Link Video: https://youtu.be/4eS7laaOGJg
Báo chí nhà nước Việt Nam hôm 29/7 đồng loạt đưa tin cho biết Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV đã bế mạc với những tiền lệ thành công chưa từng có.
Đơn cử như ý kiến của của Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên được truyền thông nhà nước trích dẫn cho biết, chưa kỳ họp nào phải rút ngắn một nửa thời lượng… và cho rằng với tinh thần khẩn trương, khoa học và trách nhiệm, nên dù giảm thời lượng nhưng chất lượng của kỳ họp không hề thay đổi.(!?) Hay có những thông tin như: ‘Có những báo cáo được hoàn thành vào lúc nửa đêm để kịp phục vụ Quốc hội’…
Ông Nguyễn Khắc Mai – nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên Cứu, Ban Dân vận Trung ương ĐCSVN, khi trả lời RFA hôm 30/7, nhận định về kỳ họp này:
“Bây giờ mình đã có một Quốc hội hiện thực, nó đã hình thành, mặc dù cách nó hình thành thì cá nhân tôi không thích tí nào cả. Cuộc họp Quốc hội ấy tôi chú ý đến ý kiến của các ông Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chánh án Nguyễn Hòa Bình. Về những lời phát biểu gọi là thông điệp, khi họ thề thốt trước Quốc hội có đưa ra… thì tôi khen họ là có đưa ra được một vài đạo lý. Tôi nghĩ nó đúng thôi, họ nói không sai, nhưng mà nó chung chung, thành ra cũng sẽ khó thực hiện. Ví dụ như ‘Đại đoàn kết dân tộc’ hài hòa ba thứ là kinh tế, xã hội và môi trường… Nhưng đó là đạo lý chung chung, tôi cũng nghĩ được như thế, nhưng với họ phải có cái gì đấy cụ thể hơn, sâu sắc hơn, chính xác hơn và khả thi hơn.”
Ông Nguyễn Khắc Mai khen những vị lãnh đạo này biết nói ‘Đại đoàn kết dân tộc’… Nhưng ông Mai chê những người này không hiểu rõ thế nào là ‘Đại đoàn kết dân tộc’.
Tôi khen họ là có đưa ra được một vài đạo lý. Tôi nghĩ nó đúng thôi, họ nói không sai, nhưng mà nó chung chung, thành ra cũng sẽ khó thực hiện.
-Ông Nguyễn Khắc Mai
Ngoài ra, các cơ quan truyền thông do nhà nước quản lý như VOV còn cho rằng, kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV dù diễn ra trong thời gian ngắn khi chương trình được rút gọn để tập trung chống COVID-19, song các nội dung đều được bàn thảo thẳng thắn với nhiều phát ngôn ấn tượng trên nghị trường.
Thông tin này cũng có phần đúng khi mấy ngày qua, dư luận mạng xã hội bức xúc khi đại biểu Quốc hội (ĐBQH)- Giáo sư Lê Quân tại kỳ họp này đã phát biểu kiến nghị cần phải đảm bảo học phí cũng là rào cản kỹ thuật để tránh việc học sinh lao vào đại học và trở thành “học đại”.
Một ĐBQH phát biểu một cách ngô nghê khiến nhiều người cho rằng ĐBQH bây giờ là những người thích nói và không cần biết đúng hay không đúng đến mức nào. Họ không cần biết trách nhiệm trong phát biểu của ĐBQH có thể ảnh hưởng đến dư luận như thế nào? Tại sao một người được cho là đại diện cho dân mà lại phát biểu không cần biết người dân nghĩ gì?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, một nhà ngôn ngữ học đang giảng dạy tại Đại học Sư phạm TPHCM, khi trả lời RFA nhận định:
“Họ nói như thế, hay họ nói những chuyện quái đản hơn nữa thì tôi không lấy làm lạ. Tại vì cái đề nghị đó không liên quan gì đến chuyện họ có trúng cử hay không. Hãy tưởng tượng trong một xã hội được tổ chức sao cho một ĐBQH nói năng làm trò cười cho thiên hạ, thì ngay sau đó họ nhận ngay hậu quả, không bao giờ người dân bỏ phiếu cho họ được, thì tự nhiên các ĐBQH sẽ trở nên thông minh hơn, dè dặt hơn, và trước khi nói gì họ phải uốn lưỡi bảy tám lần. Nhưng bây giờ tất cả do một người nào đó không phải người dân quyết định số phận của họ. Cho nên họ chỉ cần được lòng người kia, chứ không cần biết họ giỏi hay dốt. Vì vậy họ nói như thế hay điên rồ hơn gấp 10 lần cũng không lạ.”
Ngoài ra, các phát biểu của các ĐBQH là các lãnh đạo chóp bu của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam cũng được báo chí trong nước đặt biệt khen tặng, tung hô… Đơn cử như phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ then chốt là xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức, của đảng viên…
Ông Trần Bang, một người bất đồng chính kiến, khi trả lời RFA hôm 30/7, nhận định về phát biểu của ông Thủ tướng Phạm Minh Chính:
“Thứ nhất tôi thấy hình như các ông này còn quen việc của bên tổ chức trung ương Đảng nhiều hơn là một ông Thủ tướng… Ổng nói phải củng cố tổ chức Đảng trong Chính phủ, tăng cường trách nhiệm cá nhân, nói chung là ổng nói như một người xây dựng Đảng nhiều hơn là một ông Thủ tướng. Tôi cũng không dám phê phán riêng cá nhân ổng, vì ông là người được Đảng phân công ngồi vào ghế mà tôi nghĩ quá to, quá rộng so với tầm của ổng. Cảm giác như ổng không đọc Hiến pháp, nhiệm vụ của một ông Thủ tướng được Hiến pháp quy định rõ là người đứng đầu hành pháp. Mà VN có đặc điểm Thủ tướng cũng là Ủy viên Bộ Chính trị, ĐBQH luôn, thành ra ba vị trí nằm trong ghế đó. Nhiệm vụ Thủ tướng là gì thì gần như ông không thuộc bài. Chẳng hạn thực hiện nhiệm vụ hành pháp thì phải nói ra là định trình dự luật gì và chính sách gì trong nhiệm kỳ này? Nhưng ông ta lại chỉ nói về chính sách Đảng.”
Hay như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, ngay tại Kỳ họp lần này của Quốc hội, những chi phí không thực sự cần thiết như hoa trang trí đều được cắt giảm tối đa… Phát biểu này cũng được báo Nhà nước ca ngợi.
Liên quan vị trí của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, ông Trần Bang cho rằng ‘ghế’ của ông Huệ cũng quá lớn so với ông ấy. Ông Bang nói tiếp:
“Chủ tịch Quốc hội quan trọng nhất là sửa đổi Hiến pháp, ra luật và sửa đổi luật, giám sát sử dụng luật… Nhưng ổng không nói được câu nào liên quan, mà chỉ nói chuyện chống lãng phí, ngay cả việc mua hoa tươi của Quốc hội phải giảm, đó là chuyện rất nhỏ. Chống lãng phí cũng cần nhưng đó thuộc ngành tư pháp giải quyết án tham nhũng, Quốc hội chỉ giám sát hoặc sửa luật để giảm tham nhũng, lãng phí. Hay anh phải ra được luật gì đó cho dân được mở miệng, như luật biểu tình, hay sửa luật để có tự do ngôn luận, báo chí tư nhân được ra… Anh phải ra luật theo nguyện vọng nhân dân, mà về chủ quyền anh không nói, khiếu kiện đất đai không nói… Hay dự luật khẩn cấp chống dịch… tuyên bố tình trạnh khẩn cấp… Các ổng cũng không đưa ra.”
Tôi cũng không dám phê phán riêng cá nhân ổng, vì ông là người được đảng phân công ngồi vào ghế mà tôi nghĩ quá to, quá rộng so với tầm của ổng. Cảm giác như ổng không đọc hiến pháp, nhiệm vụ của một ông thủ tướng được hiến pháp quy định rõ là người đứng đầu hành pháp.
-Ông Trần Bang
Và cuối cùng ông Trần Bang cho biết cảm thấy thất vọng nhất về Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Duyên… khi ông này cho biết, đối với các dự án chậm tiến độ, thua lỗ kéo dài từ nhiều năm trước, hướng giải quyết là khẩn trương định giá đúng, giải quyết dứt điểm, đúng luật, hợp tình hình để Nhà nước không mất thêm tiền và mất thêm người vào các dự án kém hiệu quả. Ông Bang đưa ra dẫn chứng:
“Tôi đặc biệt thất vọng về Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên, cái ghế đó cũng quá rộng. Bộ Công thương không phải Bộ Đầu tư, ổng nói theo quan điểm ngày xưa, chủ quản hết các ngành. Bây giờ Thép Hòa Phát, VinFast đâu thuộc các ổng chủ quản, bây giờ cổ phần rồi mà ổng nói như thời bao cấp. Công thương là công nghiệp và thương mại, phải nói về các hiệp định thương mại quốc tế, phải nói chuyện mở rộng thị trường để đưa hàng hóa VN đến dễ dàng nhất với chi phí thấp nhất… thì không nói. Còn về công nghiệp, phải phát triển công nghiệp gì để thu nhập người lao động tăng lên… giá trị hàng hóa tăng, thương hiệu được thế giới biết đến… phải có chính sách để khuyến khích doanh nghiệp…”
Ngoài ra, theo ông Trần Bang, Bộ Công thương phải có những rào cản kỹ thuật, để ngăn những hàng hóa độc hại rẻ tiền nhập vào Việt Nam. Không dung túng việc nhận hối lộ, tham nhũng để đưa những hàng này vào làm chết ngành công nghiệp trong nước. Đó là những việc ngành công thương phải làm, trong khi ông Bộ trưởng Công thương lại nói như một ông ‘tổ trưởng’ của một cái Bộ.
Theo nhà hoạt động Trần Bang, các ĐBQH vì không thể nói gì hay hơn, mà chả lẽ trong lúc họp lại không nói gì, nên phải nói, nhưng nói toàn điều ngớ ngẩn, và đúng là nghị gật theo nghĩa đen chứ không phải nghĩa bóng nữa.