Trung Quốc phản ứng với việc rò rỉ danh sách 1,95 triệu đảng viên Đảng Cộng Sản Trung Quốc có thể làm gián điệp

Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=fcqZOBNxK9M

Trong bối cảnh một danh sách tiết lộ chừng 1,95 triệu đảng viên Cộng sản “làm việc cho các cơ quan lãnh sự nước ngoài và chi nhánh các công ty nước ngoài đặt tại Trung Quốc với mục đích hoạt động tình báo” bị rò rỉ, tờ Hoàn Cầu Thời báo, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), như mọi khi, đã bẻ lái dư luận trong và ngoài nước theo hướng có lợi cho Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Những ngày gần đây, một số tờ báo của Anh và Úc loan tin có nhiều đảng viên cộng sản đang làm việc tại các cơ quan lãnh sự nước ngoài ở Thượng Hải và tại chi nhánh của các hãng nước ngoài ở Trung Quốc.

Trước đó, tổng cộng có 1,95 triệu danh tính đảng viên Cộng sản Trung Quốc bị một nhà đối lập sao chép từ một máy chủ ở Thượng Hải vào năm 2016.
Bên cạnh đó, cũng có thông tin cho rằng danh sách này bị rò rỉ trên ứng dụng trò chuyện Telegram.

Tháng 09/2019, danh sách được cung cấp cho Liên minh các nghị sĩ về tình hình Trung Quốc (IPAC – Inter-Parliamentary Alliance on China), bao gồm khoảng 150 thành viên của quốc hội 18 quốc gia và Nghị viện châu Âu. Liên minh này theo sát các hoạt động và ảnh hưởng của chính phủ Trung Quốc.

Vào tháng 10, nhóm nghị này chuyển tài liệu cho bốn hãng truyền thông là The Australian ở Úc, The Mail on Sunday ở Anh, De Standaard ở Bỉ và một nhà xuất bản tại Thụy Điển.

Ảnh chụp màn hình bài báo ngày 12/12/2020 của The Mail on Sunday đăng trên trang web của Daily Mail có tựa đề “Các hồ sơ bị rò rỉ cho thấy sự xâm nhập hàng loạt của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào các công ty Anh bao gồm AstraZeneca, Rolls Royce, HSBC và Jaguar Land Rover”

Tờ The Mail on Sunday cho biết số lượng 1,95 triệu đảng viên ĐCSTQ này được phân bổ tại hơn 79.000 cơ quan chi nhánh, khi gia nhập đảng họ đều tuyên thệ “bảo vệ bí mật của đảng và trung thành với đảng, phấn đấu cho chủ nghĩa cộng sản và không bao giờ phản bội đảng.”

Tờ báo này đã xác định được bộ phận đảng viên ĐCSTQ đã xâm nhập Lãnh sự quán (LSQ) của Anh ở Thượng Hải, các ngân hàng lớn, công ty dược phẩm nổi tiếng Pfizer và hãng hàng không khổng lồ Boeing…

Trong số đó, một đảng viên ĐCSTQ từng học tại Đại học St Andrews, Vương quốc Anh đã liên tiếp làm việc trong nhiều Lãnh sự quán ở Thượng Hải, bao gồm cả LSQ Anh.

Điều nguy hiểm là, chỗ ngồi của đảng viên này trong LSQ gần một nhóm của cơ quan tình báo Anh MI6 ở Thượng Hải, nên khả năng là các nhân viên tình báo do Anh cử sang Trung Quốc rất có thể đã bị ông ta nắm được.

Một quan chức cấp cao ở Trung tâm Whitehall của Chính phủ Anh xác nhận rằng, chỗ ngồi của “người đó” tại LSQ Thượng Hải rất gần với nhóm MI6 và có thể nhận ra các nhân viên tình báo. Tin tức này đã làm dấy lên lo ngại về các vấn đề an ninh.

Ngoài ra, tờ The Mail on Sunday còn bất ngờ phát hiện rằng các học giả Trung Quốc từng thề sẽ hỗ trợ ĐCSTQ này cũng đã xâm nhập vào các trường đại học của Vương quốc Anh và tham gia vào các lĩnh vực nghiên cứu nhạy cảm, bao gồm kỹ thuật hàng không vũ trụ và hóa học. Đồng thời, các hãng hàng không vũ trụ lớn như Airbus, Boeing, Rolls-Royce… đã tuyển dụng hàng trăm nhân viên là đảng viên ĐCSTQ.

Hơn nữa, vào năm 2016, trong số nhân viên tại 19 chi nhánh của HSBC và Standard Chartered, có hơn 600 đảng viên ĐCSTQ; các đại gia dược phẩm Pfizer của Mỹ và AstraZeneca của Anh Quốc đã bị 123 đảng viên ĐCSTQ “len lỏi” vào.

Tờ The Australian của Úc cũng ghi nhận ít nhất 10 tòa lãnh sự tại Thượng Hải có nhân viên là đảng viên của ĐCSTQ.

Ảnh chụp màn hình bài báo đăng trên Tờ The Australian của Úc về danh sách đảng viên ĐCSTQ làm việc trong các cơ quan ngoại giao và doanh nghiệp nước ngoài

Một số làm việc từ hơn một thập niên và đôi khi ở những chức vụ chiến lược như là chuyên gia chính trị và kinh tế.

Các báo phương Tây nói rõ là đến nay không có bằng chứng là các đảng viên này làm công tác theo dõi tình báo cho Trung Quốc.

Tuy nhiên, thông tin này tạo ra lo ngại rằng việc cơ quan nhà nước và tập đoàn Tây phương thuê mướn đảng viên Trung Quốc, có thể khiến xảy ra rủi ro an ninh.

Theo tin tức tổng hợp từ Vision Times, giới chức Anh đã bảy tỏ sự lo ngại sâu sắc trước thông tin này đồng thời kêu gọi chính quyền phải hành động.

Cựu lãnh đạo Đảng Bảo thủ Anh, ông Iain Duncan Smith phát biểu, cuộc điều tra này chứng minh rằng các đảng viên ĐCSTQ hiện đã phân bố trải rộng khắp thế giới và len lỏi vào các công ty đa quốc gia, các cơ sở học thuật và đơn vị ngoại giao quan trọng nhất thế giới. Chính phủ cần phải hành động ngay lập tức để trục xuất các đảng viên ĐCSTQ ra khỏi các LSQ trên khắp Trung Quốc.

Cựu quan chức ngoại giao Anh, đồng thời là chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc, ông Matthew Henderson, chỉ ra rằng điều này càng chứng tỏ mức độ Trung Quốc đã thâm nhập sâu vào các cơ quan của Vương quốc Anh như thế nào. ĐCSTQ đang có ý đồ tạo một lỗ hổng giữa Anh và Mỹ, để lật đổ các nền dân chủ và vượt qua phương Tây. Ông nói: “Chúng tôi đang khiêu vũ với những con sói cộng sản.”

Ông Sam Armstrong, một cố vấn thuộc Tổ chức nghiên cứu về Chính sách Đối ngoại của Hiệp hội Henry Jackson ở London, Vương quốc Anh, nhận định rằng vụ việc liên quan đến các đảng viên ĐCSTQ là vô cùng đáng lo ngại. Điều này minh họa cho cuộc xâm lược toàn cầu của ĐCSTQ. “Chúng ta không thể phớt lờ nó, chúng ta phải trực tiếp đối mặt.”

Trung Quốc tất nhiên là không thể ngồi im trước những thông tin chấn động bị rò rỉ trên.

Ảnh chụp màn hình bài báo ngày 14/12 trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo cáo buộc phương Tây thổi phồng danh sách đảng viên ĐCSTQ bị rò rỉ để gieo rắc mối bất hòa trong các tổ chức nước ngoài

Trong bài viết hôm 14/12 , Hoàn Cầu Thời Báo cáo buộc báo chí phương Tây đang mở chiến dịch ‘săn lùng’ khi loan tin có danh sách tiết lộ chừng 1,95 triệu đảng viên Cộng sản “làm việc cho các cơ quan lãnh sự nước ngoài và chi nhánh các công ty nước ngoài đặt tại Trung Quốc với mục đích hoạt động tình báo“.

Cơ quan ngôn luận của Bắc Kinh đặt câu hỏi về tính chính xác của danh sách trên, và nói thêm rằng việc đánh đồng một đảng viên với việc người đó làm tình báo và tạo nên mối nguy về an ninh là “lố bịch và không hiểu biết gì về xã hội Trung Quốc“.

Báo này dẫn lời một trong những người có tên trong danh sách bị tiết lộ, Giáo sư Chen Hong từ Đại học Sư phạm Hoa Đông, nói rằng ông chưa bao giờ là đảng viên Cộng sản Trung Quốc mà là đảng viên một đảng phái khác trong hệ thống chính trị Trung Quốc.

Báo này cũng dẫn lời một số người, nói rằng việc coi đảng viên Cộng sản là rủi ro an ninh là một ví dụ khác cho thấy các thế lực chống Trung Quốc không hiểu biết gì về xã hội nước này.

Một người ẩn danh nói với Hoàn Cầu Thời Báo rằng người này “vào Đảng từ khi còn học đại học“, sau đó đi làm cho một hãng nước ngoài và “việc tôi là đảng viên Cộng sản không liên quan gì tới công việc tôi làm“.

Một người khác thì nói với dân địa phương, việc vào Đảng Cộng sản “là một vinh dự” khiến người ta muốn “công khai khoe với mọi người“, trong lúc với phương Tây thì Đảng Cộng sản bị bôi vẽ thành “một con quái vật“.

Hoàn Cầu Thời Báo nói rằng mục tiêu của chiến dịch “săn phù thủy” trên là nhằm làm nhiễu loạn nhận thức của công chúng phương Tây, qua đó ép chính phủ phải áp dụng một số chính sách, mà trong trường hợp này là nhằm “đàn áp các đảng viên Cộng sản“.

Hoàn Cầu kết luận đây là “thủ đoạn thường thấy của các thế lực chính trị phương Tây“.

Giới quan sát nhận định rằng danh sách bị rò rỉ này liên quan đến hoạt động tình báo của ĐCSTQ ở các nước trên thế giới, khiến giới phương Tây khó có thể chấp nhận và nhiều khả năng dẫn đến làn sóng “tẩy chay”.

Ảnh chụp màn hình thông báo về danh sách các đảng viên ĐCSTQ làm việc trong các định chế nước ngoài trên trang Inter-Parliamentary Alliance on China (IPAC), một nhóm tập hợp 150 nghị sĩ các nước có chung lo ngại về Trung Quốc

Con số 1,95 triệu người này không nhất thiết toàn là điệp viên và vây cánh, nhưng chắc chắn sẽ là mục tiêu phòng ngừa của các nước.

Đặc biệt trong bối cảnh Mỹ đang thúc đẩy làm sạch nội bộ trước tình hình bị thâm nhập nên việc rò rỉ danh sách này chắc chắn mang lại lợi ích to lớn cho Mỹ, đây là đòn chí mạng đối với ông Tập Cận Bình.

Gần đây Mỹ đã có những động thái quan trọng trong trừng phạt các đảng viên ĐCSTQ, bao gồm lệnh cấm nhập cư trước đây và việc thắt chặt hạn chế thị thực du lịch gần đây.

Từ lâu nhiều người đã suy đoán rằng dường như có thế lực bên trong ĐCSTQ hợp tác với Mỹ trong việc triển khai các biện pháp trừng phạt đối với thành viên ĐCSTQ và hy vọng sẽ làm tan rã ĐCSTQ từ bên trong.

Vào ngày 07/12 sau khi Bộ Tài chính Mỹ thông báo biện áp chế tài đối với 14 Phó ủy viên trưởng Ban Thường vụ Nhân đại toàn quốc của ĐCSTQ nhằm đáp trả chính sách của ĐCSTQ đối với Hồng Kông, nhà bình luận Lưu Nhuệ Thiệu (Liu Ruishao) của Hồng Kông cũng có chỉ ra rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ đã leo thang và dự đoán lệnh trừng phạt tiếp tục sẽ gây ra hiệu ứng dây chuyền trong nội bộ ĐCSTQ.

Cùng theo ông Lưu, đến nay nội bộ ĐCSTQ đang rất mâu thuẫn về chính sách của ĐCSTQ hiện nay, chứ không riêng gì giới lãnh đạo quân đội.

Hoàng Trung – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Nguyễn Phú Trọng rút, Nguyễn Xuân Phúc – Trần Quốc Vượng „đánh nhau“

>>> “Đốt lò” củi lạ – Phe phái trong đảng giành nhau vào Đại hội 13

>>> Âu – Mỹ cần nói không với « ngoại giao chiến lang » Trung Quốc

Nạt VN – TQ “ăn đòn” ngược từ Âu, Mỹ

Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT