Link Video: https://youtu.be/pfaM9P_gKFE
Một đoạn video mới đây ghi lại cảnh các binh sĩ Trung Quốc ném đá và chửi bới lăng mạ những công nhân xây dựng không vũ trang của Việt Nam ở tỉnh Hà Giang, khu vực giáp giới với Trung Quốc.
Sự kiện diễn ra giữa bối cảnh xuất khẩu nông sản của Việt Nam đang bị điêu đứng khi hàng ngàn xe tải chở nông sản bị tắc nghẽn nhiều tuần lễ ở biên giới vì chính sách phòng dịch mới của Trung Quốc.
Đoạn video do tài khoản tên “Lee Ann Quann” đăng lên trang Twitter vào ngày 3/1 cho thấy hàng chục lính Trung Quốc đang ném đá về phía những chiếc xe xúc đất được cho biết là của nhóm công nhân Việt Nam đang làm công trình dọc bờ sông phía Việt Nam để chống xói lở.
Nhận định về sự việc, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, một nhà nghiên cứu cao cấp khách mời thuộc Viện ISEAS (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á) của Singapore, nói với VOA rằng có thể khẳng định hành động của binh sĩ Trung Quốc là do “nhận lệnh từ Bắc Kinh”.
Ông cho biết thêm: “Trung Quốc họ không đồng ý cho công nhân Việt Nam đắp ở chỗ bờ bên này của suối nước.
Lý do của họ là nó sẽ cản dòng nước và (làm cho) dòng nước chảy về phía bờ của Trung Quốc, làm xói bờ phía Trung Quốc và làm đổ hàng rào mà Trung Quốc xây ở đó.
Họ nói rất rõ và còn trưng cả khẩu hiệu phản đối bằng tiếng Việt lẫn tiếng Trung Quốc”.
Phía Việt Nam sau đó đã giải thích rằng việc đắp bờ không ảnh hưởng đến Trung Quốc và tiếp tục làm công trình nên dẫn đến vụ “ném đá” trên, vẫn theo TS. Hà Hoàng Hợp.
“Phía bên kia, Trung Quốc họ nói không được thì họ đưa người dân ra biểu tình, đả đảo, nhưng cũng không được nữa thì họ ném đá. Họ không ném vào công nhân Việt Nam nhưng họ ném vào mấy chiếc xe xúc. Không một người Việt Nam nào bị thương cả”, TS. Hà Hoàng Hợp cho biết.
Hành động “ném đá” của người Trung Quốc đối với Việt Nam, theo ông, giống hệt như những gì đã diễn trong giai đoạn đầu cuộc xung đột biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ.
“Lúc đầu, người Trung Quốc chỉ ném đá vào các lều của người Ấn Độ ở biên giới thôi, là những lều không có người, những lều mà lính Ấn Độ trữ thực phẩm, gạo, thức ăn và mấy con heo…
Nhưng sau đó (xung đột) tăng lên rất nhanh, (Trung Quốc) bắt đầu ném vào những lều mà lính (Ấn Độ) ở, rồi ném đá vào nhau, đánh nhau, đẩy nhau xuống vực chết”, TS. Hà Hoàng Hợp nói, đồng thời cho rằng đây là một dấu hiệu “không tốt”, mặc dù khả năng xảy ra xung đột vũ trang như trong trường hợp của Ấn Độ là không cao, “nhưng không phải là không có”.
Theo nhận định của nhà nghiên cứu của Viện ISEAS, Việt Nam và Trung Quốc cho tới nay không thể coi là có “hoà bình”, vì dù không có tiếng súng đạn, nhưng hai quốc gia láng giềng lâu nay vẫn ở trong tình trạng “chiến tranh” trên rất nhiều mặt trận.
“Không đánh nhau bằng súng đạn, mà đánh nhau thứ nhất là bằng thông tin: chiến tranh thông tin”, TS. Hà Hoàng Hợp nói.
Ông dẫn chứng sự việc gần nhất xảy ra trong tuần này là một Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển Đông của chính quyền Trung Quốc đã đăng một bài viết trên nhật báo lớn nhất của nước này là tờ “Trung Quốc Ngày Nay”, nói rằng dân binh biển Việt Nam đã đóng các tàu sắt 400 tấn, thay vì tàu gỗ truyền thống, trong đó có trang bị vũ khí như vòi rồng, súng, máy bắn cung… và thậm chí hành động như cướp biển, đánh cướp và đe doạ tàu cá của các nước khác.
“Họ vu khống Việt Nam, và đấy là chuyện đơn giản nhất của chiến tranh thông tin”, TS. Hà Hoàng Hợp nói.
Một cuộc chiến khác “rất mạnh” cũng đang xảy ra giữa Việt Nam và Trung Quốc là cuộc chiến không gian mạng. Hàng chục ngàn cuộc tấn công từ bên ngoài, mà chủ yếu là từ Trung Quốc, vào các mạng lưới máy tính của Việt Nam mỗi tuần là một dẫn chứng, vẫn theo TS. Hà Hoàng Hợp.
Một điểm khá đặc trưng là Trung Quốc thường áp dụng “chiến thuật vùng xám” trong các cuộc chiến trên mọi lĩnh vực đối với Việt Nam, từ việc đưa các tàu gọi là “tàu nghiên cứu” đi ngang dọc các vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền cho đến sự kiện gần đây là dùng chính sách “Zero COVID”, mà TS. Hà Hoàng Hợp nói là một “lý do dối trá” để biện minh cho các hành động gây sức ép của Bắc Kinh nhằm chặn đứng khu vực biên giới, gây điêu đứng cho nông sản Việt Nam.
Tựu trung lại, những hành động trên thực tế cho thấy Trung Quốc có một kế hoạch tấn công tổng hợp và chặt chẽ trên mọi lĩnh vực nhắm vào các quốc gia láng giềng có tranh chấp chủ quyền với họ, đặc biệt là Việt Nam.
Riêng trong lĩnh vực biên mậu, ngoài các lý do theo kiểu “kiếm cớ” của Trung Quốc, TS. Hà Hoàng Hợp cho rằng phía Việt Nam cũng cần phải nhìn nhận và điều chỉnh cung cách làm ăn kinh doanh của mình cho phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, để có thể đối phó với một Trung Quốc “rất chịu khó học hỏi” các quy định quốc tế kể từ sau khi nước này được vào Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO).
Ông nói:“Từ phía Việt Nam cũng phải nhìn thấy rằng mình cần phải học và thực hiện các quy chế thương mại, từ chất lượng hàng hoá cho đến vệ sinh, tiêu chuẩn… ký như thế nào thì phải làm đúng như thế, chứ không phải sang đó rồi cười với nhau rồi bảo ‘Giảm giá rồi ông mua đi cho tôi’. Không phải thế!”
Tuy nhiên, TS. Hà Hoàng Hợp lưu ý ngay cả khi các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện nghiêm chỉnh theo các tiêu chuẩn thương mại quốc tế, thì vẫn không loại trừ khả năng phía Trung Quốc tiếp tục dùng các chiêu trò để gây sức ép và làm thiệt hại cho Việt Nam.
Ban tiếng Trung của BBC tại London sau khi tìm hiểu câu chuyện đã cho biết: “Không thấy truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, cũng không thấy các mạng xã hội đề cập. Nhưng có một vài tài khoản mạng xã hội của người Hoa hải ngoại đăng lại một video có vẻ nguồn gốc ban đầu từ trang TikTok.”
Bản tin ngày 4/1 của Ban tiếng Việt đài châu Á Tự do (RFA) nói: “Vụ việc không rõ xảy ra ở đoạn nào ở biên giới, tuy nhiên người đăng tải clip là tài xế xe ben chở đất dạo gần đây cho việc thi công các công trình xây dựng bờ kè biên giới ở Lào Cai.”
Trả lời BBC News Tiếng Việt, một nhà nghiên cứu Trung Quốc học, thạc sỹ Ngô Tuyết Lan từ Hà Nội, chuyên theo dõi thông tin trong nước Trung Quốc cho biết cũng không thấy truyền thông chính thống Trung Quốc đưa tin về sự kiện này.
“Nếu là xung đột nhỏ trong thời gian ngắn thì chuyện chỉ dừng ở đây,” bà Lan nói thêm.
Bà Tuyết Lan cho biết trên mạng thấy một số tài khoản viết tiếng Hoa bình luận về video này.
Theo bà, có tài khoản tiếng Hoa nói địa điểm xảy ra xung đột là cửa khẩu Bắc Phong Sinh, tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam.
Có tài khoản thì nói 8 người ném đá vào công nhân Việt Nam đang thi công là bộ đội biên phòng của Trung Quốc.
Như thế, hiện vẫn chưa rõ vụ việc cụ thể nói trên xảy ra ở Lào Cai, hay Quảng Ninh.
Trong thời gian qua, khi tình hình dịch bệnh Covid tại Việt Nam vẫn tiếp tục tăng, Trung Quốc đã siết chặt hơn các cửa khẩu giữa hai nước, khiến “hàng nghìn xe hàng VN” buôn bán tiểu ngạch bị ách lại.
Các nhà quan sát cho BBC News Tiếng Việt hay việc giải toả giao thương biên giới có khi “mất cả sáu tháng đầu năm 2022“, và có thể còn sang nửa năm nay.
Dư luận Việt Nam cũng lan truyền tin về đường rào cao Trung Quốc cho xây mấy năm qua ít nhất là ngăn đường biên giới với Quảng Ninh và Lạng Sơn của Việt Nam.
Công trình này được nói là để “chặn lây truyền Covid” và chống buôn lậu, gồm cả buôn lậu người.
Mới đây nhất, một thành phố ở Quảng Tây “bêu riếu” bốn người TQ bị cáo buộc “giúp người nhập cư lậu từ Việt Nam” sang nước họ, theo BBC News, bản tiếng Anh hôm 29/12/2021.
Trang tin nhà nước Guangxi Daily cho biết hành động kỷ luật này nhằm ngăn chặn “tội phạm qua biên giới” và khích lệ sự tuân thủ các quy tắc phòng ngừa dịch bệnh.
Truyền thông TQ thì mô tả tình hình dịch Covid ở khu vực biên giới với Việt Nam là “nghiêm trọng và phức tạp“.
Hoàng Trung – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Hai scandal liên tiếp: Cổ phiếu FLC của Trịnh Văn Quyết và Tân Hoàng Minh ‘bỏ cọc’
>>> Để cứu nhân viên ‘bị bỏ đói’, bệnh viện Tuệ Tĩnh xin Bộ Y tế tạm ứng 10 tỉ đồng
>>> Chuyện gì đang xảy ra với “giới siêu giàu”?
Giỗ cụ Lê Đình Kình: Nghĩ về vòng xoáy tội ác — Vòng xoáy đau thương
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT