đấu tranh để trả tự do cho bà ấy và tự do cho tất cả các tù nhân chính trị ở Việt Nam”.
Các dân biểu Hoa Kỳ yêu cầu Bộ Ngoại giao và Nhà Trắng gây áp lực lên nhà cầm quyền Việt Nam để trả tự do cho bà Trang.
Bài báo cũng trích dẫn nhận xét của bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, một cựu tù chính trị của Việt Nam, hiện đang tỵ nạn tại Houston, Texas, Hoa Kỳ, về trường hợp của bà Đoan Trang. Bà Quỳnh cho biết: “Bản án 9 năm tù giam mà Tòa án Nhân dân Hà Nội đã tuyên chính là đòn thù mà nhà cầm quyền Việt Nam đã dành để đáp trả cho lòng can đảm của Phạm Đoan Trang. Tôi hy vọng rằng, sự dấn thân của chị Đoan Trang sẽ tạo ra thay đổi tích cực trong một xã hội đầy sợ hãi, khiếp nhược”.
Bà Phạm Đoan Trang đã bị Công an Hà Nội bắt giữ vào tháng 10/2020 khi bà đang ở trong một nhà trọ tại Sài Gòn. Bà bị kết án 9 năm tù giam về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước” trong phiên tòa sơ thẩm ngày 14/12/2021, và y án phúc thẩm vào ngày 25/8/2022.
Những nhà báo khác bị chính quyền Việt Nam đang giam giữ, có thể kể đến như, Hội Nhà báo độc lập bị bắt giam 3 người, gồm: Nhà báo Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội; nhà báo Nguyễn Tường Thụy, Phó Chủ tịch và nhà báo Lê Hữu Minh Tuấn, thư ký của Hội. Nhóm Báo Sạch bị kết án và giam giữ 5 người, gồm: nhà báo Trương Châu Hữu Danh, nhà báo Nguyễn Phước Trung Bảo, nhà báo Đoàn Kiên Giang, nhà báo Nguyễn Thanh Nhã và nhà báo Lê Thế Thắng. Và nhiều nhà báo, bogger, Facebooker khác.
Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) thì xếp Việt Nam vào nhóm 5 quốc gia bỏ tù nhà báo nhiều nhất trên thế giới trong năm 2022. Trong đó, Trung Quốc đứng đầu với 110 nhà báo bị cầm tù, Myanmar 62, Iran 47, Việt Nam 39 và Belarus 31.
Theo RSF, chế độ Cộng sản Việt Nam dưới sự dẫn dắt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, vẫn tiếp tục nỗ lực đàn áp báo chí độc lập và truyền thông mạng xã hội. Trong 5 năm ông Trọng cầm quyền, số nhà báo bị bắt giữ tăng gấp đôi. RSF liệt Nguyễn Phú Trọng vào danh sách kẻ thù của báo chí.
Tổ chức phi chính phủ Freedom House có trụ sở tại Hoa Kỳ, trong báo cáo về “Tự do Internet 2022” công bố vào tháng 10/2022, cũng xếp Việt Nam là một trong 5 quốc gia có tự do internet kém nhất thế giới. Theo báo cáo này, Việt Nam chỉ đạt 22/100 điểm, trong đó có 12 điểm cho mục “trở ngại để truy cập”, 6 điểm cho “giới hạn nội dung” và 4 điểm cho “vi phạm quyền người dùng”.
Việt Nam chỉ xếp trên Cuba, Iran, Myanmar và Trung Quốc về tự do Internet.
Trong một tuyên bố vào tháng 10/2022, Chính quyền của Tổng thống Joe Biden khẳng định, việc thúc đẩy nhân quyền là “một yếu tố thiết yếu trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ và là chìa khóa cho sự cam kết liên tục của chúng tôi với Việt Nam trong khuôn khổ đối tác toàn diện”.
Chính quyền Việt Nam vẫn luôn bác bỏ việc họ giam cầm tù chính trị hoặc tù nhân lương tâm. Họ tuyên bố rằng, họ chỉ bắt giam và xét xử những người “vi phạm nhân quyền”.
Xuân Hưng – thoibao.de (Tổng hợp)