Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=eeab7B1VAj0
Nhiệm vụ của Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam (MTTQ VN) năm 2021 là sẽ tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ, thường xuyên, kịp thời phản ánh đầy đủ thực tế tình hình nhân dân.
Vai trò “thật mà giả”?
Đó là nội dung vừa được Chủ tịch MTTQ Trần Thanh Mẫn nêu tại hội nghị đánh giá việc thực hiện Quy chế phối hợp công tác của Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ VN diễn ra ngày 11/3.
Nhiệm vụ của MTTQ cũng được Thủ tướng VN đồng thuận khi ông cho rằng nếu không tăng cường khối đại đoàn kết, không đồng thuận xã hội thì khó có thể thành công.
Trao đổi với RFA từ Sài Gòn, Nhà báo độc lập, Blogger Nguyễn Ngọc Già nhận định về phát biểu của người đứng đầu chính phủ Việt Nam:
“Tôi không có gì bất ngờ khi họ sử dụng phép ngụy biện trong vấn đề họ cho là không đồng thuận xã hội thì không thành công.
Thực tế đã chứng minh không đồng thuận xã hội họ vẫn thành công trong rất nhiều vấn đề như xăng tăng giá, trạm BOT hoặc những vấn đề hầu như người Việt nào cũng biết như vụ Formosa, vụ Hồ Duy Hải và mới nhất là vụ Đồng Tâm.
Rõ ràng xã hội rất không đồng thuận, rất phẫn nộ và nhiều cảm xúc bi quan.
Nếu như nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vẫn thành công trong những vấn đề đó thì MTTQ VN hoàn toàn mờ nhạt, đúng vai trò là một bình hoa trang trí trong chế độ độc đảng toàn trị.”
Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn kinh tế của Ủy ban Trung ương MTTQ VN tại cuộc họp cũng cho rằng trong thời gian qua, các chính sách của Chính phủ lẽ ra nhận được nhiều đồng thuận xã hội hơn nếu có sự tham gia thảo luận và có ý kiến của MTTQ.
Từ Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Phát Triển IDS nêu ra quan điểm của ông cho rằng vẻ bề ngoài của MTTQ rất hay, nhìn có vẻ dân chủ, có vẻ từ dưới lên, lấy chuyện dân chủ cơ sở, của người dân.
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Quang A đưa ra nghi vấn thực chất MTTQ có làm đúng được mong muốn, ý kiến thật của người dân hay chỉ làm ra vẻ ý kiến của người dân? Ông lập luận:
“Nếu Mặt trận họ làm được vai trò đứng ra tổ chức chứ không nói, để những người họ mời đến hay để cho bất kể ai đến đấy có thể nói được, thường là những tổ chức liên quan đến các chính sách đó tức của người dân dân, của doanh nghiệp, của các tổ chức xã hội dân sự, của người tiêu dùng… có đối thoại. Lúc đó quy trình làm chính sách rất tốt.
Còn chỉ nói cho MTTQVN với tư cách như cánh tay nối dài của Đảng cộng sản luôn nói họ là đại diện cho nhân dân, vấn đề là họ mời một vài người chuyên môn tán thưởng chính sách thì kiểu thảo luận như thế mang tính hình thức, lãng phí thời gian và vô bổ, hoàn toàn vô nghĩa.”
Nguỵ biện, mị dân?
Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng khi Đảng cộng sản Việt Nam đã chiếm quyền dân thì người dân không có vai trò gì, dẫn đến MTTQ cũng chỉ mang tính hình thức, không đại diện người dân.
Theo ông Nguyễn Ngọc Già, phía nhà cầm quyền hiện đưa lại vai trò của MTTQ VN vì hai lẽ sau:
“Thứ nhất là vừa rồi vụ Đồng Tâm quá kinh khủng trong xã hội, ngay cả những người vẫn còn yêu thương đảng cũng đã có những ý kiến, lời lẽ phẫn nộ nhất.
Thứ hai là chuẩn bị cho việc bầu cử Quốc hội sắp tới nên họ vẽ ra, vờ vịt ra những thành công của họ do phối hợp họ gọi là nhịp nhàng giữa chính phủ và MTTQVN. Tôi nghĩ rằng đây là những điều mị dân ai cũng thấy rõ.”
Theo số liệu được đưa ra ngày 11/3, MTTQ các cấp trong 5 năm qua đã vận động được hơn 27.000 tỷ đồng cho Quỹ ‘Vì người nghèo’ và chương trình an sinh xã hội.
Đồng thời MTTQ đã xây mới và sửa chữa hơn 198.000 căn nhà đại đoàn kết; hỗ trợ hơn 9 triệu lượt người nghèo và cận nghèo, nạn nhân chất độc da cam và đối tượng khó khăn với tổng giá trị gần 6.400 tỷ đồng.
Ngoài ra, MTTQ đã tổng hợp và phản ánh đến Chính phủ hơn 34.000 ý kiến của nhân dân về 19 nhóm vấn đề.
Nhận xét về những thành quả của MTTQ VN hoàn thành trong 5 năm qua, Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng:
“Họ nâng vai trò của MTTQVN qua những con số mà thú thật tôi đọc tôi giật mình.
Họ cho rằng họ huy động tới 27.000 tỷ đồng cho Quỹ người nghèo, tức hơn 1 tỷ Đô la Mỹ nhưng thực tế thì xã hội vẫn nghèo, người nghèo vẫn rất nghèo.
Đây là phép ngụy biện thống kê, tức họ đưa ra những con số không ai kiểm chứng được, chỉ có họ, tức nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam biết con số là thật hay giả nên nó rơi vào phép ngụy biện thống kê, anh đưa ra những con số không ai kiểm chứng được, những thành công giả tạo để anh che giấu.”
Trong những bản tin được truyền thông nhà nước đăng tải, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc khi nói về nhiệm vụ của MTTQ VN trong 5 năm tới đã nhận định rằng chính phủ và MTTQ cần phối hợp chặt chẽ, phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam trong việc xây dựng, hoạch định chính sách, hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Trong đó, các chính sách, thể chế pháp luật không thể tách rời quyền lợi của nhân dân, không lắng nghe ý kiến của nhân dân.
TS Nguyễn Quang A cho rằng nếu muốn xây dựng chính sách như lời người đứng đầu bộ máy chính phủ vừa nêu, việc đầu tiên là phải thay đổi:
“Vấn đề thủ tục làm thế nào, cách làm thế nào mới quan trọng, còn theo cách mà như tôi hiểu MTTQVN như bây giờ, người đứng đầu, toàn bộ bộ máy đấy do đảng cộng sản Việt Nam chỉ định, có mạng lưới dài đến tận làng, tận xã và những người đấy được coi là cán bộ, tức một bộ phận của của guồng máy thì tôi nghĩ rằng không đạt được mục đích tốt đẹp như họ mong muốn.”
Bầu cử Quốc hội: Tự do ứng cử nhưng phải do Đảng kiểm tra, xét duyệt
“Phấn đấu số người ngoài đảng trúng cử vào Quốc hội khoá mới từ 25 đến 50, tức là chiếm từ 5 đến 10%” là điều mà bà Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất của Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ vào sáng 4/2.
Tuy vậy, Ban Tổ chức Trung ương Đảng vừa ra công văn về “Công tác nhân sự đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân (HĐND) các cấp”, yêu cầu Hội đồng bầu cử Quốc gia, Ban Thường vụ các tỉnh uỷ, thành uỷ phải quán triệt thực hiện chỉ thị và kết luận của Bộ Chính trị về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Trong đó, điều 5 của công văn này ghi rõ “Đối với người ngoài Đảng ứng cử, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan xem xét, kết luận về tiêu chuẩn chính trị và chịu trách nhiệm về kết luận của mình.”
Theo quan điểm của luật sư Nguyễn Văn Đài, trong những năm quan trọng của MTTQ Việt Nam, cứ 5 năm một lần, họ thay mặt Đảng Cộng sản đứng ra tổ chức các Hội nghị hiệp thương của cuộc bầu cử Quốc hội, cũng như Hội đồng Nhân dân các cấp.
Ủy ban MTTQ Việt Nam là cánh tay nối dài của Đảng Cộng sản Việt Nam, trên 90% là đảng viên Cộng sản. Đó không phải là một cơ quan độc lập trong việc đánh giá những ứng cử viên đại biểu Quốc hội. Cho nên, khi để cho những người ở trong MTTQ đánh giá những ứng viên ngoài đảng về quan điểm, tư tưởng, lập trường chính trị thì hoàn toàn là không khách quan và không công bằng:
“Theo Hiến pháp Việt Nam thì tất cả mọi công dân Việt Nam đều có quyền tự ứng cử cũng như tham gia bầu cử của Quốc hội, mà ở đây đã gọi là công bằng thì không phân biệt giàu nghèo, thành phần giai cấp hay là phân biệt quan điểm, lập trường, tư tưởng chính trị, không phân biệt về tôn giáo.
Vậy, khi cơ quan của Đảng Cộng sản mà đánh giá những quan điểm độc lập hay quan điểm đối lập với Đảng Cộng sản để nhằm mục đích loại những ứng cử viên đó ra. Tức là họ chỉ chọn những ứng cử viên mặc dù không phải là đảng viên của Đảng Cộng sản nhưng lại có những quan điểm và lập trường ủng hộ cho sự cai trị của Đảng Cộng sản Việt Nam.”
Ông Nguyễn Đình Hà, là người đã tự ứng cử Đại biểu Quốc hội năm 2016 nói rằng quy định này của Ban Tổ chức Trung ương Đảng nhằm để loại các ứng viên độc lập có quan điểm khác với Đảng, chỉ để lại những người ngoài Đảng nhưng phải “phò Đảng” mới được lọt vào danh sách ứng viên ĐBQH cuối cùng:
“Bầu cử Quốc hội ở Việt Nam có ba vòng hiệp thương. Vòng đầu tiên là vòng hồ sơ. Vòng thứ hai là hiệp thương tại nơi làm việc và nơi cư trú và vòng thứ ba là lựa chọn danh sách ứng cử viên cuối cùng.
Theo như tiêu chí của quy định mà bên Ban Tổ chức Trung ương đảng đưa ra như thế thì người ta sẽ loại bỏ ngay hồ sơ của những người ngoài Đảng mà họ cho là không đạt tiêu chuẩn ngay từ vòng nộp hồ sơ. Việc này sẽ làm tăng sự khó khăn cho các ứng cử viên độc lập ngoài Đảng.
Trong cái thông báo đó còn có chữ “tiêu chuẩn chính trị”, thì thế nào là đáp ứng đủ tiêu chuẩn chính trị?
Ở đây không phải là việc người ta có đáp ứng về chuyên môn hay những yêu cầu của một đại biểu Quốc hội hay không, mà đây là người ta có thấm nhuần tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng Cộng sản hay không. Đó là một điều rất mơ hồ. Có nghĩa rằng đảng đang lọc ra những người có xu hướng thân với đảng và phò Đảng.”
Bầu cử Quốc hội không thể hiện ý chí nhân dân
Ngày 1/3, Báo Thanh Niên phỏng vấn ông Hầu A Lềnh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, là cơ quan chủ trì hiệp thương, lựa chọn người ứng cử Quốc hội. Ông Hầu A Lềnh khẳng định tất cả các khóa bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp từ trước đến nay không cản trở những người tự ứng cử, vì đây là quyền của công dân.
Trái ngược lời ông Lềnh, ông Đình Hà cho biết, khi tự ứng cử hồi năm 2016, ông luôn bị các cơ quan chức năng gây khó dễ nhằm loại hồ sơ ngay từ vòng đầu:
“Khi tôi tham gia ứng cử đại biểu quốc hội năm 2016 thì hồ sơ của tôi đã bắt đầu bị gây khó khăn bằng việc Chính quyền cấp phường là nơi xác nhận vào bảng sơ yếu lý lịch của ứng viên Đại biểu Quốc hội đã phê vào đó những lời không tốt về tôi, và những lời đó hoàn toàn trái với quy định của pháp luật và trái với quy định của Ủy ban bầu cử hướng dẫn.
Pháp luật quy định rõ ràng rằng khi mà xác nhận vào sơ yếu lý lịch thì chỉ xác nhận là người đó có cư trú ở đó hay không mà thôi chứ không được quyền nhận xét về cá nhân, phẩm chất của người ta như thế nào.”
Lan Anh – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Nguyễn Phú Trọng dùng kế “Đả Thảo Kinh Xà” nhắm vào Hoàng Trung Hải?
>>> Nguyễn Thị Kim Ngân mất quyền lực và số phận 300 chiếc áo dài
>>> Bị réo tên trước tòa, Lê Hoàng Quân “tái mặt”?
Ai giúp Chu Ngọc Anh hạ Nguyễn Đức Chung?
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT