Chính trị Việt Nam và Mỹ có nhiều điểm khác biệt, so sánh Trump và Trấn Thành nghe có vẻ buồn cười và khập khiễng, nhưng cũng đã có những so sánh Trump với Hitler, thì tại sao không thử xem Trấn Thành và Trump có gì giống và khác nhau.
Theo một khảo sát của yougov (4), thì trong danh sách những người đàn ông được người Việt ngưỡng mộ nhất theo thứ tự là Bill Gates, Phạm Nhật Vượng, Obama Barack, Trấn Thành, Nguyễn Phú Trọng, và Donald Trump ở vị trí thứ 6.
Ở Việt Nam rất ít các cuộc thăm dò ý kiến người dân và không có các tổ chức dân sự công khai, nên rất khó để đưa ra phán đoán, tuy nhiên nếu giả sử có một cuộc bầu cử tổng thống công bằng ở Việt Nam, dựa trên thông tin ít ỏi từ yougov thì có khả năng cao người trúng cử sẽ là Trấn Thành chứ không Nguyễn Phú Trọng.
Kết quả thăm dò của yougov có lẽ là đáng tin cậy. Kiểm tra chéo thì Fanpage của Trấn Thành có 12 triệu người theo dõi, chiếm 1/8 dân số Việt Nam, cao gấp 3 lần số fan của trang báo lớn nhất tại Việt Nam, vnexpress.net hay kênh VTV24.
Chuyện những nhà báo, những người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng, khi hoạt động chính trị thường dễ trúng cử là chuyện phổ biến. Độ nổi tiếng tỷ lệ thuận với sự thành công trong bầu cử, càng nhiều cử tri biết đến mình, biết đến đường lối của mình, chính sách của mình, ưu tiên của mình, khả năng của mình thì xác suất cử tri người ta bầu cho mình càng cao, cử tri họ bỏ phiếu cho người họ biết đến, còn hơn là bỏ phiếu cho người họ chưa nghe đến tên bao giờ.
Về độ nổi tiếng tỷ lệ thuận với sự thành công trong bầu cử, tất nhiên không ai có công thức cụ thể, nhưng tôi có thể tạm dẫn ra một số ví dụ sau. Trong các nhà báo nổi tiếng trở thành chính trị gia thành công có đương kim thủ tướng Anh Quốc Borish Johnson, nhà báo đương kim chủ tịch nghị viện EU David Maria Sassilio, cựu thống đốc Califionia: diễn viên Arnold Schwarzenegger, hay tổng thống thứ 40 của Hoa Kỳ: diễn viên Donald Regan.
Lý do Trấn Thành được ưa chuộng hơn Nguyễn Phú Trọng là vì tuy ông Trọng được hệ thống truyền thông quốc doanh, cũng như mạng lưới các chi bộ Đảng đưa các thông tin rất tích cực về ông, và về chiến dịch đốt lò của ông, nhưng ông không thể nào xuất hiện nhiều bằng Trấn Thành trong vô số các show diễn hời hợt giải trí giết thời gian, các kênh truyền hình quốc gia và địa phương, cũng như trên Youtube. Sự thành công của Trấn Thành trong mắt người dân chứng tỏ người dân dành nhiều thời gian để xem các show Trấn Thành để giết thời gian, để quên đi các bất cập trong xã hội.
Đa phần người dân Việt Nam có lẽ chỉ tiêu thời gian vào 2 mục: làm giàu cho bản thân và giải trí. Các bất cập xã hội như tắc đường tại Hà Nội và Sài Gòn, ô nhiễm không khí, nạn tiêu tiền thuế vô tội vạ vào các dự án lãng xẹt như xây tượng đài nghìn tỷ, nạn tham nhũng vặt, hành chính quan liêu, hay chu trình phá rừng, lũ lụt năm này qua năm khác, hình như đã được đại đa số người dân thích ứng dần và chấp nhận chứ không phàn nàn hay bức xúc nữa.
Nói tóm tắt lại, nhờ những chương giải trí rẻ tiền mà phần lớn người dân Việt Nam và nhất là giới trẻ đã đặt những vấn đề bất cập của xã hội thành thứ yếu. Với 12 triệu người theo dõi, với tần suất xuất hiện dày đặc, sức nặng của mỗi lời Trấn Thành viết ra, nói ra, sẽ tiếp cận đến không biết bao nhiêu người, sẽ có sức ép rất lớn đối với nhà cầm quyền. Phương tây có câu, “With great power comes great possibility“, nôm na là “sức mạnh càng lớn khả năng càng vĩ đại“. Trấn Thành đã có thể nói một vài dòng thắc mắc cho vụ án Hồ Duy Hải, về thảm họa Formossa, về việc ngư dân phải bán thuyền, hay về nạn phá rừng làm thủy điện rồi thủy điện xả lũ. Nhưng Trấn Thành không nói.
Việc chỉ “chăm lo riêng cho bộ da của bản thân mà quay lưng lại nỗi đau của đồng loại“, có lẽ đã trở thành một chuyện bình thường, được những người như Trấn Thành làm gương cho xã hội, như là một tấm gương thời thượng, một lối sống khôn ngoan.
Một xã hội mà trong đó không biết có bao nhiêu phần trăm người dân không phân biệt được lãnh đạo, đảng và tổ quốc. Một phần trăm lớn người dân còn đinh ninh quốc hội Việt Nam cũng được bầu ra giống như quốc hội ở các nước phương tây. Một xã hội mà còn một phần trăm lớn người dân tin rằng những người phê phán đường lối lãnh đạo chính sách của chính phủ và đảng là phản động, thì việc đánh lạc hướng dư luận cũng là một chiến lược không kém phần quan trọng như tạo ra tin giả, tin hỏa mù. Những người như Trấn Thành là sản phẩm đỉnh cao của một đường lối đánh lạc hướng dư luận của ban tuyên giáo, của đảng cầm quyền trong thời đại bùng nổ mạng xã hội.
Ngược lại Donald Trump cũng có điểm giống Trấn Thành ở chỗ ông cũng đã từng làm trong Show Biz, có hẳn một chương trình truyền hình thực tế Apprentice và Miss Universe, ông cũng được nhiều người Mỹ biết đến trước khi ông ra tranh cử năm 2016. Tuy nhiên ông chưa từng bao giờ nằm trong hệ thống chính quyền Hoa Kỳ một ngày nào trước khi tuyên thệ nhậm chức tổng thống vào năm 2016. Có ý kiến bình luận rằng ông trúng cử năm 2016 một phần lớn chính vì lý do đó, đa số các cử tri Mỹ đã cảm thấy quá chán ngán với các chính trị gia chuyên nghiệp, những người đã nằm trong hệ thống chính quyền Hoa Kỳ, những người chuyên nói lời hay ý đẹp nhưng cử tri không còn tin tưởng vào sự thay đổi có thể xảy ra từ bên trong hệ thống công quyền.
Có thể nói rằng Donald Trump là kết quả của sự phản kháng của công chúng đối với hệ thống công quyền, đối với các nhà chính trị gia chuyên nghiệp thông qua kỳ bầu cử bỏ phiếu công bằng năm 2016. Đó là hoàn toàn ngược lại với Trấn Thành, một sản phẩm truyền thông đánh lạc hướng dư luận của nhà cầm quyền.
Có một thực tế đáng lưu ý ở đây mà không được các nhà báo gốc Việt khai thác đủ: việc một chính trị gia amateur như Donald Trump ra ứng cử để rồi trúng cử là do hệ thống chính trị của Hoa Kỳ, là do hệ thống dân chủ. Nếu một người amateur như Donald Trump ở Việt Nam có lẽ chỉ cần nộp đơn ra ứng cử đại biểu quốc hội, ông đã bị đánh vêu mặt như ứng cử viên đại biểu quốc hội khu vực Hà Nội Nguyễn Thúy Hạnh; hay ông đã bị tổ dân phố gạt ông ra khỏi danh sách ứng cử như trường hợp của ứng cử viên đại biểu quốc hội Nguyễn Quang A, ông Trump dễ dàng bị tổ dân phố gạt đi với lý do đạo đức có vấn đề, 3 đời vợ, rồi đã từng “ăn bánh trả tiền” với ngôi sao khiêu dâm Stormy Daniel.
Trump và Nguyễn Phú Trọng
Cùng xấp xỉ độ tuổi nhưng Donald Trump và đương kim Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khác nhau một trời một vực. Không hiểu người Việt hài lòng với một chủ tịch nước đạo mạo, gia đình không bị điều tiếng gì, cả năm mới tiếp xúc với cử tri được một hai lần mà toàn tiếp xúc với cử tri “cò mồi” (2), chọn lọc, mỗi lần có thiên tai dịch họa thì chẳng bao giờ thấy ông Trọng đến địa phương để cổ vũ lực lượng cứu hộ hay động viên hỏi thăm những gia đình có người bị lũ cuốn trôi; hay là thích có một Chủ tịch nước giống như ông Trump, xông pha khắp nơi, cháy rừng thì ông đến tận nơi, thích thì lên twitter cãi nhau tay đôi với ông ấy.
Hiện tại không biết bao nhà báo bloggers người Việt bị cầm tù, bị vô hiệu hóa ở trong tù 5 năm hay thậm chí 15 năm bởi các điều khoản mơ hồ “nói xấu, tuyên truyền chống chế độ“, vậy mà các nhà báo tiếng Việt, viết cho độc giả ở Việt Nam, không ý thức được điều này, không đặt ưu tiên cho việc đem lại tự do ngôn luận sớm cho Việt Nam mà lại lan man viết bài về chuyện đúng sai nếu ủng hộ Trump hay Biden. Có nhà báo lại so sánh Trump với độc tài trong khi Trump chưa tống bất cứ nhà báo nào vào tù cả. Việc đánh đồng việc nhục mạ nhà báo với việc bắt giam nhà báo là không ổn tý nào. Nếu dân Mỹ họ có chọn sai đi nữa thi kỳ sau họ sẽ vẫn có cơ hội sửa lại, đâu như dân tộc đau thương của chúng ta, đến khi nào mới có bầu cử đúng nghĩa.
Đúng ra chúng ta nên để trí khôn của đám đông quyết định, hay để trí tuệ của đám đông người Mỹ chọn lựa. Theo lý thuyết “Wisdom of crowd” (5) tạm dịch “Trí khôn đám đông” của nhà khoa học Francis Galton thì đám đông sẽ dự báo kết quả chính xác hơn bất cứ một chuyên gia thông thái nào . Áp dụng vào bầu cử, lựa chọn của đám đông lúc nào cũng đúng hơn lựa chọn của bất cứ học giả hay nhà báo nào.
Với mối lo cơm áo gạo tiền, người dân Việt Nam không đủ sức và cũng không đủ kiên nhẫn để tìm hiểu được những rối rắm của nền chính trị Hoa Kỳ, vì vậy xin các nhà báo Việt Nam đừng làm độc giả rối trí, để rồi rơi vào các cuộc tranh luận không đầu không đuôi, trong khi tại Việt Nam các điều khoản mơ hồ để bắt người cầm bút vẫn còn rành rành ra đấy, các nhà báo sắc sảo vẫn bị cầm tù. Vô tình chúng ta giống như Trấn Thành ở chỗ làm người dân Việt Nam quên đi nhưng điểm chính cụ thể cần phải giải quyết trước tiên.
Nguyễn Hoàng Hải
1 https://www.youtube.com/watch?v=UZxVD5hDBcY
2 https://www.youtube.com/watch?v=y_tya1tdQlw
3 http://vietinfo.eu/tin-viet-nam/nguoi-ung-cu-dbqh-bi-loai-vi-cho-ia-sang-nha-hang-xom.html
4 https://vinalive.vn/nhung-nhan-vat-duoc-nguong-mo-nhat-viet-nam-nam-2020-n-21598.html