Link Video: https://youtu.be/5SE4lGuJCg4
Mấy ngày hôm nay báo chí đua nhau đăng tải thông tin về việc TP. HCM sẽ xoá bỏ mô hình tổ dân phố – tổ nhân dân, giữ lại cấp khu phố, ấp.
Vậy mô hình tổ dân phố – tổ nhân dân này là gì?
Theo cơ cấu hành chính, cấp phường, xã là đơn vị hành chính thấp nhất.
Còn tổ dân phố thì được hiểu là một hình thức tự quản của cộng đồng dân cư, sống trên cùng một địa bàn, một khu vực, thuộc quản lý của một phường, xã.
Như vậy, trên lý thuyết, tổ dân phố là do dân tự bầu, tự quản, nên nó sẽ đại diện cho người dân ở cộng đồng dân cư đó. Tuy nhiên, trên thực tế hoàn toàn ngược lại. Tổ dân phố chịu sự quản lý của cấp phường, xã, kể cả đảng uỷ, UBND, Mặt trận Tổ quốc phường, xã; và cả công an khu vực.
Tổ trưởng dân phố chỉ là người thừa hành các mệnh lệnh được cấp phường, xã ban xuống. Điều này được quy định rõ trong Thông tư 14/2018/TT-BNV.
Cụ thể, tổ trưởng dân phố có các nhiệm vụ:
- Triệu tập và chủ trì các hội nghị của thôn, tổ dân phố. Thông thường, các hội nghị này chỉ để truyền đạt các nghị quyết ở trên ban xuống, hoặc tổ chức tiếp xúc cử tri theo cơ cấu đã chọn. Người dân chẳng mấy ai muốn tham gia mấy loại hội nghị này.
- Vận động, tổ chức nhân dân thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở và hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Với nhiệm vụ này thì người tổ trưởng dân phố chỉ giữ vai trò đi nhắc nhở, hối thúc cư dân của mình thực hiện các quy tắc đã quy định abcd gì đấy, như kiểu đừng dựng xe chiếm lề đường, hay đừng vứt rác bừa bãi…
- Tập hợp, phản ánh đề nghị chính quyền cấp xã giải quyết những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của dân. Nhiệm vụ này là nhiệm vụ bất khả thi với vai trò một tổ trưởng dân phố. Cho dù có một người tổ trưởng rất có tâm vì dân, nhưng những đề đạt của họ sẽ chẳng có ai nghe, chẳng ai quan tâm.
- Báo cáo kịp thời với UBND cấp xã về những hành vi vi phạm pháp luật xảy ra trong thôn, tổ dân phố. Đây là nhiệm vụ buộc người tổ trưởng dân phố trở thành mật thám cho chính quyền, nhất là đối với những người bất đồng chính kiến. Trong một khu dân cư nhỏ, người bất đồng chính kiến sẽ bị chính người hàng xóm của mình, với vai trò tổ trưởng dân phố, theo dõi sát sao. Bất cứ một hành vi nào của người bất đồng chính kiến cũng bị theo dõi và báo cáo cho an ninh. Tổ dân phố là mắt xích cấp cơ sở nhỏ nhất để chính quyền theo dõi, kiểm soát công dân của mình.
Về quyền hạn của tổ trưởng dân phố:
- Tổ trưởng dân phố được quyền ký các hợp đồng về xây dựng công trình do nhân dân trong tổ đóng góp kinh phí. Đây là một quyền hạn khá “có màu”, nhất là ở một nơi phồn hoa như TP. HCM. Các công trình xây dựng như: Làm đường bê tông cho con hẻm, lắp đặt camera giám sát, làm cổng chào… Tất cả những hợp đồng xây dựng này đều có “lại quả”, và ở thành phố, việc thu tiền dân cũng không quá khó khăn như nông thôn. Thông thường, người dân có khó chịu thì cũng tặc lưỡi cho qua để khỏi phiền phức.
Người tổ trưởng dân phố còn là người rất thân cận với công an khu vực và cán bộ phường, xã. Nhờ những mối quan hệ này, người tổ trưởng sẽ dễ dàng hơn trong các công việc làm ăn của bản thân và gia đình. Nhất là với những người kinh doanh bất động sản, hoặc mở quán xá tại địa bàn.
Tóm lại, tổ trưởng dân phố chỉ là tay sai của chính quyền. Họ thay mặt chính quyền ở cấp cơ sở nhỏ nhất để sách nhiễu dân, gây ra những phiền phức cho dân bằng đủ cách, từ việc nhỏ nhất như đi đốc thúc treo cờ trong ngày lễ, đến những việc đi rình mò, làm mật thám cho an ninh… Họ hoàn toàn không đại diện cho dân.
Đến khi có khó khăn, hoạn nạn xảy ra thì không thấy họ đâu. Điển hình như đợt phong toả vì dịch Covid, trong khi người dân khốn khổ vì thiếu lương thực, thực phẩm, thiếu nhu yếu phẩm cần thiết… thì không thấy tổ trưởng dân phố xuất hiện. Dân ta thán rầm trời nhưng chẳng ai nghe.
TP. HCM tuyên bố sẽ xoá bỏ mô hình tổ dân phố – tổ nhân dân và khi thực hiện thì sẽ có 38.000 cán bộ nghỉ việc. 38.000 người này, quả thật là người dân không cần họ. Việc giảm bớt những vị trí này chỉ làm bớt tay chân của chính quyền và khiến người dân nhẹ nhõm. Tuy nhiên, cũng không nên vui mừng quá sớm, bởi không giống các địa phương khác, TP. HCM có đến 2 cấp cơ sở, đó là cấp khu phố – ấp, và cấp tổ dân phố – tổ nhân dân. Nếu bỏ đi tổ dân phố thì vẫn còn cấp khu phố. Mô hình 2 cấp cơ sở này đã tồn tại tại thành phố này từ khi những người Cộng sản nắm quyền, đến nay đã 47 năm.
Có vẻ như ngân sách thành phố đã cạn nên phải tìm cách đuổi bớt tay sai đi. Việc xoá bỏ tổ dân phố giúp cho ngân sách thành phố tiết kiệm được 45 tỷ đồng/năm, cũng không phải là con số nhỏ.
Kim Giang – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Kinh tế suy thoái, thất nghiệp tràn lan, bức tranh tương lai ảm đạm cho người Việt
>>> Vũ Đức Đam đã đến hồi thành củi, hay vẫn còn uy quyền để ém được vết chàm?
>>> Bộ Công an chọn 14 quan “gộc” để soi, cơ hội triệt hạ nhau hay chỉ là trò hề?
F88 – Công ty tài chính hay tín dụng đen có bảo kê