Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) hôm 18/10 kêu gọi Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga “gây sức ép” với chính phủ Việt Nam trong chuyến công du đầu tiên của ông tới đây để Hà Nội “cải thiện hồ sơ nhân quyền”.
Thủ tướng Suga chính thức thăm Việt Nam kể từ ngày 19/10. Nghị trình làm việc của ông được cho biết sẽ xoay quanh hai lĩnh vực chính là hợp tác về kinh tế và quốc phòng.
Truyền thông Nhật Bản nói Thủ tướng Suga dự kiến sẽ thúc đẩy các nỗ lực nhằm đạt được một “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Trước đó, vào ngày 16/10, tổ chức Theo dõi Nhân quyền có trụ sở ở New York, Mỹ, gửi một văn thư kêu gọi ông Suga “nêu quan ngại về tình trạng vi phạm các quyền dân sự và chính trị lan rộng khắp Việt Nam, trong đó có quyền tự do biểu đạt, nhóm họp ôn hòa và tự do đi lại” trong các cuộc gặp công khai cũng như riêng tư với các đối tác tại Việt Nam.
Văn thư của HRW nói Việt Nam là một trong những quốc gia có số tù nhân chính trị nhiều nhất Đông Nam Á, với hơn 130 tù nhân, trong đó có nhà báo – blogger Phạm Chí Dũng, nhà báo Nguyễn Tường Thuỵ, gia đình bà Cấn Thị Thêu và nhiều người khác.
Tổ chức nhân quyền quốc tế kêu gọi Thủ tướng Nhật lên tiếng thúc giục Việt Nam trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị và những người bị giam giữ vì đã thực hiện các quyền cơ bản của họ về tự do ngôn luận, lập hội, hội họp ôn hòa hoặc tôn giáo và tín ngưỡng, đồng thời sửa đổi bộ Luật Hình sự và Luật An ninh mạng để người dân được tự do thực hành các quyền dân chủ của mình mà không gặp nguy hiểm.
“Nhật Bản cần sử dụng đòn bẩy đáng kể với vị thế là nhà tài trợ lớn cho chính phủ Việt Nam và Indonesia để gây sức ép với cả hai quốc gia này nhằm chấm dứt vi phạm nhân quyền,” ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, nói trong thông cáo hôm 18/10.
Theo đại diện của HRW, Thủ tướng Suga nên đặt vấn đề nhân quyền làm nền tảng trong chính sách ngoại giao của Nhật Bản, một điều mà ông Robertson nói rằng các vị tiền nhiệm của ông Suga “chưa từng làm được”.
Theo quan sát của VOA Việt Ngữ, các thông tin về chuyến thăm đăng trên trên Cổng thông tin điện tử của chính phủ cũng như báo chí Việt Nam không nhắc tới nhân quyền.
Chưa rõ vấn đề này có được nêu trong các cuộc gặp riêng giữa ông Suga và các quan chức nước chủ nhà hay không.
Bình luận về vấn đề này Học giả Nicholas Szechenyi, chuyên gia về Nhật Bản tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nói: “Tôi không biết vấn đề nhân quyền sẽ được đề cập ở mức độ nào trong chuyến công du của Thủ tướng Suga. Nhưng tôi nghĩ rằng Nhật nói chung rất cam kết với các nguyên tắc về nhân quyền.
Chúng tôi vừa hoàn thành một dự án khảo sát hơn 800 chuyên gia chiến lược trên khắp Châu Á và Châu Âu về chính sách đối với Trung Quốc.
Điều thú vị là quốc gia sẵn sàng thúc đẩy nhân quyền tại Trung Quốc nhất lại là Nhật Bản.
Tôi cảm thấy vấn đề đó là một trụ cột trong chính sách đối ngoại của Nhật và đây là vấn đề mà Nhật sẽ tiếp tục nhấn mạnh trong tương lai.
Nhưng riêng chuyến đi này tôi nghĩ sẽ chú trọng đến hợp tác kinh tế hơn cả.” – Học giả Nicholas Szechenyi nêu nhận định.
Ngay trước chuyến đi của ông Suga, cộng đồng người Việt đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản đã biểu tình và tọa kháng tuyệt thực trước Dinh Thủ Tướng tại Tokyo.
Cộng đồng người Việt tại Nhật hôm 16/10 cũng đã gửi thỉnh nguyện thư tới Thủ tướng Suga, trong đó có đoạn kêu gọi nhà lãnh đạo này “mạnh dạn trình bày quan điểm của Nhật Bản rằng Việt Nam cần phải tăng cường cải thiện và giải quyết từ gốc rễ vấn đề nhân quyền”.
Ngoài việc nhấn mạnh Việt Nam cần tăng cường cải thiện và giải quyết vấn đề nhân quyền. Thư còn một số nội dung:
1. Yêu cầu TAND Hà Nội xóa bỏ tất cả bản án phi lý đối với dân làng Đồng Tâm và bồi thường mọi thiệt hại vật chất lẫn tinh thần.
2. Yêu cầu chính quyền Thừa Thiên – Huế trả lại Trường Thánh Mẫu và những khu vực chung quanh thuộc quyền sở hữu của Đan viện Thiên An.
3. Yêu cầu BCA, Bộ Tư pháp trả tự do vô điều kiện cho tất cả tù nhân lương tâm trước ngày Quốc tế nhân quyền 10/12/2020.
4. Yêu cầu ĐCSVN chấp nhận thể chế đa đảng như Nhật bản và các nước tiến bộ để thực hiện tự do dân chủ.
5. Yêu cầu chính phủ Nhật Bản suy xét đến việc sử dụng tiền cho các dự án tại Việt Nam.
Thư cũng đặc biệt nhấn mạnh v/v bắt giam nhà báo độc lập nổi tiếng Phạm Đoan Trang là hành động vi phạm “Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị“.
Nhật đạt thoả thuận chuyển giao quốc phòng với Việt Nam giữa lo ngại về Trung Quốc
Nhật Bản và Việt Nam hôm 19/10 nhất trí tăng cường hợp tác an ninh trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của tân Thủ tướng Suga Yoshihide, với việc hai nước đạt được một hiệp định về chuyển giao thiết bị và kỹ thuật quốc phòng giữa bối cảnh có những lo ngại về sự ảnh hưởng tăng cao của Trung Quốc trong khu vực.
Tại cuộc hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hà Nội trong ngày làm việc đầu tiên tại Việt Nam, Thủ tướng Suga, người mới lên nhậm chức thay Thủ tướng Shinzo Abe hôm 18/9, và người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã “cơ bản đạt được một thoả thuận” trong đó cho phép Nhật Bản xuất khẩu các “thiết bị và kỹ thuật quốc phòng” sang Việt Nam. Báo Điện tử Chính phủ VGP News gọi đây là “một bước phát triển lớn trong sự hợp tác an ninh quốc phòng giữa hai nước” nhưng không đưa ra chi tiết cụ thể về các thương vụ mua bán thiết bị này.
“Tôi tin chắc rằng, hợp tác an ninh quốc phòng giữa hai nước sẽ tiếp tục (được) thúc đẩy,” Thủ tướng Suga được VGP News trích lời nói hôm 19/10.
Chuyến thăm 4 ngày tới Việt Nam, và sau đó là Indonesia, của ông Suga diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản đang đẩy mạnh năng lực quốc phòng của các nước trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm đối trọng với những lợi thế hàng hải của Trung Quốc. Nhật Bản dỡ bỏ một phần lệnh cấm chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng vào năm 2014 như một phần của những nỗ lực của cựu Thủ tướng Abe trong việc củng cố mối quan hệ với các nước đồng minh và thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng trong nước.
“Nhật Bản là một quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, và sẽ góp phần cho hoà bình và thịnh vượng ở khu vực,” tân Thủ tướng Nhật Bản được Zing News trích lời nói với phóng viên sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Phúc hôm 19/10.
“Tôi chọn Việt Nam vì Việt Nam là địa điểm thích hợp nhất để tôi gửi thông điệp này lần đầu tiên ra thế giới.”
Việt Nam được coi là một trong những đối tác quan trọng của Nhật Bản, nhất là từ khi ông Abe lên nắm quyền thủ tướng nhiệm kỳ 2 vào năm 2012, để thực hiện tầm nhìn chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Chiến lược này được Tổng thống Mỹ Donald Trump lần đầu tiên đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng tháng 11/2017 nhằm đối trọng với sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Trong cuộc hội đàm giữa hai nguyên thủ quốc gia của Việt Nam và Nhật Bản, được truyền thông trong nước ghi nhận, cả Thủ tướng Phúc và Thủ tướng Suga đều không nhắc tới Trung Quốc nhưng hai bên “nhất trí sẽ thắc chặt hợp tác trước những thách thức trong khu vực bao gồm cả vấn đề Biển Đông và bán đảo Triều Tiên.”
Vấn đề Biển Đông cũng được nhắc tới trong cuộc gặp của tân Thủ tướng Nhật với với Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng ngay sau đó trong ngày 19/10.
Thủ tướng Suga được VietNamNet trích lời khẳng định rằng “Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Việt Nam tại các diễn đàn khu vực và quốc tế” cũng như “bày tỏ ủng hộ lập trường của Việt Nam và ASEAN trong vấn đề Biển Đông.” Việt Nam hiện đang là chủ tịch luân phiên của khối các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Đáp lại thủ tướng Nhật, ông Trọng, người kiêm nhiệm hai chức vụ cao nhất của Việt Nam, “đánh giá cao lập trường của Nhật Bản trong vấn đề Biển Đông, trong đó có việc giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hoà bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.”
Cả Việt Nam và Nhật Bản đều có những tranh chấp về tuyên bố chủ quyền lãnh hải với Trung Quốc ở Thái Bình Dương, lần lượt trên Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Cũng trong chuyến thăm của ông Suga tới Hà Nội, đồng thời là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của tân thủ tướng Nhật, hai bên đã nhất trí tăng cường hợp tác kinh tế với việc “trao đổi 12 văn kiện hợp tác trên nhiều lĩnh vực” gồm kỹ thuật số, môi trường, năng lượng, và cơ sở hạ tầng.
“Tôi khẳng định với ngài Thủ tướng Suga về việc Việt Nam chuẩn bị sẵn sàng điều kiện về đất đai, nguồn lực, môi trường, chính sách để chung tay hợp tác cùng các doanh nghiệp Nhật Bản có thể đầu tư kinh doanh thành công tại Việt Nam,” Thủ tướng Phúc được Zing News trích lời nói.
Hai quan chức lãnh đạo chính phủ Nhật Bản và Việt Nam hôm 19/10 cũng đạt thoả thuận về “áp dụng những quy chế đi lại ưu tiên” và “nhất trí sớm khôi phục đường bay thương mại” giữa hai nước. Theo VGP Zing News, Nhật Bản và Việt Nam cùng thống nhất tiếp tục nỗ lực giải quyết các vấn đề mà thực tập sinh Việt Nam đang đối mặt tại đất nước “Mặt Trời Mọc.”
Theo những hình ảnh của Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản trên Twitter, ông Suga được ông Phúc đưa đi thăm nhà sàn và ao cá của cố Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Ba Đình hôm 19/10.
Chuyến thăm VN của thủ tướng Suga phản ánh mong muốn của Tokyo trong việc đối trọng với sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực.
Nhưng việc ông Suga chọn thăm hai quốc gia ở Đông Nam Á nhấn mạnh tầm quan trọng của Việt Nam và Indonesia trong chiến lược khu vực của tân ghủ tướng Nhật, theo nhận định của South China Morning Post.
Tờ báo tiếng Anh có trụ sở ở Hong Kong cho rằng điều này cũng cho thấy mong muốn tách Nhật Bản khỏi các cuộc tranh cãi chính trị đang nổ ra trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ dự kiến diễn ra ngày 3/11.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Hoàn cầu Thời báo, động thái này không hề ảnh hưởng đến sự phát triển của quan hệ Mỹ-Nhật dưới thời ông Abe, người là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên mà Tổng thống Donald Trump tiếp đón tại Mỹ.
Tờ báo này cũng cho rằng ông Suga không chọn tới Mỹ vì đại dịch COVID vẫn đang nghiêm trọng ở đây và những lo ngại về sự tái đắc cử của ông Trump, nhưng điều đó không có nghĩa rằng ông Suga hạ giảm tầm quan trọng của Mỹ và liên minh Mỹ-Nhật.
Hoàng Lan – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Việt Nam: Đấu đá dành quyền lãnh đạo mới – Cuộc chiến vẫn chưa ngã ngũ
>>> Đại hội 13 và nhu cầu bức xúc về dân chủ
>>> Lê Thanh Hải về vườn – Lê Trương Hải Hiếu cũng “ra ma”
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT