Hôm 29 tháng 10 vừa qua, một số báo mạng nhà nước Việt Nam có đăng bài viết cảnh báo tình trạng đảng viên nghỉ hưu, thôi việc là nghỉ hẳn sinh hoạt đảng đang diễn ra tại một số tỉnh miền núi Tây Bắc.
Trong bài viết có dẫn lời ông Đỗ Trường Sơn, Bí thư Thành ủy Lào Cai rằng: “Nếu đồng chí nào khi nghỉ hưu nghỉ luôn sinh hoạt đảng đó là người cơ hội, vào Đảng chỉ vì chức vụ quyền hạn, chỉ phục vụ công việc của mình.”
Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng, chuyện bỏ sinh hoạt đảng sau khi về hưu hay nghỉ việc xảy ra với rất nhiều đảng viên. Ông phân tích:
“Cái chuyện người ta về hưu người ta bỏ sinh hoạt đảng thì nó rất phổ biến, trừ những người phải làm chức gì đấy như tổ trưởng dân phố hay chức gì đấy thì họ còn sinh hoạt thôi. Còn đa số thì cứ lặng lẽ bỏ sinh hoạt đảng. Số ấy đông lắm.
Có người chán Đảng, bỏ Đảng một cách đường hoàng. Có thể công khai, có thể không công khai. Mỗi người có một hoàn cảnh. Người ta lặng lẽ bỏ. Cũng có những người thì về hưu rồi không còn có gì ‘chấm mút’ được nữa thì thôi, không sinh hoạt đảng nữa. Đấy cũng là một kiểu bỏ đảng. Thực sự có rất nhiều kiểu bỏ Đảng.”
Trong sáu năm qua, người ta nhận thấy có hai đợt bỏ Đảng. Đợt thứ nhất vào năm 2014. Những người bỏ Đảng lúc đó có một viên chức ngoại giao Việt Nam tại Thụy Sĩ là ông Đặng Xương Hùng; một đảng viên Cộng sản lão thành là ông Lê Hiếu Đằng; một người từng làm việc cho cơ quan an ninh Việt Nam là Tiến sĩ Phạm Chí Dũng; một Trung tá Quân đội là Tiến sĩ- Bác sĩ Đinh Đức Long.
Đến năm 2018, 14 đảng viên tuyên bố ra khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ trong 10 ngày sau khi ông Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học- Công nghệ, Giám đốc kiêm Tổng Biên Tập Nhà xuất bản Tri thức bị Ban Kiểm Tra Trung ương Đảng Cộng sản đề nghị kỷ luật.
Nghệ sĩ Kim Chi là một người trong số đó. Bà chính thức tuyên bố từ bỏ Đảng Cộng sản vào ngày 4 tháng 11 năm 2018.
Bà cho biết đã quyết định bỏ Đảng một cách lặng lẽ từ năm 2013. Nhưng cũng như Giáo sư Mạc Văn Trang, bà thấy rằng sự kiện Chu Hảo là giọt nước tràn ly. Bà không thể khi nhắm mắt mà vẫn còn mang danh hiệu đảng viên Cộng sản. Bà kể:
“Tôi rất thân với anh Lê Hiếu Đằng. Lúc ngồi nói chuyện với ảnh tôi có nói chắc là đã đến lúc anh em mình ra khỏi Đảng. Anh Đằng nói rằng chuyện này phải tính toán kỹ. Ít lâu sau thì anh Đằng mất. Tôi không thể lỗi hẹn với người đã mất. Tôi nói chuyện với anh Chu Hảo, cụ Nguyễn Trọng Vĩnh, tôi đã viết tuyên bố, nhưng mọi người khuyên là ở lại có thể làm được điều gì đó. Tôi cũng nghĩ thế, vì trong Đảng cũng có những người tốt, không phải ai là đảng viên đều khốn nạn cả.”
Theo ông Nguyễn Quang A, việc bỏ Đảng hay bỏ sinh hoạt đảng là quyền của đảng viên. Nếu không sinh hoạt ba tháng thì về nguyên tắc là sẽ bị loại trừ ra khỏi Đảng. Nhưng vì Đảng thích con số nên vẫn để nguyên để cho thấy vẫn có nhiều đảng viên.
Theo con số được đưa ra tại kỳ Đại hội 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng 1 năm 2016 thì toàn Đảng có hơn 4,5 triệu đảng viên.
Ông Đặng Hùng Võ, một đảng viên Đảng Cộng sản cho rằng, điều lệ Đảng cho phép khi về hưu hoặc là ở trong trạng thái không còn hoạt động gì nữa thì có thể làm đơn xin không sinh hoạt. Tuy vậy, cũng có người lơ luôn chuyện làm đơn. Ông nói:
“Nói chung là khi về hưu rồi hoặc khi không còn hoạt động gì nữa thì về mặt quy định là phải có đơn xin thôi sinh hoạt đảng. Còn nếu ai không có đơn mà cứ lờ đi không sinh hoạt đảng là không thực hiện đúng quy định.
Thường thì ai mà còn hoạt động cho xã hội thì vẫn buộc phải sinh hoạt đảng. Còn những người về hưu rồi thì họ có thể làm đơn xin miễn sinh hoạt đảng.
Tôi cũng biết có mấy người làm cho Ngân hàng Thế giới lơ sinh hoạt đảng sau khi về hưu. Họ cho rằng về hưu rồi thì không làm gì nữa cho nên sinh hoạt đảng cũng không thiết thực lắm. Cũng có những người về hưu rồi nhưng vẫn rất hăng hái sinh hoạt với phường, sinh hoạt với địa phương.”
Ông Đặng Hùng Võ cho biết ông vẫn tham gia sinh hoạt đảng bình thường, nhưng vì không còn làm cho nhà nước nữa nên nội dung sinh hoạt cũng chỉ là phổ biến chủ trương, đường lối bây giờ. Thế thôi. Ông giải thích thêm chuyện sinh hoạt đảng của ông sau khi về hưu:
“Thường thì chi bộ họp mỗi tháng một lần. Trong lần họp đó thường là thỏa luận về chủ trương, đường lối của Đảng, thảo luận về công việc; ai làm tốt ai làm chưa tốt; công việc có vướng mắc gì chẳng hạn…
Theo tôi thì những sinh hoạt đảng có khoảng 60% là giống như chính quyền. Còn 40% là có các nghị quyết của Đảng hoặc chủ trương, đường lối. Rồi đến kỳ kiểm điểm cuối năm thì có phần phê bình và tự phê bình. Khi không sinh hoạt nữa thì thôi.”
Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền tại Việt Nam, được đảm bảo bằng Điều 4 Hiến pháp 1980. Đảng lấy Chủ nghĩa Marx-Lenin và Tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động.
Ông Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Đảng không phải là nơi để thăng quan, tiến chức, để phát tài. Vào đảng là để phục vụ nhân dân, phục vụ giai cấp, đảng viên phải trở thành người con hiếu thảo của tổ quốc, của giai cấp”; “Đảng ta là đảng lãnh đạo cách mạng. Ngoài lợi ích của nhân dân Đảng ta không có lợi ích nào khác.
Vì vậy, cán bộ và đảng viên phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phải là người đầy tớ hết sức trung thành của nhân dân.”
Dư luận cho rằng, không phải đảng viên nào cũng có lý tưởng như rao giảng của ông Hồ Chí Minh. Họ vào Đảng vì nhiều đặc quyền, đặc lợi, tham nhũng. Cũng từ đó mà nhiều đảng viên bị kỷ luật. Tính đến nay, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM và cấp ủy các cấp đã xử lý gần 2.850 đảng viên trong nhiệm kỳ 2015-2020, trong đó 270 người bị khai trừ đảng.
Nhiều đảng viên cấp cao bị kỷ luật hoặc bị truy tố hình sự, vào tù. Chẳng hạn như Phó Đô đốc Nguyễn Văn Tình – nguyên Ủy viên TƯ Đảng, nguyên Ủy viên Đảng uỷ Quân sự TƯ, nguyên Bí thư Đảng uỷ, nguyên Chính uỷ Quân chủng Hải quân bị xác định trong thời gian từ tháng 11/2005 đến tháng 1/2008, chịu trách nhiệm người đứng đầu cấp uỷ về những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng của Ban Thường vụ Đảng uỷ Quân chủng Hải quân nhiệm kỳ 2005 – 2010. Ông Nguyễn Văn Tình bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.
Đô đốc Nguyễn Văn Hiến – nguyên Ủy viên TƯ Đảng, nguyên ủy viên Đảng ủy Quân sự TƯ, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Tư lệnh Quân chủng Hải quân được xác định mắc vi phạm trong quản lý và sử dụng đất quốc phòng. Ông Nguyễn Văn Hiến bị 4 năm tù về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Tòa án nào xét xử Đảng CSVN khi vi phạm Hiến pháp và pháp luật?
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, vào hôm 28/10, phát biểu tại trụ sở Tòa án Nhân dân Tối cao, thành phố Hà Nội, và được truyền thông Nhà nước Việt Nam trích dẫn nguyên văn:
“Thẩm phán phải là những chiến sỹ kiên trung trên mặt trận đấu tranh bảo vệ pháp chế, bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật; gương mẫu, đi đầu trong thực hiện trách nhiệm nêu gương. Các toà án phải tăng cường công tác chính trị, tư tưởng; rèn luyện phẩm chất đạo đức để mỗi cán bộ, thẩm phán luôn nhận thức đầy đủ, rõ ràng trách nhiệm trong thực thi công vụ. Hoạt động trong môi trường xét xử, phán quyết tính đúng sai của các sự kiện pháp lý, cán bộ, thẩm phán thường xuyên phải đối mặt với những cám dỗ của tiền bạc, vật chất, quyền lực, lợi ích cá nhân. Vì vậy, hơn lúc nào hết, hệ thống toà án càng phải chăm lo giữ vững bản chất cách mạng và tính tiên phong của Đảng; tuyệt đối không để người dân nghi ngờ về đức thanh liêm của thẩm phán”.
Lời phát biểu này đã được Báo Tuổi Trẻ Online, trong cùng ngày đăng tải và chạy tít với câu nói của bà Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân “Tuyệt đối không để người dân nghi ngờ về đức thanh liêm của thẩm phán”.
PGS-TS. Mạc Văn Trang, trên trang Facebook cá nhân đã nêu câu hỏi vì sao lại “tuyệt đối không để người dân nghi ngờ về đức thanh liêm của thẩm phán”?
“Không có một cái gì là tuyệt đối cả. Bởi vì con vật biết nghi ngờ. Khi một người lạ cho con vật ăn cái gì đó thì nhiều lúc nó không ăn. Con chó, chẳng hạn, còn nghi ngờ, ngửi và nhìn người cho nó đồ ăn. Thế cho nên nghi ngờ là một phản xạ tự nhiên của động vật. Còn đối với con người thì không những có phản xạ mà còn có tư duy. Con người luôn luôn phải biết nghi ngờ, mà nhờ vào đó thì mới có tò mò, khám phá và mới có phản biện, tiến bộ, khoa học, mới tìm tòi chân lý. Cho nên khi nói “tuyệt đối không để dân nghi ngờ” thì lời phát biểu đó rất là không hiểu gì cả. Có thể nói là rất ấu trĩ và ngu. Điểm thứ hai là không nghi ngờ sự thanh liêm của thẩm phán. Về vế đầu ‘tuyệt đối không để dân nghi ngờ’ thì đã là một cái sai. Thêm vế thứ hai là ‘tuyệt đối không để dân nghi ngờ về sự thanh liêm của thẩm phán’ thì trở thành hài hước. Bởi vì, tòa án và thẩm phán tại Việt Nam có thanh liêm hay không thì người dân ai cũng biết rồi. Bao nhiêu vụ án oan, án sai được người dân biết rất rõ, nhất là vụ án Hồ Duy Hải, vụ án của ông Thanh Chấn và đặc biệt là vụ đại án Đồng Tâm.”
Không ít cư dân mạng cho rằng bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu như vậy cho thấy một sự áp đặt độc đoán lên người dân Việt Nam.
Cựu tù nhân lương tâm-thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung đăng tải ý kiến của anh rằng “Dân nghi ngờ thẩm phán thì cứ vu cho là ‘thế lực thù địch’ rồi bắt nhốt thôi. Thế là không còn ai dám nói tôi nghi ngờ nữa”.
Bên cạnh lời phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, lời phát biểu của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, ông Nguyễn Hòa Bình càng gây chú ý trong công luận nhiều hơn.
Ông Nguyễn Hòa Bình khi đề cập đến những bài học thành công của hệ thống tòa án Việt Nam suốt 75 năm qua, đã nói rằng trước hết tuyệt đối trung thành với sự nghiệp của Đảng, tuân thủ sự lãnh đạo và toàn diện của Đảng; tổ chức thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng; thượng tôn pháp luật và tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc tư pháp đã được hiến định.
Tiến sĩ Giáo dục Mạc Văn Trang có lời nhận xét với RFA rằng ông Nguyễn Hòa Bình đã phát biểu rất trung thực về hệ thống tòa án Việt Nam xét xử theo chỉ đạo của Đảng CSVN.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Văn Đài, xác nhận:
“Điều đó chắc chắn nói đến có sự can thiệp từ bên Đảng. Bởi vì theo nguyên tắc của Hiến pháp quy định rằng thẩm phán chỉ tuân theo sự thật khách quan của pháp luật thôi. Tuân thủ luật thì không được chấp nhận mọi sự can thiệp từ bên ngoài. Thế nhưng khi ông Bình nói đến vấn đề trung thành với Đảng hay tuân thủ đường lối, chính sách của Đảng thì rõ ràng đã khác rồi. Bởi vì trong một số vấn đề giữa đường lối, chính sách của Đảng CSVN với một số vụ án rất khác nhau, đặc biệt trong vụ án chính trị. Bởi vì người dân đấu tranh dân chủ thì họ chỉ thể hiện khát khao quyền tự do dân chủ của họ thôi, nhưng khi Đảng can thiệp và đưa quan điểm chính trị của họ vào thì rõ ràng sẽ làm cho những thẩm phán không còn khách quan, công bằng trong xử lý những vụ án như vậy nữa.”
Luật sư Nguyễn Văn Đài nhấn mạnh thêm rằng bản chất củng cố hệ thống chính trị Cộng sản thì không có tam quyền phân lập mà Đảng lãnh đạo Việt Nam coi ngành công an, viện kiểm sát và tòa án chỉ là công cụ để bảo vệ quyền lực và lợi ích của Đảng CSVN, chứ không phải là ngành độc lập.
Một số ý kiến trong dư luận bày tỏ trên mạng xã hội rằng “Tòa án Nhân dân” nên đổi tên thành “Tòa án Đảng Cộng sản Việt Nam”.
Cựu tù nhân lương tâm, anh Nguyễn Tiến Trung lập luận rằng “Đảng CSVN vi phạm Hiến pháp và luật pháp trong việc tước đoạt quyền làm chủ của nhân dân thì đâu có tòa án nào dám xét xử Đảng”.
Thu Thủy – Thoibao.de (tổng hợp)
>>> Đảng che giấu tài sản – Dân tan vỡ lòng tin
>>> Ba Đình ngập trong “xú uế” – 10.000 tấn rác rác rải khắp thủ đô
>>> Thủy Tiên phát tiền – Đảng vào “trấn lột”
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT