Link Video: https://youtu.be/mo-81Pyt0hU
Dư luận cho rằng Việt nam đã chọn phe sai khi bỏ phiếu chống lại quyết định loại bỏ Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ, thậm chí một chuyên gia có uy tín cho rằng Việt nam đã tự bắn vào chân mình. Với lá phiếu này, Việt Nam đã tự làm khó mình trong việc kêu gọi sự ủng hộ từ các nước Phương Tây.
Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã đình chỉ Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ vì các báo cáo về “những vi phạm và xâm hại nhân quyền trầm trọng và có hệ thống” gây ra bởi quân đội Nga xâm lược ở Ukraine.
Nỗ lực do Mỹ dẫn đầu được 93 nước biểu quyết ủng hộ, trong khi 24 nước chống và 58 nước bỏ phiếu trắng.
Số phiếu thuận đã vượt mức 2/3 cần thiết biểu quyết trong Đại hội đồng 193 thành viên ở New York – để loại bỏ Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền gồm 47 thành viên có trụ sở tại Genève.
Việt Nam cùng với Trung Quốc, Bắc Hàn… nằm trong số 24 nước bỏ phiếu chống lại nghị quyết này.
AP nhận định, đây là động thái hiếm thấy, nếu không muốn nói là chưa từng có với 1 trong 5 thành viên có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Libya bị đình chỉ vào năm 2011 vì bạo lực nhắm vào những người biểu tình gây ra bởi các lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo khi đó là Muammar Gaddafi.
Đại sứ Mỹ Linda Thomas-Greenfield gọi cuộc bỏ phiếu là “một khoảnh khắc lịch sử“.
Đại sứ Thomas-Greenfield đã phát động chiến dịch đình chỉ Nga trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc khi các video và hình ảnh về thị trấn Bucha, ngoại ô thủ đô Kiev được lan truyền sau khi các lực lượng Nga rút đi.
Cho rằng Việt nam đang tự làm khó mình trước quốc tế, Facebooker Thương Hồ bình luận:
“Đã không có dân chủ, nhân quyền lại muốn kiếm ghế trong hội đồng nhân quyền. Muốn thể hiện mình có nhân quyền lại đi phe với thằng vi phạm nhân quyền. Rồi đây, trong quan hệ với các nước lớn, họ cứ lôi vấn đề nhân quyền ra nói mãi là thấy mệt rồi. Lần này CSVN tự làm khó mình rồi.”
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, giáo sư Carlyle Thayer từ trường đại học New South Wales, nước Úc, cho biết quan điểm của ông về sự kiện này:
“Tôi có thể nói rằng Việt Nam đã tự bắn vào chân mình. Việt Nam vẫn luôn tự hào với vị thế của mình trên trường quốc tế, vì là một nhân tố quan trọng, nhưng nay bất cứ quốc gia nào phản đối hành vi của Nga thì cũng sẽ không ủng hộ Việt Nam.
Việt Nam đã từng rất thành công trong việc được bầu làm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an hai lần, và được khối các nước châu Á đồng thuận ủng hộ, nhưng bây giờ thì e rằng sự thuận lợi đó sẽ không còn nữa.
Và nếu Việt Nam tiếp tục có những lá phiếu như lần này thì họ sẽ mất thêm sự ủng hộ, bởi vì Hoa Kỳ và toàn bộ thế giới Phương Tây chắc chắn sẽ không hài lòng, và họ sẽ ủng hộ nước khác thay vì Việt Nam, hay nói cách khác, tại sao họ phải ủng hộ Việt Nam khi Việt Nam về phe Nga.”
Cho rằng Việt Nam sợ tạo ra tiền lệ và chính mình sẽ rơi vào hoàn cảnh của Nga sau này, tuy nhiên môi trường quốc tế hiện nay đang khiến Việt Nam không thể tiếp tục đường lối ngoại giao đu dây nữa, vì sự chia rẽ giữa các nước lớn đang ngày càng trở nên sâu sắc. GS Carlyle Thayer nói:
“Tôi cho rằng trong hoàn cảnh này thì không lãnh đạo cấp cao nào của Việt Nam có thể thực hiện một chuyến đi đến Châu Âu, dù là vì vấn đề thương mại hay gì đi nữa, bởi vì chuyện này sẽ được lôi ra, nếu không bởi một thành viên của nghị viện Châu Âu thì cũng bởi một nước nào đó. Với hành động lần này Việt Nam đã khiến mình bị sơ hở rất nghiêm trọng.”
“Quan điểm của tôi là trong những năm sắp tới thì nước Nga sẽ không bao giờ có thể đóng vai trò gì đáng kể đối với Việt Nam.
Ngày nào mà Putin còn nắm quyền thì Nga sẽ còn suy yếu về mặt kinh tế và bị cô lập.
Nước này giờ đây giống như như chất độc phóng xạ, nếu ta chạm vào thì sẽ bị bệnh. Và đây sẽ là vấn đề rất lớn vì Việt Nam với Nga có mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau.”
Từ Texas, Hoa kỳ, GS Nguyễn Chính Kết, đưa ra bình luận trên VOA rằng:
“Nếu trước một tội ác tầy trời như của Nga đối với Ukraine mà Việt Nam không dám lên tiếng phản đối, lại chống lại việc loại bỏ Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc thì các quốc gia khác trên thế giới sẽ tiếp tục không thể tin tưởng vào lương tâm của Cộng sản Việt Nam.
Nhà nước Cộng sản Việt Nam coi như là bị lệ thuộc vào Nga và Trung Quốc rất nhiều cho nên không dám làm những gì mà ngược lại ý muốn của Nga và Trung Quốc. Các nước khác sẽ nhìn thấy Việt Nam giống như là một chư hầu của Trung Quốc hay của Nga vậy thôi”.
Phát biểu trên VOA, nhà báo Nguyễn Lân Thắng ở Hà Nội cho biết ông không ngạc nhiên trước việc bỏ phiếu chống của Việt Nam:
“Bởi vì Việt Nam đang ở cái thế mà buộc phải chọn phe…Cả một hệ tư tưởng và rất nhiều vấn đề ngoại giao, chính trị, kinh tế, quân sự…họ phụ thuộc vào các nước đồng minh như Nga, Trung Quốc.
“Cho nên khi vào tình huống mà họ không đu dây được nữa thì họ bị buộc phải chọn phe. Tuy nhiên, việc này sẽ gây ra khó khăn rất lớn cho đất nước Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.”
“Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine rất phi nghĩa và rất nhiều nước trên thế giới đã phản đối cuộc xâm lược này. Trong thời điểm này mà chọn phe như vậy thì chắc chắn rằng trong tương lai các giao thương, ngoại giao sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì Việt Nam không chỉ dựa vào phe đồng minh mà phải nhờ vào rất nhiều các mối quan hệ với các nước văn minh”.
“Khi mà lãnh đạo đất nước chọn phe ngược với nhân dân thì đất nước sẽ lầm than…!”, ông Thắng nhận định.
Dư luận quốc tế vừa qua đã có một cơn chấn động sau vụ giết hại thường dân của quân đội Nga ở Bucha gần thủ đô Kyiv, nhiều quốc gia đã cáo buộc Nga gây ra tội ác chiến tranh, một số ý kiến cho rằng Moscow đã phạm tội diệt chủng.
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho rằng các vụ sát hại thường dân ở Bucha và các thị trấn khác gần thủ đô Kyiv “phải được gọi là hành động diệt chủng “.
Thủ tướng Anh Boris Johnson nói các cuộc tấn công nhằm vào dân thường ở Bucha “không khác diệt chủng là bao“.
Đại Quang – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Nga bắn tên lửa giết chết Ít nhất 35 thường dân ở nhà ga xe lửa Kramatorsk, Ukraine
>>> Võ Hoàng Yên và Phan Văn Mãi, Hai “kẻ thù” của Nguyễn Phương Hằng có quan hệ “mờ ám” gì?
>>> Nguyễn Phương Hằng gặp họa chồng họa, hết Võ Văn Thưởng tấn công Tô Ân Xô đánh bồi?
Nga bị đuổi khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc